Nóng trên mạng xã hội: Buồn hiu xe buýt mùa dịch

02/03/2020 09:46 GMT+7

Mạng xã hội xôn xao câu chuyện học sinh, sinh viên ở TP.HCM được nghỉ thêm để phòng dịch Covid-19 khiến xe buýt vắng hơn ngày thường. Tiếp viên, tài xế vì thế buồn hiu vì mỗi ngày chỉ bán được vài vé.

Tính đến nay, nhiều trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM cho sinh viên nghỉ thêm để phòng dịch Covid-19. Ngày 29.2, TP.HCM cũng quyết định cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ đến hết ngày 15.3; riêng bậc THPT, học sinh lớp 10, 11 nghỉ đến 15.3, lớp 12 nghỉ đến 8.3. Vắng học sinh, sinh viên nên xe buýt... buồn hiu, không còn nhộn nhịp, chen chúc như mọi khi.
Trên nhiều diễn đàn về giao thông, không ít bác tài than thở chuyện xe buýt vắng khách. “Kẻ khóc người cười vì nghỉ tết dài nhưng buồn nhất là xe buýt ế quá”, “Dưa hấu ế thì giải cứu, thanh long ế thì giải cứu, bây giờ tới xe buýt ế rồi”… là những bình luận của dân mạng về tình trạng này.

Số người chết vì Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục giảm, Mỹ có ca tử vong đầu tiên

Xe buýt  số 8 cũng vắng bóng học sinh, sinh viên

Xe buýt số 8 cũng vắng bóng học sinh, sinh viên

Tất cả các tuyến đều giảm

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những tuyến xe buýt ngày thường rất đông đúc như số 8 (Bến xe Đại học Quốc gia - Bến xe Q.8), số 19 (Bến xe Đại học Quốc gia - Bến xe Công viên 23.9), số 150 (ngã ba Tân Vạn - Bến xe Chợ Lớn)… nay đều vắng lặng. Các trạm xe buýt, bến xe cũng vắng vẻ mùa dịch, phần vì học sinh, sinh viên nghỉ học, phần vì nhiều người không di chuyển bằng phương tiện công cộng do lo ngại dịch bệnh lây lan.
Anh T.H.M, Đội trưởng Đội kiểm tra Hợp tác xã (HTX) vận tải 19.5 (H.Hóc Môn, TP.HCM), cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng hành khách là sinh viên có giảm nên giờ cao điểm, HTX giảm chuyến.
“Do một số người dân còn ngại đi xe đông người nơi công cộng nên hầu như tất cả các tuyến trên thành phố đều giảm chứ không riêng tuyến xe buýt 150. Đến trung tâm thương mại người ta còn không đi. Đây là tình hình khó khăn chung của những dịch vụ công cộng”, anh nói.
Anh M. cũng cho biết thêm, lái xe và tiếp viên hưởng lương theo chuyến nên nếu sản lượng và số lượng chuyến giảm cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Bình quân một xe giảm một đến hai chuyến.

Nhà chờ xe buýt vắng tanh

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nóng trên mạng xã hội: Buồn hiu xe buýt mùa dịch

Mỗi chuyến chỉ được 2 - 3 khách

PV Thanh Niên lên chuyến xe buýt số 19 hướng từ Công viên 23.9 đến Làng đại học ở Thủ Đức, suốt một quãng đường dài mà không thấy có thêm vị khách nào. Tiếp viên ngồi lặng thinh chỉnh lại xấp vé, tài xế tập trung lái xe. Ít khách, HTX bị ảnh hưởng, tiếp viên và tài xế xe buýt cũng lao đao theo.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan (30 tuổi, tiếp viên xe buýt) cho hay bình thường ngày chạy nhiều có khi được 9 chuyến, nhưng từ khi có dịch, học sinh, sinh viên được nghỉ thì cắt lại còn 6 chuyến. Đa số các chuyến xe đều vắng khách, nhiều lắm thì được 2 - 3 khách.
Anh Bùi Thái Phương (40 tuổi, tiếp viên xe buýt số 19) chia sẻ cuộc sống của mình phụ thuộc vào tiền lương, nên dù dịch bệnh thì vẫn đi làm bình thường.

Một người Việt nhiễm Covid-19 tại Daegu, sẽ được Hàn Quốc chữa trị miễn phí

Ngày thường, bến xe Đại học quốc gia TP.HCM luôn đông đúc, nay chỉ còn tài xế với tiếp viên

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Làm thì chết mà không làm cũng chết, nói chung dịch bệnh mà mình đâu biết trước được. Có chuyến chạy có mấy ngàn, được hai ba người (tuyến 19 đi từ Bến Thành - Đại học Quốc gia TP.HCM - PV). Nhất là buổi trưa, người ta vào công ty làm việc hết rồi, học sinh, sinh viên thì không đi”, anh nói.
Anh Phương giải thích nếu vé ít, không có khách thì ảnh hưởng cho công ty. “Làm ăn được thì người ta phụ cấp thêm cho mình, còn không được người ta không phụ cấp thì mình cũng khó khăn”, anh nói.
Không chỉ giảm thu nhập, những người này còn có nỗi lo sợ dịch bệnh vì công việc bắt buộc phải tiếp xúc với nhiều người. “Cũng sợ dịch bệnh lắm chứ, nhưng công việc của mình thì mình phải làm thôi, không làm thì lấy gì sống bây giờ. Mình cũng đeo khẩu trang này kia nhưng bị bệnh thì cũng chịu thôi, vì mình tiếp xúc với quá nhiều người rồi”, chị Loan tâm sự.
Còn anh Phương thở dài: “Giờ cũng chỉ biết cho qua ngày, bây giờ chỉ hy vọng hết dịch bệnh để người lao động mình bớt khổ. Nếu bệnh dịch kéo dài thì không biết làm sao để sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.