Nông sản đổ đồng là 'theo quy luật'?

17/03/2018 07:12 GMT+7

Giá nhiều loại rau giảm sâu từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thê thảm nhất là giá su hào, củ cải trắng ở Hà Nội và Hải Dương khiến người dân phải nhổ bỏ, đổ đồng.

Điệp khúc “được mùa mất giá” đã kéo dài trong nhiều năm nay và vẫn bế tắc khi khâu chế biến còn sơ sài.
Khảo sát tại chợ rau đầu mối khu vực Nhổn (P.Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong sáng 16.3, su hào và củ cải vẫn là các loại rau bày bán nhiều nhất và cũng rẻ nhất chợ. Củ cải được đóng theo túi loại 10 kg, giá bán 10.000 - 20.000 đồng/túi. Trong khi đó, su hào giá nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ 1.000 đồng/củ. Đây là giá củ cải, su hào bán ở chợ, đã “cõng” thêm nhiều chi phí nhân công thu hoạch, vận chuyển và qua tay thương lái. Còn ngay tại đồng, giá củ cải và su hào rớt thê thảm, nông dân bỏ đầy đồng không buồn thu hoạch.
Lại kêu gọi “giải cứu”
Anh Nguyễn Văn Thành, một tiểu thương ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, H.Mê Linh, Hà Nội), cho biết giá rẻ nên củ cải mua tại ruộng không còn theo cân mà tính theo sào. Một sào (360 m2) giá 700.000 đồng, thu hoạch được khoảng 2 - 3 tấn, tính ra chỉ 200 - 400 đồng/kg. “Giá rẻ chưa từng có nhưng chúng tôi mua không xuể vì diện tích đến thời kỳ thu hoạch còn rất nhiều, dù có mối đổ buôn tại Hà Nội thì mỗi ngày cũng chỉ bán được 1 - 2 sào”, anh Thành nói.
Với su hào, theo nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối khu vực Nhổn, giá mua tại ruộng trên địa bàn xã Tứ Kỳ (Hải Dương) và các huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh... cũng rớt xuống mức vài trăm đồng/củ. Ra đến chợ, giá su hào hơn 1.000 đồng/củ nhưng nếu cộng chi phí vận chuyển, thuê nhân công, mặt bằng ngoài chợ thì cả tiểu thương lẫn người dân đều lỗ.
Theo thống kê của UBND H.Mê Linh, trên cánh đồng của xã Tráng Việt có khoảng 20 ha củ cải đang cho thu hoạch với sản lượng 1.120 - 1.500 tấn cần tiêu thụ gấp trong 10 - 15 ngày tới. Trong ngày 16.3, UBND H.Mê Linh đã tổ chức họp bàn với các doanh nghiệp tìm cách “giải cứu”, qua việc hỗ trợ tiêu thụ củ cải cho nông dân ở các bếp ăn tập thể, hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Sẽ... rà soát, khuyến cáo


Phải đầu tư công nghệ chế biến
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, cho biết doanh nghiệp đã mua các mặt hàng rau - củ - quả ở xã Tráng Việt từ 5 năm nay để đưa vào chuỗi siêu thị Fivimart, nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ có mức độ, sản lượng nhiều sẽ dồn ứ, dư thừa. Theo bà Hậu, giải quyết đầu ra cho củ cải không chỉ tiêu thụ tươi như hiện nay mà các sở, ngành, hợp tác xã phải hỗ trợ đầu tư vào chế biến, có hệ thống sấy khô và tiến tới đầu tư bao bì, tem nhãn để xuất khẩu chứ không phải kêu gọi "giải cứu" lúc dồn ứ, dưa thừa củ cải như hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng giá rau giảm trong những tuần đầu của tháng 3 gần như đã thành quy luật nhiều năm. Khi vào thời điểm này hằng năm, rau cuối vụ đông (su hào, bắp cải, củ cải, súp lơ...) và rau xuân hè (rau muống, mồng tơi, rau dền...) trùng thời điểm thu hoạch, đặc biệt ở các diện tích trồng rau vụ đông phải giải phóng để cấy lúa, dẫn tới dồn ứ nhiều loại rau khiến giá bán giảm. Tuy nhiên, cục bộ thì có củ cải ở xã Tráng Việt (Hà Nội) và su hào ở Hải Dương, người dân muốn kéo dài thời điểm chờ giá lên, nhưng thời tiết thuận lợi, củ rau quá lứa, trổ hoa làm chất lượng củ xơ xốp không bán được, đành phải nhổ bỏ, ước tính với tổng diện tích khoảng 20 ha.
Nhìn từ câu chuyện dư thừa su hào và củ cải trắng, ông Sơn cho rằng mấu chốt trong tiêu thụ rau xanh vẫn là khâu kết nối tiêu thụ. Khi khảo sát ở vùng trồng rau chuyên canh ngay tại thời điểm này, củ cải, su hào vẫn được tiêu thụ tốt nếu có hợp đồng thu mua với thương lái. “Theo quy luật, vào tháng 2 hằng năm, các loại rau ôn đới bị cạnh tranh bởi các loại rau xuân hè, nếu không có hợp đồng thì không nên trồng ồ ạt”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, câu chuyện được mùa rớt giá từng xảy ra với nhiều loại rau - củ - quả khác nhiều năm nay. Vì thế, không chỉ đổ lỗi do nông dân mở rộng diện tích, tăng vụ phá vỡ quy hoạch, mà phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong định hướng và cảnh báo các địa phương kiểm soát cơ cấu cây trồng, quy hoạch chế biến nông sản... Về ý kiến này, ông Sơn thừa nhận để xảy ra tình trạng rau giảm giá do Cục Trồng trọt chưa có biện pháp cảnh báo mạnh từ đầu vụ. “Cục đang phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương tổng rà soát toàn bộ diện tích rau đang còn trên đồng ruộng, cân đối sản lượng và cung cầu để có khuyến cáo tới các địa phương điều chỉnh sản xuất phù hợp, hướng dẫn người dân tái cơ cấu cây trồng”, ông Sơn cho biết.
Với khâu chế biến, ông Sơn nhìn nhận dù Bộ NN-PTNT đã quan tâm nhưng hiện tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt thấp, hàm lượng công nghệ chưa cao. Nhiều loại rau chưa có thị trường xuất khẩu nên chủ yếu tiêu thụ tươi sống ở thị trường nội địa. Bộ NN-PTNT đang tích cực phối hợp, hỗ trợ để doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, đầu tư vào công nghệ chế biến. “Dự kiến năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến nhưng trước mắt tập trung vào cây ăn quả, mảng có giá trị xuất khẩu chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu rau - củ - quả. Còn với lĩnh vực rau xanh, tôi nghĩ bước tiến còn chậm vì chưa có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.