Nóng trên mạng xã hội: 'Bóng hồng' nơi đường biên ngày đêm chống dịch Covid-19

11/04/2020 09:12 GMT+7

Chốt gác tuyến biên giới Việt - Lào của lực lượng biên phòng Quảng Trị dựng lên giữa núi rừng để phòng, chống Covid-19 có bóng dáng của một nữ quân nhân hết lòng chăm lo cho đồng đội.

“Anh em mới khổ”

Nữ quân nhân hiếm hoi ấy là trung tá Lê Thị Vân (46 tuổi, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, xã biên giới A Ngo, H.Đakrông). Những ngày chống dịch Covid-19 căng thẳng, trung tá Vân cũng như bao chiến sĩ bộ đội biên phòng khác đang căng mình trực 24/24 giờ tuần tra, ngăn chặn người dân qua lại biên giới trái phép, ngăn ngừa không để đại dịch Covid-19 lây lan. Những dòng status cập nhật và chia sẻ việc chống dịch của chị và đồng đội được nhiều người ủng hộ.
“Đã khoác lên màu áo lính thì ai cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ. Nếu có những khó khăn gây ra do khác biệt về giới tính thì mỗi người lính cần nỗ lực để thu hẹp điều đó. Đặc biệt những ngày chống dịch, tôi vẫn luôn cố gắng để sát cánh cùng đồng đội”, chị Vân nói bằng giọng rổn rảng.

Chốt gác biên phòng ở La Lay những ngày căng mình chống dịch

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

Dù những nam chiến sĩ trên chốt thường “tranh hết” các công việc nặng nhọc nhất và không cho chị Vân đụng tay nhưng chị nào chịu ngồi yên. Riêng việc băng rừng đưa lương thực, thực phẩm lên cho đồng đội không ai… tranh được của trung tá Vân, dẫu mỗi lần lên xuống chị phải cuốc bộ cả tiếng.
“Được việc” nhất hẳn là đôi mắt của trung tá Vân, đôi mắt tinh tường của một người phụ nữ qua tuổi 40, hầu như không mấy khi rời khỏi phía những lối mòn biên giới...

Tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng đội là công việc mà không ai tranh được của trung tá Vân

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

“Nói thật lòng tôi thấy mình đã làm được gì đâu, anh em cắm chốt mới thực sự vất vả. Để đảm bảo nhiệm vụ, họ phải sống trong bao nhiêu thiếu thốn. Chỉ riêng ở biên phòng Quảng Trị đã có bao nhiêu câu chuyện chảy nước mắt, là anh sĩ quan con ốm vẫn không về, là anh lính dời ngày hỏi vợ, là người chồng không thể kề cận khi vợ lâm bồn. Nên tôi cứ nguyện trong lòng mình làm được gì thì cứ làm”, trung tá Vân nói.

Lo từng bữa cơm cho đồng đội

Nói về đồng đội như vậy nhưng chị nào có khác ai. Từ khi lên với đồn rừng, thời gian chị dành cho chồng và 2 con trai ít hơn. Chị cũng không về nhà mà phải đảm bảo 100% quân số. Đồn cách nhà hơn trăm cây số, chị tranh thủ gặp chồng con từng phút giây khi rảnh rỗi gọi điện về.

Bước chân chị Vân ở biên giới Việt - Lào...

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

“May là có cái điện thoại, chứ cả tháng liền mà không nghe được giọng chồng con chắc tôi phát khóc mất”, chị Vân kể. Chị cũng bảo đi xa càng thương chồng hơn vì một tay anh phải làm thay việc của chị. “Ban đầu hơi khó nhưng sau rồi anh cũng dần quen. Có những công việc quá thuộc về phụ nữ mà anh không làm được thì sẽ gọi lên cho tôi để... tư vấn”.
Biên giới Quảng Trị mùa này khá khắc nghiệt, ngày nắng nhưng đêm về hơi đá lạnh, không phải ai cũng chịu được. Thêm nữa, giao thông khó khăn, việc vận chuyển lương thực thực phẩm không dễ dàng nên sự lựa chọn đơn giản nhất cho bữa ăn của người lính là: mì tôm và rau rừng.

Chị Vân cùng anh em chuẩn bị bữa ăn trên chốt

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

Có bàn tay chị Vân, anh em ở chốt gác đã có bữa cơm cá hẳn hoi

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

Những chiến sĩ ở các chốt khác hẳn sẽ “ghen tỵ” với chốt có trung tá Vân. Bởi chị là người chăm lo từng miếng ăn cho anh em trên chốt. Dẫu trong hoàn cảnh khó khăn, chị Vân vẫn cố gắng xoay xở “lựa cơm gắp mắm”, sao cho đồng đội mình có những bữa ăn tươm tất nhất có thể.
“Ở chốt, hầu hết là những đồng đội nhỏ tuổi hơn tôi. Chăm lo cho các bạn ấy, tôi thấy cũng như chăm lo cho những đứa em, thậm chí là như những đứa con của mình... Vậy nên có lúc tôi lên chốt, đồng đội trẻ vẫn trêu: “A, mạ đi chợ về!”, trung tá Vân chia sẻ.

Nụ cười của chị Vân làm chuỗi ngày gác chốt bớt dài đằng đẵng

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

Món ruốc thịt của nữ quân nhân dành cho đồng đội ở chốt

ẢNH: PHƯỚC TRUNG

Chưa hết, để cải thiện bữa ăn, chị mua nguyên vật liệu để chế biến món muối rang sả và thịt heo (còn gọi là ruốc thịt) rồi đóng hộp để mọi người ăn dần. Ở chốt dã chiến, những ngày mưa to, không thể tiếp tế thực phẩm, món “ruốc thịt” của trung tá Vân còn giá trị hơn cả sơn hào hải vị...
Ngày 10.4, khi chúng tôi liên lạc được với trung tá Vân thì sóng điện thoại chập chờn, bởi chị đang cùng đồng đội cuốc bộ, gùi cõng những món quà từ hậu phương gửi lên các chốt. Nghe tiếng thở gấp của chị giữa những câu trả lời ngắt quãng, mới thấy nơi biên cương lúc cao điểm chống dịch này “bóng hồng” vẫn tỏa sắc can trường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.