Thế giới tăng, doanh nghiệp Việt đại hạ giá gạo
Theo cập nhật từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), từ giữa tháng 5, giá gạo xuất khẩu 5% tấm là 587 USD/tấn còn Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) thông báo giá gạo cùng phẩm cấp của nước này là 649 USD/tấn, tăng 50 USD so với cuối tháng 4.2024.
Đáng nói là trong khi gạo đang vào xu hướng tăng thì giá bỏ thầu gạo của một số doanh nghiệp (DN) nội địa lại rất thấp. Cụ thể, ngày 22.5, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các DN VN. Trong đó, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Đơn vị còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn và là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các DN dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.
Số lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các DN quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Đơn vị giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định
Đáng nói là trong khi 2 DN của ta đại hạ giá gạo bán cho Indonesia thì các DN Thái Lan chào thầu với giá thấp nhất cũng lên tới 649 USD/tấn. Hai DN khác chào thầu 656,58 và 658,5 USD/tấn. Các DN Thái kiên quyết không giảm giá khiến Bulog chỉ mua được 1/2 số lượng so với kế hoạch là 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm.
Bên cạnh đó, đợt thầu này còn có 3 lô, mỗi lô 20.000 tấn và Bulog đang thương lượng lại giá với các đơn vị tham gia đến từ VN với giá chào từ 579 - 582 USD/tấn.
So sánh giá chào thầu cao nhất và thấp nhất trong đợt mở thầu này có thể thấy mức chênh lệch lên tới 94 USD/tấn. Và nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do VFA công bố là 587 USD/tấn thì giá trúng thầu của Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.
Việc một số DN Việt bán rẻ, thậm chí rất rẻ gạo như nói trên đang làm nảy sinh lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như giá trị gạo Việt chứ không chỉ là chuyện của một, hai DN.
Ảnh hưởng cả ngành hàng, thu nhập của nông dân
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thừa nhận: Mấy ngày gần đây thị trường có phần trầm lắng vì một số DN trúng thầu bán gạo cho Indonesia với giá quá thấp làm cho thị trường "mất nhiệt". Nếu so giá thị trường và giá thầu thì DN có thể lỗ từ 800 - 1.000 đồng/kg. Nếu lấy giá trúng thầu quy ra thì giá gạo nguyên liệu ở mức khoảng 14.000 đồng/kg trong khi giá gạo thị trường nội địa cùng phẩm cấp hiện nay là 15.000 - 15.200 đồng/kg. Đó là chưa kể giá trúng thầu nói trên còn phải trừ khoảng 30 - 34 USD/tấn cho chi phí đóng gói và chi phí vận chuyển đến cảng của Indonesia. Nghĩa là DN Việt đang bán dưới giá thành. "Vì sao họ bán giá thấp vậy thì tôi cũng không hiểu được. Họ có thể bán rẻ hơn thị trường vì mua được gạo nguyên liệu giá tốt hoặc do tồn kho lớn cần phải giải phóng hàng tồn. Cũng có thể họ dự đoán Ấn Độ sắp nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu sẽ tác động khiến thị trường gạo thế giới giảm giá nên tranh thủ bán sớm... Nói chung, việc bán giá như thế nào là quyền của DN và tùy thuộc vào phương án kinh doanh riêng của họ, là người ngoài tôi cũng không hiểu hết được. Tuy nhiên như phân tích ở trên, so giá gạo nội địa và giá trúng thầu thì DN xuất khẩu không có lãi", ông Đôn nhận định.
Là một trong những DN xuất khẩu gạo lớn, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), phân tích: Hiện tại, giá gạo 5% tấm (giá FOB) giao ở cảng TP.HCM từ 560 - 570 USD/tấn (gạo Indonesia mở thầu - PV), còn gạo thơm như ĐT8 có giá từ 610 - 620 USD/tấn. Nên với giá trúng thầu của 2 DN nói trên chắc chắn là không có lãi. "Kinh doanh nông sản phụ thuộc nhiều biến số do giao hàng trong tương lai. Khi giá cả biến động, những đơn vị nào chậm cập nhật tin tức sẽ bị thiệt thòi, thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả. Thực tế trong 4 tháng qua có những DN kinh doanh hiệu quả nhưng cũng có những đơn vị thua lỗ", ông Anh phán đoán.
Một số đơn vị trong ngành tiết lộ việc các DN xuất khẩu gạo dưới giá thành là vì cần tiền để quay vòng vốn, giải quyết nợ nần. Công ty Lộc Trời là điển hình, do nợ tiền mua lúa của bà con nông dân ĐBSCL khoảng 500 tỉ đồng, đại diện đơn vị này cho biết chấp nhận bán lúa gạo giá thấp để có tiền thanh toán. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng cho thị trường Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đảm bảo cho việc vận hành được ổn định cũng làm tăng chi phí tài chính cho Lộc Trời. Nếu không giải quyết được nút thắt này thì rất dễ rơi vào vòng xoáy thua lỗ và càng xuất càng lỗ.
