Đề xuất đầu tư công viên cho nông thôn
Đó là chia sẻ từ ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khi phát biểu tại hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 17.7.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư, cho biết giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn đạt 1,752 triệu tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách T.Ư đóng vai trò là "vốn mồi" đầu tư trực tiếp chỉ chiếm 1,2%; ngân sách địa phương 9,9%; vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn 8,1%; vốn tín dụng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện 2,8%. Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11,3% so với cuối năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng không thể phủ nhận chương trình này đã mang lại luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trong các tiêu chí còn một số vấn đề phải khắc phục, đặc biệt là việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo ông Phúc, về môi trường thì cây xanh và công viên ở các xã nông thôn mới chưa được quan tâm, dù suất đầu tư không lớn nhưng về lâu dài sẽ làm cho nông thôn đẹp hơn, người dân có không gian vui chơi, sinh hoạt động đồng.
Xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây phải đi vào những nội dung thực chất, hiệu quả để người dân thực sự được thụ hưởng, không phải chỉ là những con số làm đẹp báo cáo thành tích.
Ông Hoan cũng cho rằng, đối với tiêu chí môi trường, chương trình chỉ đề cập ở góc độ xử lý môi trường (xử lý rác thải) mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề tạo sinh cảnh nhiều hơn như trồng cây xanh để làm sạch, làm đẹp môi trường nông thôn. Theo đó, ông Hoan đề nghị các địa phương cần đưa nội dung này thành các tiêu chí phụ để khuyến khích thực hiện.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập của Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiện nay đang có hạn chế phải khắc phục. Chẳng hạn sản phẩm được công nhận thì nhiều nhưng chưa có đầu ra, thị trường tiêu thụ không ổn định.
"Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm OCOP nhưng khi tôi ra siêu thị không có sản phẩm OCOP nào, vậy đầu ra các sản phẩm OCOP đi đâu", ông Hoan đặt vấn đề và yêu cầu thời gian tới, công nhận sản phẩm OCOP phải bổ sung tiêu chí đánh giá đến vấn đề tổ chức thị trường, khả năng thương mại hóa sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm mà hướng đến chuyển đổi phương thức sản xuất giúp người dân có thu nhập cao hơn; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn thông minh…
Ông Hoan mong muốn các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm ở nhiều nước, sáng tạo các nội dung xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của các địa phương, như nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Thái Lan...) cũng đang áp dụng trong chương trình "quy nông", "quy hương".
"Không phải tất cả đều về nông thôn sinh sống nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản và làm rất nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, đáng để quay về", ông Hoan nói.
Bình luận (0)