Những hình ảnh này được nhóm chuyên trách bảo vệ rừng của SVW chụp lại từ tháng 12.2019 và tháng 2 - 3.2020 mới đây, trong những lần đi tuần tra tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).
“Trong rừng, nhiều con thú bị dính bẫy do người tạo ra. Rất nhiều con vật trong số đó bị mắc bẫy, bị thương, rồi chết dần chết mòn trong đau đớn, thối rữa trước khi được người đặt bẫy phát hiện. Một số con vẫn còn đang sống, chúng sẽ sớm làm mồi trên những bàn nhậu hoặc bị đem đi buôn bán trái phép”, trang này thông tin.
|
Không kiềm được nước mắt
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Tất Thành (39 tuổi, đội trưởng đội bảo vệ rừng (Atipoaching) thuộc SVW, kể hằng ngày đi tuần tra, thỉnh thoảng nhóm anh gặp những con thú mắc bẫy, có lúc thì còn sống, bị thương, lúc thì đã chết. Nếu bắt gặp những con thú còn sống, anh Thành và đồng đội sẽ tháo gỡ bẫy và thả đi. Trường hợp bị thương nặng sẽ mang về khu cứu hộ động vật để cứu chữa. Nếu thú đã chết thì sẽ chôn hoặc tiêu hủy ở trong rừng.
|
“Làm công việc bảo tồn động vật hoang dã, nhóm chúng tôi ai cũng rất yêu quý động vật. Chứng kiến cảnh động vật chết như vậy thì vô cùng đau lòng, nhiều người anh em buồn mà không kiềm được nước mắt. Có nhiều lần phát hiện thú dính bẫy nhưng người đặt bẫy không quay lại xem nên chúng chết khô ở đấy”, anh nói.
Những loại thú bị bẫy mà nhóm anh thường gặp là: chuột, sóc, khỉ, lợn rừng, cầy... với nhiều loại bẫy khác nhau như thòng lọng, bẫy kẹp, bẫy lao... Với 15 năm kinh nghiệm ở rừng và làm bảo tồn động vật 2 năm, mỗi loại bẫy anh Thành và nhóm sẽ có cách mở khác nhau để giải cứu thú rừng.
|
|
“Sẽ cố gắng bảo vệ rừng”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, thừa nhận những hình ảnh thú rừng bị đánh bẫy được lực lượng bảo vệ rừng chụp tại đây. Ông Cường cũng cho biết tình trạng đánh bẫy thú rừng của người dân địa phương xảy ra từ lâu. Trước đây, những người đi săn thú thường làm bẫy luồng kéo dài hàng km trong rừng khiến thú rừng đi qua đều bị dính bẫy.
Từ năm 2018, SVW đã hỗ trợ cho vườn lực lượng cùng phối hợp với 77 kiểm lâm viên của vườn liên tục vào rừng kiểm tra nạn đánh bẫy, nên tình trạng đánh bẫy đã giảm. Tuy nhiên, hiện nay những kẻ đi săn thú dùng bẫy đơn lẻ, khiến lực lượng bảo vệ rừng khó phát hiện hơn.
|
Còn theo anh Thành, tháng 4 - 5 là thời điểm bắt đầu mùa săn rùa và thu mật ong, sẽ là thách thức lớn cho lực lượng bảo vệ rừng để ngăn chặn kịp thời hoạt động trái phép của con người. Trước tình hình này, anh Thành cho biết sẽ tăng cường người đi tuần tra thường xuyên. Mỗi tháng, anh và đồng đội dành ít nhất 15 - 20 ngày ăn ngủ trong rừng: không điện thoại, không internet, “sống chung” với nhiều côn trùng độc.
|
Nhóm chuyên trách bảo vệ rừng của anh Thành hiện có 15 người chia ra thành nhiều nhóm đi tuần từ sáng sớm.
“Vườn quốc gia Pù Mát có 11 trạm, chúng tôi đi từ 7 giờ 30 đến 17 giờ thì đóng lán trại nghỉ ở rừng, đi đến đâu thì nghỉ ở đấy”, anh kể và cho biết thêm: “Người trẻ nhất trong đội chúng tôi 26 tuổi, tôi già nhất và cũng có kinh nghiệm nhiều nhất đội. Rừng này là rừng đặc dụng nên chúng tôi bảo vệ tất cả những gì tác động vào rừng gỗ, thú rừng, cá... Chúng tôi muốn bảo tồn cho tốt để con cháu sau này biết được hình ảnh những con thú ở thiên nhiên là như thế nào”, anh bộc bạch.
Bình luận (0)