Có một loại rượu thơm nồng, đủ sức làm mê đắm bao người được nấu ở bằng một loại men lá kỳ lạ và duy nhất ở xã Pa Nang (H.Đakrông, Quảng Trị). Một loại rượu đủ vinh dự để được ghép bên tên của đương kim Bí thư Huyện ủy Đakrông thì chắc khắp đất nước này cũng khó có loại thứ hai...
Ngày nay không còn nhiều hộ dân ở Đá Bàn (xã Pa Nang) biết nấu loại rượu dùng men lá này, đây cũng là điều làm vợ chồng bà Mom ông Tường thoáng buồn - Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Không cứ lên Đakrông là có sẵn rượu Pa Nang để thưởng thức. Nhưng mỗi lần có khách phương xa đến, các vị lãnh đạo của huyện nghèo này thường cố kiếm chút ít rượu Pa Nang ra mời, như là một cách “tiếp thị” đặc sản quê hương, vừa ấm cúng vừa đúng bản chất con người vùng cao khí khái. Trong số những vị khách đó, có người đã tìm được sự tương đồng giữa loại rượu có một không hai với nữ Bí thư Huyện ủy đầy tài năng, người được ví là đứa con ưu tú bậc nhất của đồng bào Vân Kiều - bà Ly Kiều Vân. Khi được hỏi về sự so sánh này, bà Vân cười vui vẻ và bảo rằng bà coi đó như là một lời khen ý nhị. Bà Vân cũng thừa nhận dù không nhiều nhưng bản thân bà biết uống rượu.
“Quan điểm của tôi cũng giống như quan điểm của anh em cán bộ trong huyện, muốn quảng bá rượu Pa Nang thì phải làm gì đó để cho mọi người thấy đó là sự thật. Vậy nên, ly rượu Pa Nang khi có khách bạn đến thăm Đakrông là không thể thiếu. Cũng có người bảo rượu Pa Nang rất nặng nhưng khi tôi đến bàn cách để bà con Đá Bàn giảm nồng độ thì họ nói ngay: nếu làm vậy thì không còn là rượu men lá Pa Nang nữa”, bà Vân chia sẻ.
Và dù không nói, nhưng ai cũng biết, bà Vân là một trong những người có công với... rượu Pa Nang khi đã luôn có những chỉ đạo đối với UBND huyện, Phòng Công thương H.Đakrông thiết lập đề án, tạo chính sách mở để hỗ trợ cho người dân, quyết giữ bằng được loại rượu Pa Nang nấu bằng men lá truyền thống. Bà cũng là người có khát vọng đưa rượu Pa Nang ra thị trường như một loại hàng hóa chứ không chỉ là sản xuất nhỏ lẻ và có nguy cơ mai một như hiện nay.
Rượu quý ở vùng cao
Phàm là người Quảng Trị, ít ai chưa từng nghe danh rượu Pa Nang dù nó chỉ còn được nấu rất ít ỏi và duy nhất ở bản Đá Bàn (xã Pa Nang), nơi vừa là vùng cao (cao hơn 700m so với mặt nước biển) vừa là vùng sâu. Không lạ khi thứ rượu này càng có tiếng tăm bởi chúng được tạo nên bởi một thứ men dị biệt, loại men được kết tinh từ hàng chục loại lá, rễ cây chỉ mọc trong những khu rừng sâu, dọc biên giới Việt - Lào. Không phải là người quá sành về rượu, nhưng tôi cũng quyết một lần đến với nơi sản sinh ra thứ rượu được tụng ca ấy. Bản Đá Bàn có vẻ không mấy “hiếu khách” khi đón chúng tôi bằng một quãng đường lởm chởm đá cuội, quanh co qua bao núi đồi. Hồ Kanavily, cán bộ xã Pa Nang bảo hiện nay ở Đá Bàn số người nấu rượu bằng men lá thứ thiệt chỉ còn đếm trên đầu ngón tay... Anh dẫn tôi vào thẳng nhà bà Hồ Thị Mom (57 tuổi) và giới thiệu rằng gia đình bà có 3 đời nấu rượu bằng men lá. Trong gian nhà sàn khá khang trang, bà Mom cùng chồng là ông Hồ Văn Tường (65 tuổi) ngồi xếp bằng rồi thao thao về các công đoạn để làm nên một mẻ rượu ngon. Bà bảo, ai muốn biết bà đều không giấu, bởi dù có tường bí quyết thì không phải ai cũng có gan trèo đèo lội suối vào rừng để kiếm nguyên liệu. Trong khi chính những thứ nguyên liệu tự nhiên ấy mới tạo nên hồn phách cho rượu Pa Nang.
