Nhiều người dự báo sẽ có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trái cây, rau củ, thịt ngoại sẽ tràn ngập?
Trong chuyến thăm VN, chiều 26.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak đi khảo sát thị trường tại một trung tâm thương mại ở Q.7, TP.HCM. Nơi đây có riêng một khu cung cấp các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ từ rau quả, thịt đến sản phẩm chế biến đóng hộp. Các sản phẩm này trông rất bắt mắt với mức giá không hề rẻ, như chà là 235.000 đồng/hộp 454 gr, bơ sáp 178.250 đồng/hộp 630 gr, dâu thơm (loại lớn) 440.000 đồng/hộp 454 gr… “Người VN hiện mua nhiều sản phẩm của Úc, giờ đây chúng tôi tham gia cạnh tranh để các bạn có nhiều lựa chọn hơn. Chúng tôi có các mặt hàng mà tôi nghĩ có chất lượng cao và an toàn. Chúng tôi sẽ tập trung vào một loạt các sản phẩm có thể xuất khẩu sang VN”, Bộ trưởng Tom Vilsak nói.
Trước đó, vào đầu tháng 4, một phái đoàn thương mại cấp cao của Hiệp hội Thương mại nông nghiệp miền tây nước Mỹ (WUSATA) đến VN nhằm thảo luận những cơ hội liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Andy Anderson, Giám đốc điều hành WUSATA, cho biết: “VN là quốc gia thành viên của TPP và là một thị trường đang tăng trưởng nhanh đối với các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của Mỹ. Các DN nông nghiệp Mỹ háo hức được xâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu sang VN”. Cùng quan điểm, ông Jim Barbee, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp bang Nevada đồng thời là Chủ tịch WUSATA, nhận định: VN có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nông - lương chất lượng cao của Mỹ và đây là thời điểm thuận lợi cho các DN miền tây nước Mỹ, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, mở rộng thị trường xuất khẩu sang VN. Các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ luôn đạt mức độ an toàn cao nên việc chinh phục người tiêu dùng VN không quá khó.
Với sự háo hức này, riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông - lương của Mỹ sang VN tăng từ 1,5 tỉ USD trong năm 2010 lên 2,6 tỉ USD vào năm 2015. Trong thời gian tới, nông sản Mỹ sẽ tạo mức tăng trưởng đột biến.
Không chỉ Mỹ, trong một chuyến khảo sát thị trường mới đây, các DN Canada cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để xâm nhập thị trường VN. Khi câu chuyện thuế quan không còn quá quan trọng thì chiến lược tiếp thị sản phẩm là yếu tố quyết định. Đây là điều kiện tiên quyết để xâm nhập và cạnh tranh tại thị trường VN. Cũng nên lưu ý rằng Canada là nước xuất khẩu thịt heo đứng thứ 3 thế giới với kim ngạch trung bình khoảng 2,8 tỉ USD hằng năm. VN sẽ là thị trường chiến lược lớn về nông sản của Canada sau khi TPP có hiệu lực. Thực tế, nhập khẩu thịt heo từ Canada vào VN tăng đến 230% trong năm qua cho thấy tâm lý sẵn sàng của họ. Ngoài Canada, năm ngoái các DN sản xuất kinh doanh thịt từ châu Âu đã nhiều lần đến VN để quảng bá tiếp thị sản phẩm thịt. Thịt gia súc của châu Âu vào VN không rầm rộ như Mỹ hay Úc vì nó chủ yếu đi vào các nhà hàng, khách sạn lớn và các nhà máy chế biến.
Muốn “cắm rễ” sâu ở VN
Các DN nước ngoài không chỉ nhìn vào VN với tư duy ngắn hạn, thương mại thuần túy mà nhiều tập đoàn còn xây dựng chiến lược lâu dài “cắm rễ” ở VN. Trung tuần tháng 3 vừa qua, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Group Việt Nam (vốn Hàn Quốc), cho biết trong năm 2016, CJ sẽ tăng vốn đầu tư vào VN thêm 500 triệu USD, một phần quan trọng trong số này là tăng đầu tư vào nông nghiệp bằng việc phát triển các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, thực phẩm, trồng ớt ở Ninh Thuận…, kể cả mua lại cổ phần của các DN nông nghiệp của VN. Mới nhất, CJ đã mua 4% cổ phần của VISSAN trong đợt bán đấu giá ngày 7.3. Đáng lưu ý là trong khoảng 20 năm có mặt ở VN, tổng vốn mà đơn vị đầu tư chỉ có 400 triệu USD.
Một đại gia trong ngành kinh doanh thức ăn gia súc của Mỹ là Cargill cuối năm ngoái tuyên bố đầu tư thêm 40 triệu USD vào VN, nâng tổng vốn đầu tư lên 180 triệu USD. Theo đó, Cargill đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2017. 10 triệu USD còn lại đầu tư xây trạm lưu trữ ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Mới đây, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 2 tại tỉnh Vĩnh Long (thứ 7 tại VN) với tổng số vốn đầu tư hơn 30 triệu USD. Nhà máy sẽ góp phần nâng tổng công suất của De Heus VN đạt 1 triệu tấn/năm.
Trong số các DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp VN phải kể đến các DN Nhật Bản. Tuy không có những tuyên bố rầm rộ nhưng từ nhiều năm nay họ đã âm thầm đầu tư vào nông nghiệp VN với các dự án trồng rau, hoa ở Lâm Đồng và tăng cường đầu tư mạnh trong 2 năm gần đây.
Cần lộ trình đón vốn đầu tư
Các DN FDI trước đây rất ít quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của VN. Theo một số thống kê cho thấy số dự án và vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ khoảng 1% trên tổng vốn FDI đầu tư vào VN. Đáng lưu ý, cách đây vài năm nguồn vốn này còn có xu hướng giảm dần, chính vì vậy việc các DN nước ngoài tăng đầu tư vào nông nghiệp vào thời điểm TPP vừa kết thúc đàm phán và VN hoàn thành các hiệp định thương mại tự do khác khiến nhiều người dự báo sẽ có một làn sóng “vốn” ngoại đầu tư vào nông nghiệp VN. Tuy nhiên, để có thể thu hút được nguồn vốn này cũng cần phải có lộ trình. “Việc gì đến trước thì cần xử lý trước. Trước tiên, chúng ta cần tạo ra các cơ hội thị trường, cần xác định các nhu cầu của người tiêu dùng là gì, xu thế sử dụng hàng hóa như thế nào. Một khi thị trường đã định hình, các cơ hội đầu tư và phát triển cơ sở vật chất sẽ xuất hiện”, Tom Vilsak nói.
|
Bình luận (0)