Nông sản được nhập ồ ạt từ “trạm trung chuyển” về chợ đầu mối Long Biên - Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Hơn 16 giờ, dù chưa bước vào giờ cao điểm nhưng ở khu vực chợ Hòa Đình không khí buôn bán đã tấp nập. Dọc các tuyến phố lân cận như Nguyễn Văn Cừ, Lý Anh Tông, Nguyễn Cao, từng đoàn xe tải, container chất đầy hàng nông sản ra vào chật cứng. Hàng ngàn bao tải chật ních, đủ các loại khoai tây, cà rốt, bí, hành tây, tỏi xếp đầy trong kho, các chủ hàng còn để tràn cả ra ngoài lòng đường đợi mối hàng đánh đi tiêu thụ.
Càng về đêm, khung cảnh buôn bán ở phố nông sản này càng nhộn nhịp, sầm uất. Từ 21 giờ đến 0 giờ, hàng chục xe tải đủ cỡ lớn nhỏ từ 2 tấn đến 30 tấn, xe máy của các lái buôn biển số ở khắp nơi như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định... thậm chí cả Thanh Hóa, Nghệ An cũng nườm nượp vào phố, nằm dài chờ đến lượt bốc hàng.
Đến khoảng 1- 2 giờ sáng, sau khi đã chất đầy ních thùng chứa, hầu hết các xe hàng đều rời bến. Đây cũng là thời điểm nông sản được các lái buôn phân phối cho tiểu thương ở chợ đầu mối và theo xe về các tỉnh khác.
Hàng nguyên tem xếp chồng la liệt
Ghi nhận tại các chợ đầu mối Long Biên, chợ Dịch Vọng... (Hà Nội), mỗi đêm có hàng chục xe tải chở đủ loại nông sản được các lái buôn nhập ồ ạt từ “trạm trung chuyển” về chợ. Nhiều tiểu thương khác còn đánh xe sang tận Bắc Ninh nhập hàng. Theo chị Hà, chủ quầy trong chợ đầu mối Long Biên, sở dĩ như vậy là vì nhập hàng tại “đầu nậu” rẻ được 2-3 giá, mặc dù đã trừ cả chi phí vận chuyển từ Bắc Ninh về mất hơn 30 km nhưng tính ra vẫn thu được lãi nhiều hơn. Tại các sạp hàng nông sản trong chợ, khoai tây, gừng, tỏi, hành tây, cà rốt... còn nguyên tem nhãn in chữ Trung Quốc xếp chồng la liệt.
Nông sản Trung Quốc được các tiểu thương ở chợ đầu mối nhập về ồ ạt với số lượng lớn vì giá nhập rẻ, chỉ cần đội lên thêm 2-3 giá, tính cả cước vận chuyển 30 km từ Bắc Ninh về chợ đầu mối Long Biên vẫn thu lãi 2 triệu/tấn. Đặc biệt, mức giá này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với hàng nông sản trong nước cùng loại nên được người dân tiêu thụ mạnh.
Nông sản Trung Quốc được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ nhờ giá rẻ mà còn do mẫu mã đẹp. Theo bà Đặng Thúy Ngọc Anh, cán bộ phụ trách ngành hàng rau, củ, quả ở chợ đầu mối Long Biên, chỉ cần quan sát bằng mắt cũng phân biệt giữa hàng nông sản Trung quốc và hàng nội. Nông sản Trung Quốc bao giờ cũng có kích thước lớn hơn so với nông sản trong nước cùng loại, vỏ căng tròn mỡ màng, màu sắc rất đẹp, đặc biệt là gừng, tỏi, cà rốt...
Gừng Trung Quốc có màu trắng pha vàng nhạt đặc trưng, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi. Gừng nội có lớp vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong. Tương tự, tỏi Trung Quốc tròn, to, mỡ màng, dễ bóc; còn tỏi bắc vẻ ngoài xấu xí, các tép tỏi nhỏ, khó bóc vỏ nhưng mùi thơm ăn đứt tỏi Trung Quốc. Hành tây Trung Quốc củ to, bóng, tròn và kích cỡ to đều. Hành tây trong nước củ nhỏ, vỏ sần sùi...
