Bởi thực tế, nhiều phụ huynh mua bóng bay cho trẻ chơi và tại các ngày hội theo phong trào cũng thường có các chùm bóng trang trí.
Chùm bóng bay nổ, 4 người nhập viện
Chiều 20.9, các cầu thủ U.14 của CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) bị bỏng do nổ chùm bóng bay trên sân cỏ vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Sản Nhi Nghệ An. Bác sĩ Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương - Bỏng của BV này, cho biết 3 cầu thủ nhập viện đã 5 ngày trong tình trạng bị bỏng độ 2 ở vùng mặt, cổ, vai gáy và tay.
|
Chia sẻ với PV Thanh Niên, em Nguyễn Duy Đ. (quê xã Thanh Tường, H.Thanh Chương, Nghệ An) cho hay hôm xảy ra tai nạn, tại sân của CLB SLNA diễn ra giải bóng đá phong trào của một số ngân hàng. Sau lễ khai mạc có trận đấu nên Đ. cùng các bạn đội U.14 đứng ngoài sân cỏ để xem. Do trời nắng, Đ. lấy chùm bóng bay 50 quả dùng để trang trí tại lễ khai mạc cầm để che nắng. Ông L. (nhân viên bảo vệ của CLB) đi ngang qua, dùng bật lửa châm vào dây cột chùm bóng. Bất ngờ chùm bóng đồng loạt phát nổ, tạo ra một chùm lửa bốc lên khá cao. Đ. cùng với 2 cầu thủ khác là Tăng Ngọc Q., Phạm Minh H. và ông L. bị bỏng nặng, được đưa đến BV cấp cứu.
|
Sau vài ngày điều trị, cầu thủ H. do bị bỏng nhẹ nên đã xuất viện, Đ. và Q. bị bỏng sâu ở tay, mặt, cổ nên vẫn phải ở lại BV. Ông L. được đưa vào một BV ở Nghệ An nhưng do vết bỏng nặng, sâu ở tay nên chuyển ra Hà Nội chữa trị.
Mạng xã hội chia sẻ thông tin vụ việc kèm cảnh báo các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi mua loại bóng này cho con em mình chơi. Trước đây, từng có vụ nổ bóng bay gây bỏng, tuy nhiên thực tế nhiều người vẫn sử dụng. Các dịp hội chợ, triển lãm, đám cưới, khai trương... đều dùng bóng bay để trang trí mà không chú ý các nguy cơ tiềm ẩn.
Cẩn trọng với bóng bay bơm khí hydro
Một bác sĩ đa khoa cho hay trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng dễ thẩm thấu ra ngoài, nhiều nhất là ở miệng bóng, chỗ buộc dây để cầm. Nếu đốt dây (vì vô ý đùa đốt đứt dây cho bóng bay lên) sẽ khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích giãn nở gây cháy, nổ. Do những người sử dụng thường cầm bóng bay gần mặt, nên khi bóng phát nổ gây tổn thương lớn ở vùng mặt, cổ, tay... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn liên quan đến vấn đề thẩm mỹ.
|
Bác sĩ này khuyến cáo, khi bị bỏng do nổ bóng bay cần làm mát khu vực bị tổn thương bằng nước từ 18 - 25oC, sau đó đắp gạc sạch lên vùng tổn thương, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Tiến sĩ - bác sĩ Thái Văn Bình cảnh báo, chất hydro rất dễ cháy, cần cẩn trọng với loại bóng bay này, đặc biệt là với trẻ em. Một chuyên gia về hóa học cũng cho biết hiện có 2 loại khí dùng bơm vào bóng là heli và hydro. Ở nhiều nước trên thế giới chỉ sử dụng khí heli vì đây là khí trơ nên an toàn. Tuy nhiên, loại khí này có giá cao. Ở nước ta, khí heli thường chỉ dùng để bơm bóng to với đường kính trên 1 m, còn bóng bay bán trên phố thường được bơm khí hydro vì chi phí rẻ hơn rất nhiều. Các loại bóng bơm khí hydo thường dễ mất an toàn vì khí hydro gặp những nguồn nhiệt như bật lửa, tàn thuốc, ánh sáng mặt trời... có thể gây nổ, cháy làm bỏng da và có thể tổn thương đến mắt.
Bình luận (0)