Nông sản xuất siêu kỷ lục gần 19 tỉ USD

16/12/2024 09:46 GMT+7

Năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành nông sản đạt con số cao nhất lịch sử là 62,4 tỉ USD; đáng chú ý khi xuất siêu kỷ lục gần 19 tỉ USD, tăng đến 53% so với năm 2023.

Ngày 16.12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 2024 là một năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước ước đạt trên 62 tỉ USD, tăng trên 18% so năm 2023; đáng chú ý, xuất siêu đạt kỷ lục với 18,6 tỉ USD.

Nông sản xuất siêu kỷ lục gần 19 tỉ USD- Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh giúp xuất siêu đạt kỷ lục

ẢNH: CMH

Dẫn đầu tăng trưởng trong nhóm hàng nông sản là xuất khẩu cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

Có đến 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ với khoảng 16 tỉ USD, rau quả đạt 7,1 tỉ USD, gạo đạt 5,8 tỉ USD, cà phê 5,4 tỉ USD, hạt điều 4,3 tỉ USD, tôm 3,8 tỉ USD, cao su 3,2 tỉ USD.

Dự báo, trong thời gian tới với những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức với hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Những thách thức có thể xảy ra khi các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản, trong đó những quốc gia chịu tác động có cả Việt Nam.

Nông sản xuất siêu kỷ lục gần 19 tỉ USD- Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục

ẢNH: CMH

Để thích ứng với những thách thức mới, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, khuyến cáo các ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thúy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.