Mặt khác, việc bán gạo giá nào là quyền của DN nhưng theo các chuyên gia trong ngành, VN đã mất nhiều năm với rất nhiều công sức để nâng giá gạo lên ngang và cao hơn Thái Lan. Nếu một vài DN vì áp lực tài chính của mình mà bán gạo giá thấp sẽ kéo toàn bộ thị trường đi xuống. Vì các nhà nhập khẩu sẽ nhìn vào mức giá thấp đó làm cơ sở tham chiếu, khiến các DN khác rất khó bán hàng với giá cao hơn. Từ đó, đẩy cả ngành hàng vào thế khó khăn. Trong khi đó, về tổng thể thị trường gạo trong năm 2024 nhu cầu nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng so với năm 2023, nghĩa là xu thế tăng giá của gạo cũng sẽ vẫn tiếp tục. Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Indonesia là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2024 với sản lượng lên đến 3,6 triệu tấn, chỉ sau Philippines (4,1 triệu tấn). Vì vậy, nếu tình trạng bán gạo đại hạ giá như nói trên lặp đi lặp lại nhiều lần về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị chứ không còn là câu chuyện riêng của một DN.
Nhiều ngành xuất khẩu tỉ USD nhưng càng bán càng lỗ
Nhìn lại lịch sử, từng có nhiều ngành rơi vào tình trạng xuất khẩu "tỉ đô" nhưng DN thua lỗ nặng nề, bắt đầu từ việc phá giá thị trường.
Ngành xuất khẩu điều là một ví dụ. Nhìn lại lịch sử, giai đoạn 2015 - 2017 là thời hoàng kim khi giá xuất khẩu điều liên tục tăng. Nhưng bước sang năm 2018, những dấu hiệu bất ổn dần xuất hiện và ngày càng nghiêm trọng. Một DN ngậm ngùi nhớ lại ở thời điểm đầu năm 2018 nếu mua được giá 4,5 USD/pound các nhà nhập khẩu đã vui mừng lắm rồi. Nhưng nhiều công ty trong nước vẫn bán dưới mức giá này và dưới cả giá sàn, gây hỗn loạn thị trường. Các DN đua nhau giảm giá đến mức nhiều nhà nhập khẩu EU và Mỹ không dám mua hàng vì cứ lô hàng sau giá thấp hơn lô trước và càng nhập nhiều càng lỗ. Đến giữa năm 2018, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (VINACAS), phải lên tiếng báo động về tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá lẫn nhau giữa các DN trong ngành. Cụ thể, ở thời điểm đó, mức giá xuất khẩu ở "ngưỡng chịu đựng" để DN có lãi là 4,3 USD/pound nhưng nhiều đơn vị chỉ bán 4,15 - 4,2 USD/pound. Là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng giá xuất khẩu của VN cũng thấp nhất.
Đáng nói, từ đó đến nay, tình trạng này chẳng những không được khắc phục mà ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ tranh bán, các DN còn tranh cả việc nhập khẩu hạt điều nguyên liệu về chế biến.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch VINACAS, cho biết: Năm 2023, xuất khẩu hạt điều vượt ngưỡng 600.000 tấn nhưng đằng sau sự tăng trưởng về lượng ấy, nhiều DN càng làm càng lỗ. Lý do là các DN tranh nhau mua điều thô vì nghĩ rằng mua sớm sẽ được chất lượng tốt, đến khi chế biến mang đi bán thì lại cạnh tranh nhau để bán, vì vậy giá điều nhân giảm sâu và nay giá chỉ còn 2,3 USD/pound vẫn khó bán.
Là DN trực tiếp sản xuất, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty Cao Phát, cho hay năm 2023 thực sự khó khăn. Mặc dù đã hợp lý hóa sản xuất đến mức tối đa nhưng DN điều vẫn không hoạt động hiệu quả. Các nhà máy nhỏ mua quá nhiều điều thô nhưng khả năng tài chính hạn hẹp đã buộc họ phải bán nhân điều dù thua lỗ. Nhưng càng bán thì giá lại càng xuống, DN càng lỗ. "DN VN không nên cạnh tranh chụp giật, mua giá cao chế biến ra bán giá thấp. Làm như vậy là tự mình hại mình", ông Uy than thở. Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu điều tăng mạnh và ngành này đang kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch 4 tỉ USD. Thế nhưng sức khỏe của các DN điều thì lao dốc. Có những người cả đời gắn bó với ngành này cũng đang tìm cách bán công ty vì mệt mỏi, chán nản.
