Sau nhiều gian nan, trắc trở, cuối cùng các sản vật từ vùng rừng núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã có mặt ở quầy kệ các siêu thị trên cả nước.
Đây là kỳ tích của người dân và chính quyền địa phương trong việc tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp khác biệt. Để có được kết quả này, ông Phùng Tô Long (47 tuổi), Phó chủ tịch UBND H.Sơn Hà, đã góp một phần công sức không nhỏ. Vì thế, bà con gọi ông là người “se duyên” cho nông sản vùng cao với phố thị.
Trăn trở với đói nghèo
Suốt nhiều năm làm cán bộ huyện, lăn lộn khắp các bản làng ở Sơn Hà, ông Long thấu hiểu vì sao cái đói, cái nghèo bao đời vẫn cứ đeo bám người dân trong huyện. Theo ông Long, dẫu quanh năm suốt tháng bám nương rẫy, gieo những giọt mồ hôi vất vả nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp nên cuộc sống của đồng bào dân tộc H’re luôn thiếu trước hụt sau.
“Trình độ dân trí thấp, mù mờ thông tin về thị trường, nhiều hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, là trở lực lớn nhất trên bước đường xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, ông Long chia sẻ và cho biết thêm chính những lực cản trên là nguyên nhân khiến nhiều mô hình từ nguồn vốn nhà nước hỗ trợ được triển khai ở địa phương vẫn chỉ dừng lại ở… mô hình. Khi hết vốn, mô hình cũng tiêu tan. Người dân lại bám vào nương rẫy. Nuôi con gì, trồng cây gì, hỗ trợ người dân “cần câu hay con cá” để họ vươn lên thoát nghèo là bài toán mà H.Sơn Hà loay hoay nhiều năm.
Ông Long trăn trở: “Việc hỗ trợ đầu vào và kỹ thuật rất cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng hơn là sản xuất phải dựa trên thị trường, xem thị trường là cầu nối, là động lực thúc đẩy sản xuất. Sự liên kết trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ chính là chìa khóa mở ra con đường thoát nghèo cho nông dân”.
Lặn lội đến với nông dân
Anh Lê Trường Hận vươn lên làm giàu từ nuôi gà kiến địa phương
Năm 2016, ngay sau khi được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án giảm nghèo Tây nguyên của huyện, ông Long lập tức triển khai ngay những ý định ấp ủ lâu nay của mình theo mục tiêu, ý tưởng và kế hoạch đã định.
Việc hỗ trợ đầu vào và kỹ thuật rất cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng hơn là sản xuất phải dựa trên thị trường, xem thị trường là cầu nối, là động lực thúc đẩy sản xuất. Sự liên kết trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ chính là chìa khóa mở ra con đường thoát nghèo cho nông dân
Ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Hà, Quảng Ngãi
Việc đầu tiên ông làm là vượt đèo, lội suối đến với người dân. Đối với ông, để người dân tin tưởng làm theo với tinh thần say mê, cam kết thủy chung gắn bó với dự án thì không thể tuyên truyền, vận động theo kiểu… chỉ đạo mà phải có những cách làm hết sức cụ thể theo kiểu cầm tay chỉ việc. Đồng thời, thông qua mạng xã hội, ông Long còn đăng tải những kỹ thuật mới trong sản xuất chăn nuôi, những mô hình hay, cách thức vay vốn… “Cán bộ không chỉ làm theo giờ hành chính mà phải cùng làm với bà con, bất kể nắng mưa, ngày đêm, khuya sớm, làm sao để sản phẩm đến với khách hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đúng thời gian”, ông Long nói.
Sau khi xây dựng các nhóm hộ cam kết gắn bó với dự án để chăn nuôi gà kiến bản địa (loại gà thịt dai, thơm và ngọt, rất được người tiêu dùng ưa chuộng) và thu hoạch các loại đặc sản như: rau dớn, chuối rừng, ớt xiêm, hoa chuối rừng, rau bồ ngót rừng, ông Long cùng cộng sự triển khai xây dựng logo, nhãn hiệu, thiết kế bao bì và đăng ký mã vạch, đồng thời mở “chiến dịch” gõ cửa các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh và khu vực miền Trung.
