‘Nông sản Việt Nam phải được đặt hàng chứ không phải chờ giải cứu’

19/01/2022 16:20 GMT+7

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần một nghị quyết mới để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, trong đó cần hoàn thiện cơ chế về đất đai để nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải chờ giải cứu.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đóng góp ý kiến dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26), do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tổ chức ngày 19.1.

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt mức khá cao

Thông tin tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết Nghị quyết 26, sau 13 năm thực hiện nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phan Hậu

Cụ thể, nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng đạt được mức khá cao (2,94%/năm). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc về nông sản. Nông nghiệp bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, dấu ấn nổi bật là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1 năm rưỡi, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp. Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho rằng, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao.

Ông Trần Tuấn Anh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 26 tại hội nghị

Phan Hậu

Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa còn gặp nhiều khó khăn. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, chưa gìn giữ được nếp sống văn hoá nông thôn, nhiều truyền thống văn hoá của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một...

Nông dân được ngủ ngon, không lo nông sản mất giá

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, cho biết nhiệm vụ xây dựng bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện các nhiệm vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

"Thời điểm này đã chín muồi để tổng kết Nghị quyết 26 và có thể ban hành nghị quyết mới của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Thưởng nói.

Cũng theo ông Thưởng, thành công của một nghị quyết bao giờ cũng đặt trong sự hình dung của 5 năm, 10 năm hay 20 năm tới. Vì vậy, nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Thưởng nhấn mạnh phải hoàn thiện thể chế về đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp. Người nông dân có thể làm giàu trên phần đất nhà nước đã giao, hoặc là tạo điều kiện để nông dân thực hiện điều bấy lâu chúng ta đang mơ ước là "ly nông nhưng không ly hương", thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng, chứ không chờ đợi giải cứu.

Bên cạnh đó, nghị quyết mới phải tạo điều kiện, môi trường để nông thôn, nông nghiệp trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp, xây dựng nông thôn phát triển bền vững, đời sống văn hóa được nâng cao.

"Nếu lãng mạn hơn, chúng ta cũng có thể suy nghĩ rằng các điệu hát then, dân ca quan họ, các chiếu chèo, các câu vọng cổ mùi mẫn được ngân lên ở các làng nông thôn mới vào mỗi buổi chiều. Người nông dân có thể ngồi nhâm nhi vài ly rượu, ngủ ngon lành mà không lo nông sản mất giá, không sợ thiếu tiền đóng học phí cho con. Chúng ta phải nghĩ đến điều đó thì mới nói là chất lượng đời sống người dân về vật chất được nâng cao, tinh thần thực sự phong phú", ông Thưởng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.