Cay đắng nhất phải kể đến ngành hàng cá tra xuất khẩu - một mình một chợ vẫn phá giá lẫn nhau để rồi sau hơn 20 năm, giá xuất khẩu của mặt hàng này mãi chưa vực dậy được. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2023 ngành thủy sản gặp khủng hoảng thừa nên giá xuất khẩu cá tra chỉ còn 2,8 USD/kg. Không ai có thể tưởng tượng cách đây gần 30 năm, năm 1997 - 1998 khi chúng ta bắt đầu xuất khẩu cá tra, giá đã đạt 4,93 USD/kg. Thế nhưng tới năm 2012 - 2013, tình trạng cạnh tranh phá giá lẫn nhau bắt đầu gay gắt khiến giá giảm xuống chỉ còn khoảng 2 USD/kg. Đến năm 2023 như nói trên, giá cá tra bán vào Mỹ cũng chỉ có 2,8 USD/kg. Nghĩa là sau hơn 20 năm giá cá tra không hề thay đổi trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng. Theo một số chuyên gia, tình trạng các DN cạnh tranh phá giá lẫn nhau cũng là một phần nguyên nhân khiến Hiệp hội Ngành hàng cá da trơn của Mỹ kiện chúng ta bán phá giá họ. Không chỉ thị trường Mỹ bị ảnh hưởng mà giá xuất khẩu vào các thị trường khác vì thế mà cũng không tăng được. "Sự tài tình là nhiều DN VN vẫn trụ lại được trên thương trường trong bối cảnh đầy khó khăn ấy nhưng điều đáng buồn là chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội làm giàu cho DN mình cũng như cho quốc gia, dân tộc", một chuyên gia nhận định.
Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất ĐBSCL, chứng kiến sự thăng trầm của nhiều ngành hàng nông sản, TS Trần Hữu Hiệp (Trường ĐH FPT Cần Thơ) thẳng thắn chỉ ra trong khi thế giới cạnh tranh để phát triển dựa trên các yếu tố năng lực sản xuất tốt, trình độ khoa học công nghệ cao thì ở VN nhiều năm qua có một tình trạng đáng báo động là cạnh tranh dựa vào giá rẻ, sản lượng lớn. Điều này rất phổ biến trong nhiều ngành nông sản. Nếu trước đây là cá tra, điều thì hiện nay xuất hiện dấu hiệu đối với ngành gạo, thậm chí có nguy cơ cả với ngành đang phát triển nóng là sầu riêng hay cà phê. "Chúng ta có một nhận thức sai lầm về khái niệm cạnh tranh. Chúng ta thường nghĩ theo nghĩa là "choảng nhau" từ thị trường nội địa đến khi ra thương trường quốc tế. Chính vì cách nghĩ như vậy nên mới có chuyện cùng đi xúc tiến thương mại, ông thứ nhất chào giá 10 USD thì ông sau chỉ còn có 9 USD tới ông thứ ba thì chỉ còn 7 USD… Thiếu tính thống nhất và quy củ nên khiến khách hàng cũng ngại mua hàng của chúng ta và chúng ta còn trực tiếp trao cho họ cơ hội "đè" giá sản phẩm của mình. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường vai trò điều phối của các hiệp hội ngành hàng để tăng tính liên kết giữa các DN, tạo sức mạnh chung. Đây cũng là điều mà ông bà ta đã dạy "buôn có bạn, bán có phường", TS Hiệp nhấn mạnh.
Vì sao dOANH NGHIỆP Thái kiên trì giữ giá ?
Vấn đề của VN là DN thiếu liên kết và tôn trọng lẫn nhau. Để giải quyết vấn đề này, cần tổ chức lại các hiệp hội ngành nghề, ngành hàng mang tính thực chất và nâng cao vai trò của những tổ chức này. Thời gian qua, các hiệp hội của chúng ta còn nặng về hình thức là đóng góp hội phí và hội họp theo định kỳ, còn lại DN tự bơi nên mạnh ai nấy làm và làm sao giải quyết cho được việc của mình chứ chưa có định hướng tổng của cả ngành hàng và tư duy phát triển bền vững. Chúng ta có thể đặt câu hỏi vì sao DN gạo Thái Lan chào thầu từ mức giá do hiệp hội gạo của họ công bố trở lên còn DN VN lại chào thầu thấp hơn giá mà VFA công bố. Vì sao DN Thái họ vừa chào giá cao và kiên trì không giảm giá trong khi chúng ta sẵn sàng đại hạ giá? Cần nhìn thẳng vào sự thật đó để học hỏi họ trong cách thức quản lý và điều hành để tránh những bài học đáng tiếc có thể xảy ra trong quá khứ như hạt điều hay cá tra.
TS Trần Hữu Hiệp, Trường ĐH FPT Cần Thơ
Nâng cao tính liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị
Trong kinh doanh, không ai muốn bán giá thấp hoặc thua lỗ. Việc thua lỗ có yếu tố chủ quan về kiến thức, kinh nghiệm thị trường non kém nên dẫn đến phán đoán sai, quyết định không đúng. Ngoài ra cũng có một số trường hợp khách quan như giai đoạn kinh tế khó khăn, nhạy cảm hiện nay DN phải đối mặt với nhiều vấn đề không lường hết được, buộc họ phải làm mọi cách để giải quyết bài toán trước mắt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào toàn bộ chuỗi giá trị thì chúng ta có thể thấy nông nghiệp hay ngành lúa gạo không "ngon ăn". Để phát triển bền vững, VN cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cao tính liên kết giữa các thành phần tham gia. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản thay vì tư duy vẫn còn nặng về sản lượng và cạnh tranh về giá như hiện nay.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng
Bình luận (0)