Tuy việc đưa đặc sản địa phương xuống phố gặp nhiều khó khăn nhưng ông Long không hề nản chí. “Sự kiên trì của tôi rồi cũng thành công. Giữa năm 2017, một số siêu thị Big C ký bản ghi nhớ gửi hàng thí điểm, tôi và các cộng sự trong dự án mừng như bắt được vàng, bởi lẽ nông sản của nông dân vào được siêu thị là thành công”, ông Long hồ hởi nhớ lại và nói thêm: vấn đề còn lại là cùng với nông dân đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng, đảm bảo chất lượng cho khách hàng.
Cú hích xóa nghèo
Gia đình anh Lê Trường Hận (ở xã Sơn Trung, H.Sơn Hà) là một trong những hộ gia đình tiên phong trong việc chăn nuôi gà. Suốt 10 năm, trại gà của anh khi thì bị dịch bệnh, khi thì bị thương lái ép giá. Chăn nuôi thua lỗ, anh Hận đành dẹp trại gà đi làm thuê. Giữa năm 2017, ông Long lặn lội tìm đến nhà động viên anh tham gia nhóm hộ nuôi gà, anh sẽ được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tin và làm theo lời ông Long, trại gà của gia đình anh Hận liên tục tăng đàn gà kiến từ 200 con lên hơn 1.000 con.
Đặc sản chuối hột rừng sấy khô Sơn Hà
“Ban đầu tham gia vào nhóm hộ nuôi gà, tui bán tín bán nghi vì sợ sản phẩm làm ra không bán được hoặc bán đổ, bán tháo thì lại mang nợ. Bây giờ tui rất tin lời nói, việc làm của ông Long, bởi sản phẩm nông nghiệp của bà con trong nhóm hộ đều được bao tiêu đưa vào siêu thị với giá ổn định, không còn lo bị tư thương ép giá như trước”, anh Hận chia sẻ.
Cũng ở xã Sơn Trung, trước đây anh Đinh Văn Đẽo ngày ngày đi hái rau rừng về để ăn, nếu dư chút ít thì mang ra vệ đường bán, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi tham gia nhóm hộ thu hoạch rau, quả rừng, anh Đẽo cũng như người dân địa phương có thu nhập gần 100.000 đồng/người/ngày. “Người dân ở đây ai cũng vui vì ngày nào cũng có nguồn thu từ các loại đặc sản địa phương, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”, anh Đẽo phấn khởi.
Vùng núi Sơn Hà đang đổi thay từng ngày ẢNH: HIỂN CỪ
Huyện miền núi Sơn Hà có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc H’re. Từ bao đời nay, đối với họ cách làm liên kết hộ hay những cụm từ nhóm hộ và tổ hợp tác rất lạ lẫm. Tuy nhiên, từ khi dự án giảm nghèo Tây nguyên của huyện bắt đầu triển khai, đến nay toàn huyện đã thành lập được hơn 200 nhóm hộ và tổ hợp tác cùng sản xuất, chăn nuôi, mỗi tháng cung cấp cho các siêu thị hơn 4 tấn sản phẩm.
Dù số lượng nông sản địa phương Sơn Hà xuống phố còn khiêm tốn nhưng đã mở ra bước ngoặt trong việc nâng cao nhận thức, cách nghĩ, cách làm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là họ được đào tạo, tiếp cận thị trường, chia sẻ thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng, đào tạo đóng gói, xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Đây thực sự là cú hích để người dân Sơn Hà sau khi thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhất nước vào năm 2018, sẽ nỗ lực hết mình trong việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp khác biệt được thị trường đón nhận. Con đường vươn lên làm giàu, cuộc sống đủ đầy đang rộng mở trên vùng núi Sơn Hà.
Bình luận (0)