Giá gạo, sầu riêng, cà phê tăng cao
Ngày 7.12, giá lúa tại khu vực ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh. Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết giá lúa Đài thơm 8 tăng 200 - 300 đồng/kg lên mức 9.400 - 9.700 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng 100 - 200 đồng/kg lên 9.400 - 9.500 đồng/kg; gạo OM 18 tăng 200 đồng/kg lên 9.500 - 9.700 đồng/kg. Các chủng loại lúa còn lại vẫn ổn định ở mức khá cao. Cụ thể, giá lúa Nàng hoa 9 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; lúa IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.
Trên thị trường, giá gạo trong nước đã có sự điều chỉnh, nhất là các loại gạo phổ thông. Cụ thể, giá gạo Sóc thường 19.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 9 là 19.500 đồng/kg; gạo Nàng Nhen dao động quanh mức 26.000 đồng/kg; gạo Jasmine ổn định ở 16.000 - 18.500 đồng/kg; gạo tẻ thường 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg...
Không chỉ gạo, giá cà phê ngày 7.12 cũng bất ngờ tăng mạnh với mức tăng từ 700 - 900 đồng/kg. Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây nguyên khoảng 60.200 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 60.500 đồng/kg. Tuy nhiên, mùa thu hoạch cà phê năm nay nhiều nơi mất mùa, giảm năng suất đáng kể. Cá biệt một số hộ nông dân trồng cà phê tại Tây nguyên cho biết sản lượng sụt giảm từ 30 - 50%, trong khi giá thuê nhân công thu hái lại tăng cao, do đó dù giá cà phê đang tăng mạnh nhưng lợi nhuận thu được cũng không như kỳ vọng.
Với sầu riêng, nhu cầu tiêu thụ ổn định khiến cho giá giữ được mức cao nhất là 152.000 đồng/kg đối với sầu riêng Thái loại 1 xuất khẩu. sầu riêng Ri-6 cũng được thu mua ở mức từ 125.000 - 130.000 đồng/kg tại miền Đông Nam bộ và ĐBSCL. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), số lượng xe chở nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đang ở mức khá cao so với bình quân tháng trước, đơn cử như trong ngày 5.12 có 405 xe xuất khẩu gồm 271 xe hoa quả và 134 xe hàng khác.
Giá phân bón giảm
Không chỉ hưởng lợi giá tăng, nông dân còn lợi kép khi giá phân bón năm nay giảm mạnh, ngay cả thời điểm này khi sắp vào vụ mới. Ông Vũ Duy Hải - Tổng giám đốc Công ty CP Vinacam nhận định: "Dù các nước xuất khẩu phân bón đang có nhiều động tác kỹ thuật đến nguồn cung phân bón nhưng trong tháng qua giá các loại phân bón phổ biến như Urea, SA, Kali vẫn tiếp tục giảm. Theo nhận định của Vinacam, có thể phải đến sau tết Dương lịch, giá phân bón mới có thể tăng trở lại".
Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định (thương hiệu phân bón Mặt Trời Mới) cũng nhận định: "Giá phân bón trong năm nhìn chung đều giảm do nhu cầu sụt giảm trên toàn thế giới. Các công ty phân bón như chúng tôi kinh doanh khá khó khăn khi lựa chọn thời điểm nhập khẩu nguyên liệu. Ngược lại, giá phân bón giảm thì các loại nông sản càng được giá giúp cho nông dân có thêm động lực để đầu tư. Vụ đông xuân này chúng tôi đang hy vọng giá gạo tăng cao sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng hơn trước".
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với nguồn cung ure ổn định từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp cao điểm vụ đông xuân sẽ được đáp ứng hoàn toàn, giá phân bón có thể biến động theo giá thế giới nhưng trong tầm kiểm soát.
Đại diện truyền thông Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau thông tin, "Giá Urea hiện đang giảm do ảnh hưởng cung cầu trên thế giới, tuy nhiên ở trong nước hiện nay giá gạo đang tăng cao, tăng nóng nên dự báo sắp tới nhu cầu tiêu thụ Urea cũng sẽ tăng lên". Ngày 7.12, Nhà máy Đạm Cà Mau cũng đã tổ chức sự kiện Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 10 triệu tấn Urea. Mỗi năm Phân bón Cà Mau đều đặn cung ứng ra thị trường từ 860.000 tấn urê cho nội địa và xuất khẩu, đến nay đã đạt dấu mốc 10 triệu tấn cung ứng cho thị trường. Sau hơn 11 năm tiếp nhận vận hành nhà máy, Phân bón Cà Mau đã ổn định 30% thị phần tại Campuchia, có mặt tại 18 nước trên thế giới, chinh phục các thị trường khó tính như: Pháp, Mỹ, Brazil, Peru, Mexico…góp phần vào thành tích 1 tỉ USD xuất khẩu toàn ngành".
Bình luận (0)