Nóng trên mạng xã hội: Xúc động hành trình bảo hộ công dân giữa dịch Covid-19

25/03/2020 09:12 GMT+7

Đằng sau chuyến bay chở hơn 220 công dân Việt Nam từ Ấn Độ về nước là cả một hành trình bảo hộ thầm lặng mà Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng cộng sự dốc hết sức để lo lắng.

Trấn an từng người

Từ ngày 17 - 18.3, Ấn Độ giảm tối đa hoạt động đi lại và đến đêm 21.3, nước này cấm toàn bộ không phận quốc tế vì họ nhận thấy nguồn lây nhiễm Covid-19 đa số từ nước ngoài vào.
Quyết định gây hoang mang cho nhiều người Việt Nam đang ở Ấn Độ. Chỉ vài giờ trước khi lệnh đóng cửa biên giới của chính phủ Ấn Độ có hiệu lực, tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại nước này nóng lên vì liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người Việt từ khắp Ấn Độ.
Ấn Độ rất rộng nên việc liên lạc cho tất cả bà con gặp nhiều khó khăn. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại 3 nước Ấn Độ, Nepal và Bhutan - ông Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Trong lúc hoảng loạn, có nhóm 11 người lẽ ra chỉ 1 người gọi thì cả 10 người đều gọi cho đại sứ quán nên chúng tôi tưởng rằng có hàng ngàn người Việt đang rắc rối ở Ấn Độ. Do thông tin bị nhiễu nên chúng tôi đã phải kiểm tra lại danh sách, thông báo rộng rãi trên mạng xã hội, trang thông tin Đại sứ quán và anh em trong lãnh sự phải điện thoại cho từng người một. Từ đó chúng tôi phát hiện chỉ có vài trăm người mắc kẹt”.
Người dân lúc này có đủ nỗi lo, từ việc visa sắp hết hạn mà đường về ngày càng khó, nhiều khách sạn Ấn Độ từ chối không nhận khách nước ngoài, đến việc ăn uống ở đâu và không đủ tài chính. Thấu hiểu điều đó, cán bộ Phòng Lãnh sự của Đại sứ quán gọi điện đến từng du học sinh hỏi rõ hoàn cảnh và có khuyến nghị với từng trường hợp. Sau đó, ban lãnh sự đề nghị tất cả mọi người đến New Delhi để đáp chuyến bay về Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đã liên hệ đổi chuyến bay với khoang lớn để đưa được nhiều đồng bào về nước (ảnh trái), một người Việt xúc động khi cầm được tấm vé máy bay về nước trong tay

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã liên hệ đổi chuyến bay với khoang lớn để đưa được nhiều đồng bào về nước (ảnh trái), một người Việt xúc động khi cầm được tấm vé máy bay về nước trong tay

Trò chuyện với Thanh Niên, ông Châu chia sẻ: “Thời điểm Thủ tướng quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22.3.2020 cũng chính là thời điểm chuyến bay VJ972 của Hãng hàng không Vietjet chở những công dân Việt Nam về nước. Đích thân tôi đã đề nghị Hãng hàng không Vietjet đổi máy bay to hơn để có thể chở đông người dân hơn, mở bán vé online để mọi người thuận tiện mua vé…”.

“Chúng tôi nguyện là người lính cuối cùng…”

Thời điểm đó, ông Châu luôn trấn an, cố giúp các cán bộ và người dân bình tĩnh: “Chúng tôi sẽ lo đến cùng, chúng tôi sẽ lo từng trường hợp một nên mọi người cứ yên tâm”. Ông Châu đã đặt ra nhiều kịch bản để chuẩn bị sẵn phương án kịp thời ứng phó.
“Tôi thấy nhiều cuộc điện thoại quá thì lo không biết có đủ vé để đồng bào về nước hay không, nếu không đủ về thì phương án nuôi họ như thế nào, có chỗ nào đưa họ về, cách ly họ ra sao, ăn uống thế nào, những người có điều kiện thì cho vào khách sạn còn không có điều kiện thì làm sao? Tôi tính luôn đến chuyện Đại sứ quán sẽ làm khu cách ly. Nếu khó khăn quá thì sẽ hỗ trợ lên nhà đại sứ ở. Dù đã tính toán hết rồi nhưng tôi không hề muốn kịch bản ấy xảy ra, mà chỉ muốn làm sao tốt nhất người dân về nước hết và được an toàn”, ông Châu kể.
Trên trang cá nhân, Đại sứ Phạm Sanh Châu viết: “Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép. Chúng tôi, những nhà ngoại giao cũng như các thủy thủ quyết ở trên con tàu này, bình tĩnh và tự tin để lái nó vượt qua vùng tâm bão!”.
Và chuyến bay VJ972 từ Ấn Độ về Việt Nam lúc 00 giờ ngày 22.3 chở theo 220 công dân Việt đã hạ cánh an toàn và vào khu cách ly tại Ninh Bình theo quy định. Hàng ngàn dân mạng rưng rưng. Nhiều người được bảo hộ về đến Việt Nam đã vỡ òa, viết lời cảm ơn đầy xúc động dành cho ông Châu.
Những công dân cần sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có thể liên hệ theo số đường dây nóng: Bảo hộ công dân của Đại sứ quán: +91 7303625588. Tổng đài bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 848484.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.