Nhấp chén rượu do chính tay mình nấu ra rồi đánh “khà” một tiếng to như đàn ông, bà Mom kể rằng từ thưở nhỏ bà đã được mẹ truyền lại cho bí quyết làm men lá. Đó là một công thức pha chế bằng cách trộn lẫn những loại lá cây như: tán tiêu, mặt cờn, piêng praza... và rễ cây như: a moi, a sơn, pum loác... “Trên rừng có cả ngàn loài cây nhưng tôi vẫn nhận ra thứ gì dùng được, thứ gì không, thứ gì có độc. Điều này cũng vì quen mà thành chứ không tài giỏi gì đâu”, bà Mom chép miệng.
Những năm chiến tranh, kẻ thù phun chất độc hóa học làm cây rừng chết hết, nên muốn làm một mẻ men lá là rất khó khăn. Ngày nay, chiến tranh lùi xa nhưng những loại lá, loại rễ cây ấy vẫn khó kiếm. Theo ông Tường thì mỗi đợt đi tìm lá, tìm rễ, vợ chồng ông phải mất chừng cả tuần cuốc bộ trong rừng, có lúc đi sang tận bản Cheng, bản Ra Leng (H.Sê Pôn, Savanakhet, Lào). Khi đã có đủ nguyên liệu thì việc làm men vẫn còn lắm công phu. Sau khi vò lá và rễ cây lại với nhau, bà Mom giã nhuyễn trước khi trộn với bột nếp, vo viên rồi đem vào ủ 3 ngày. Xong xuôi, bà xâu các viên men thành 1 dây (mỗi dây 5 cái), đem phơi ngoài nắng trời 2 ngày, phơi trên chạn bếp 5 ngày mới dùng được. “Những viên men này nếu cứ treo trên chạn bếp thì 2, 3 năm sau vẫn dùng tốt”, ông Tường tấm tắc.
Bà Mom còn bật mí rằng ngoài men lá, điều làm cho rượu Pa Nang trở nên đặc biệt là bởi nước sử dụng nấu rượu là một loại “nước trời”, rỉ ra từ vách đá, lúc nào cũng trong veo. Nói đoạn ông bà dẫn tôi ra xem tận mắt nguồn nước kỳ diệu ấy. Theo bà Mom, mạch nước này bắt nguồn từ bên Lào, dù ít dù nhiều nhưng quanh năm không hề ngưng.
Ngày càng mai một
Sau một buổi mướt mồ hôi, cuối cùng tôi cũng được thưởng thức một ly “chivas Ly Kiều Vân” vừa ra lò, hãy còn nóng hổi. Lời đồn quả không sai, dù chỉ uống một ngụm nhỏ nhưng sau khi nuốt thì “rượu chảy tới đâu, biết tới đó”. Đang chuyện trò, bỗng người viết thoáng thấy chút buồn trên khóe mắt của bà Mom. Hỏi ra mới biết, bà đang nhớ về những tháng ngày cũ, khi gần như cả bản Đá Bàn ai cũng biết nấu rượu men lá theo đúng truyền thống mà nay chỉ còn vỏn vẹn 4 hộ. Chưa hết, bà còn nghe vài tiếng xì xầm về việc có người vì ham lợi mà mua men Trung Quốc về nấu rượu, gắn mác rượu Pa Nang để bán giá... trên trời...
Ngồi cạnh bên, Hồ Kanavily bảo rằng đề án “Khôi phục rượu men lá Pa Nang” của huyện đã được xây dựng từ năm 2013 và hiện đang có những bước đi đầu tiên nhằm bảo tồn loại men, loại rượu truyền thống này. “Hy vọng là chưa quá muộn”, Kanavily nói, giọng trầm lắng.
Trong quá trình làm men lá (ảnh), người ta phải thực hiện theo nhiều nguyên tắc, nghe qua có vẻ rất khôi hài. Nào là người làm men khi bắt tay vào công việc thì không được ăn đồ chua, đồ thối vì như vậy về sau khi người khác uống rượu do người này nấu sẽ sinh sự, đánh nhau (?). Nào là khi giã đều lá với rễ cây, người giã cấm được cười vì như thế nào mẻ men đó cũng bị hư, bị chua (?). Không rõ chuyện này thật giả đến đâu, nhưng hết thảy những người nấu rượu còn lại ở Đá Bàn đều nhất nhất làm theo.
|
Bình luận (0)