Nông sản Quảng Ninh - bày ra là hết!

27/01/2019 17:17 GMT+7

Mấy ngày nay, nông sản ở hội chợ OCOP Quảng Ninh đang đắt như tôm tươi với nhiều mặt hàng cứ bày ra là hết, do nhiều khách mua làm quà tết.

Tổ chức tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Hội chợ nông sản (OCOP) xuân 2019 tỉnh Quảng Ninh diễn ra từ ngày 25 - 30.1.
Năm nay, Hội chợ OCOP Quảng Ninh có 200 gian hàng, trong đó có 56 gian hàng của 32 tỉnh, thành khác và cả nước ngoài, đã thu hút hàng vạn người đến xem và mua hàng.
Đến với không gian ẩm thực của Quảng Ninh - địa phương được ví như "Việt Nam thu nhỏ", người dân và du khách thoải mái mua sắm và thưởng thức tại chỗ các đặc sản trên rừng, dưới biển độc lạ và an toàn. Khác với mọi năm, nhiều sản vật OCOP Quảng Ninh năm nay được đầu tư về mẫu mã với bao bì, tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Cầm trên tay giới thiệu món khâu nhục nức tiếng của huyện Tiên Yên, ông Lục Văn Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, nói: “Khâu nhục ngon, tùy loại mà giá từ 100.000 - 120.000 đồng/bát. Đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được đồng bào vùng cao ở Quảng Ninh và một số nơi ở Lạng Sơn biến tấu đi cho phù hợp với người bản xứ. Khâu nhục là miếng thịt lợn ba chỉ to được luộc qua, sau đó châm kim lên lớp mỡ, quét mật ong và tẩm nhiều gia vị như tỏi, gừng, địa liền, nấm hương, hành khô và chiên trong chảo dầu, cuối cùng là hấp cách thủy cho chín nhừ”.
Theo ông Long, mọi năm khâu nhục chỉ bán bằng bát sứ và bọc giấy ni lông đơn giản thì năm nay nhiều hộ kinh doanh đã đầu tư hộp bảo quản bằng giấy bạc giữ nhiệt, lại có tem nhãn, mã vạch rất bắt mắt. Chính vì vậy, đặc sản này được rất nhiều người dân tìm mua làm quà tết. Trung bình mỗi ngày gian hàng của huyện Tiên Yên bán được hơn 100 hộp khâu nhục.
Khâu nhục Tiên Yên được sản xuất, đóng góp bằng bao bì hiện đại Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Vừa mua sắm gần 3 triệu đồng tại Hội chợ OCOP Xuân 2019, bà Nguyễn Thuý Vân, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Tôi vừa đi thăm vịnh Hạ Long và ghé Hội chợ nông sản Quảng Ninh. Nhiều mặt hàng được đóng gói rất đẹp, thậm chí sắp thành giỏ để thành quà tết nữa. Trong các sản phẩm tôi thích hải sản, bởi nói đến Quảng Ninh thì đồ biển là nhất”.
Gian hàng của thành phố Móng Cái năm nay chưa lúc nào thưa khách. Tại đây chỉ bán một sản phẩm nhưng  thường không có đủ để bán đó là thịt lợn Móng Cái.
Dân bản địa ở vùng biên giới cho biết, lợn ỉ Móng Cái có nguồn gốc từ một loại lợn rừng được thuần hoá. Nhưng nhìn bề ngoài, giống lợn này không béo hơn giống lợn rừng và khi nấu chín thịt lại có vị thơm lạ. Lợn Móng Cái có đặc điểm là đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác kéo dài, thân lợn có khoang hai phần. Nửa trước màu đen, nửa sau màu trắng. Hiện nay, giá thịt lợn Móng Cái tươi đang được bán 150.000 đồng/kg. Thịt lợn Móng Cái còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đóng gói khác như: ruốc thịt, chả lợn, giò lợn...
Bà Lê Thị Thuý Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, cho hay: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán tại hội chợ khoảng 4 con lợn, với trọng lượng gần 300 kg. Thịt lợn cứ bày ra là có người đến mua. Mỗi ngày chúng tôi đều phải chuyển lợn từ Móng Cái về Hạ Long nhưng cũng không có đủ để bán”.
Gian hàng của huyện đảo Vân Đồn thì đầy ắp các sản phẩm từ biển: ruốc trai, nước mắm sá sùng, tôm khô, mực khô... Ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: “Khách hàng ngày càng đòi hỏi các sẩm phẩm không chỉ ngon mà phải đẹp. Chính vì vậy, huyện đã yêu cầu các mặt hàng phải thay đổi bao bì sao cho chuyên nghiệp và có tem truy xuất nguồn gốc”.
Mấy năm nay, nước mắm sá sùng được dân sành tìm mua dù giá thành đắt ngang vàng ròng. Loại nước mắm tiền triệu này được chế biến qua 6 công đoạn, qua 24 tháng mới thành thành phẩm. Trên thị trường có 3 loại mắm sá sùng, loại ngon cao đạm đang được bán với giá gần 1 triệu đồng/lít. Tại Hội chợ OCOP Xuân 2019, gian hàng của huyện Vân Đồn đã bán trên 50 lít nước mắm sá sùng đóng chai chỉ trong 2 ngày.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, cho biết nông sản Quảng Ninh nay không chỉ là thương hiệu riêng địa phương này mà đã vươn xa khắp cả nước. Qua 3 ngày khai mạc, hội chợ thu hút khoảng 4 vạn lượt khách với doanh thu gần 5 tỉ đồng.
“Tết này, nhiều du khách có thể mang nông sản Quảng Ninh ra đãi khách như trà Đường Hoa, mực khô, sá sùng khô còn trong bếp thì thế nào cũng có rau sạch Đông Triều, trứng gà Quảng Ninh và vài chai nước mắm Cái Rồng”, ông Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.