Chiếc bánh mì “gây bão”
Qua nay, cư dân mạng chia sẻ nhiều hình ảnh một loại bánh mì độc đáo với lớp bánh vỏ và ruột màu đen sì, trông giống y như cục than. Chiếc bánh mì này không bán rời mà được kẹp với 6 loại: chả mực, cua bể, xíu mại tôm, gà nướng, bò nướng phô mai và heo quay, giá từ 20.000 - 45.000 đồng/cái.
Điều “gây bão” là chiếc bánh mì được đặt tên “bamimo” khiến nhiều người liên tưởng đến tên gọi bánh mì mỏ, thường làm cho công nhân ngành than ăn giữa ca lâu nay. Chính bởi màu đen độc đáo mà chiếc bánh đang tạo ra sức hút và đắt hàng, nhất là đối với khách du lịch hoặc người địa phương khác khi lần đầu đến Hạ Long.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, loại bánh mì này đã được bán lâu nay bởi cửa hàng Bamimo ở P.Hòn Gai (TP.Hạ Long). Tài khoản Phạm Ngọc Trang cho biết: “Hồi đầu tháng 7, tôi đi du lịch Hạ Long cũng ghé ăn loại bánh mì này. Lúc đầu thấy đen sì như hòn than nên cảm thấy sợ, nhưng khi ăn rồi thấy ngon. Bánh được làm độc đáo bởi màu đen khiến mọi người liên tưởng đến nét đặc trưng của ngành than tại Quảng Ninh”.
Trong khi đó, anh Lê Trung Quân (37 tuổi, trú tại P.Hồng Hải, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) nêu quan điểm, chính quyền địa phương nên ủng hộ thương hiệu bamimo này để làm sản phẩm ẩm thực độc đáo của địa phương dành cho du khách khi đến Hạ Long.
“Nhìn cái bánh mì đen như hòn than lại được làm ra ở Quảng Ninh nên thấy cái gì đó có nét riêng thú vị. Điều mà nhiều tỉnh, thành khác tuy có nhiều lò bánh mì nhưng không làm được. Vì thế, tôi cho rằng chính quyền nên hỗ trợ để phát triển loại bánh này như cách mà Quảng Ninh đang làm chương trình mỗi xã, phường một nông sản địa phương (OCOP)”, anh Quân nói.
|
“Bamimo” không phải là bánh mì mỏ
Tuy nhiên, số đông ý kiến cho rằng chiếc bánh mì đen sì trên mà lấy tên gọi là “bánh mì mỏ” thì không được nhiều người ủng hộ. Bởi lẽ loại bánh mì mỏ vốn được người dân Quảng Ninh biết đến với hương vị và hình ảnh khác lạ xưa nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì bánh mì mỏ truyền thống xưa giờ chỉ lưu hành nội bộ, phục vụ cho công nhân ngành than và không có bán trên thị trường.
Trước làn sóng “bão mạng” như vậy, đại diện cửa hàng - ông Trần Khắc Tuấn (35 tuổi, trú tại TP.Uông Bí) khẳng định chiếc bánh mà mình làm ra không nhái lại cách làm, cũng như tên gọi từ loại bánh cung cấp cho công nhân ngành than.
“Loại bánh của tôi màu đen, còn bánh mà các công ty than làm cho công nhân mỏ là bánh truyền thống với lớp vỏ màu vàng, đặc ruột. Thêm nữa, sản phẩm của cửa hàng tôi lấy tên là bamimo, không phải là bánh mì mỏ”, ông Tuấn khẳng định. Cũng theo ông Tuấn, sở dĩ cửa hàng gắn với hình ảnh công nhân mỏ than là muốn đem lại cho thực khách một hình ảnh mang nét đặc trưng khi về Quảng Ninh, chứ không nhái hay làm lại sản phẩm nào.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một công ty than ở Quảng Ninh cũng khẳng định chiếc bánh mì đen kia nếu gắn hình ảnh công nhân mỏ sẽ khiến mọi người lầm tưởng là loại “bánh mì mỏ” lâu nay được cấp cho bữa ăn giữa ca nhưng không phải vậy.
Trong khi đó, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH-CN Quảng Ninh, cho biết hiện nay tên gọi “bánh mì mỏ” chưa được đơn vị nào đăng ký thương hiệu bản quyền. Tuy nhiên, ông Nam lưu ý, các cá nhân, tổ chức khi sáng tạo ra một sản phẩm gì nên đăng ký thương hiệu bản quyền để tránh tranh chấp không đáng có.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện nay, tại Quảng Ninh, nhiều thương hiệu ẩm thực quen thuộc hàng chục năm qua đối với người dân bản địa không được đăng ký thương hiệu bản quyền. Chỉ đến khi có doanh nghiệp tư nhân vào kinh doanh là nhiều người tỏ ra không hài lòng thì đã muộn, như tên gọi “chả mực Hạ Long”; “sữa chua Hạ Long” và gần đây nhất là bánh mì mỏ.
Bình luận (0)