Xóa nhãn mác
Tại trạm trung chuyển ở Bắc Ninh và các chợ đầu mối, nông sản Trung Quốc vẫn còn nguyên tem mác, công khai xuất xứ. Tuy nhiên khi được đưa về các chợ lẻ, quầy buôn ở chợ cóc thì đã được các tiểu thương hô biến thành hàng Việt.
Khảo sát tại các chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa (Q.Cầu Giấy), chợ Thành Công... hầu hết các mặt hàng nông sản bày bán trên sạp đều mập mờ nguồn gốc. Khi hỏi chủ hàng tên Hằng ở chợ Nghĩa Tân nhận ngay được câu trả lời: “Làm gì có hàng Tàu, tỏi nhập ở Hải Dương, Sơn La; khoai tây ở Bắc Giang, Hải Dương... về bán hết chứ”. Anh Tâm, lái buôn chuyên đổ hàng rau củ từ chợ đầu mối về chợ lẻ cho biết, thời điểm này phải có 80-90% khoai tây, tỏi, hành tây... bán ở chợ lẻ là hàng Trung Quốc nhưng tiểu thương ở các sạp hàng đều khẳng định với người mua là nông sản nội địa.
Về giá cả, so với chợ đầu mối, tại các chợ lẻ này, nông sản Trung Quốc lại tiếp tục được các tiểu thương “đội” từ 2-3 giá/kg để thu lợi.
Thông tin phát hiện một số mẫu khoai tây Trung Quốc có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; gừng Trung Quốc bị nhiễm aldicard - một loại thuốc trừ sâu cực độc; hành, tỏi Trung Quốc chứa các hóa chất độc hại... được đăng tải trên báo chí gần đây khiến người dân quan tâm hơn đến nông sản trong nước. Tuy nhiên không ít người đã mua nhầm nông sản Trung Quốc mà vẫn đinh ninh là mua hàng trong nước. Cũng không ít người mua hàng chỉ quan tâm đến giá rẻ chứ không bận tâm lắm về xuất xứ hàng hóa, hoặc vì “tiện đâu mua đấy”.
Đại diện nhiều siêu thị đều khẳng định không kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc. Nông sản chủ yếu được bày bán ở các siêu thị là hàng trong nước. Tuy nhiên giá nông sản trong nước khá cao, nhiều loại hay “đứt hàng” khiến không nhiều người tiêu dùng chọn mua.
Tràn ngập chợ đầu mối ở TP.HCM 9 giờ 30 đêm 12.8, cả trăm xe tải lớn nhỏ chở đầy nông sản Trung Quốc đã nằm xếp hàng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), tràn cả ra gần quốc lộ. Các xe tải nhỏ biển số các tỉnh lên “ăn” hàng sớm được bốc xếp đủ loại trái cây, gia vị Trung Quốc chờ xuất bến, tỏa đi khắp nơi. Các thùng xốp ghi chữ Trung Quốc đựng đầy nho, táo, lê, lựu... dưới ánh đèn điện trông rất bắt mắt. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết tổng lượng rau củ về chợ đêm 12.8 là 1.600 tấn, trong đó nông sản Trung Quốc là 260 tấn. Cùng mặt hàng nhưng giá nông sản Trung Quốc rẻ hơn nông sản trong nước rất nhiều. Cụ thể, khoai tây Đà Lạt (khoai hồng) 32.000 đồng/kg, khoai tây vàng 30.000 đồng/kg trong khi khoai tây Trung Quốc (khoai hồng) chỉ 17.000 đồng/kg, khoai vàng 12.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 18.000 đồng/kg, cà rốt Trung Quốc 11.000 đồng/kg... Hoàng Việt |
Nguyễn Tuấn
Bình luận (0)