Nóng với băn khoăn về cơ hội việc làm

13/03/2016 08:25 GMT+7

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 12.3, hơn 2.000 học sinh Ninh Thuận đã được giải đáp trực tiếp hàng loạt băn khoăn về thi cử và lựa chọn ngành nghề.

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 12.3, hơn 2.000 học sinh Ninh Thuận đã được giải đáp trực tiếp hàng loạt băn khoăn về thi cử và lựa chọn ngành nghề.

Học sinh Ninh Thuận tham gia chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh Ninh Thuận tham gia chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Điểm đặc biệt trong chương trình này là những băn khoăn, thắc mắc của học sinh về cơ hội việc làm ngay tại tỉnh nhà.
Ngành nào được địa phương cử đi đào tạo ?
Ngay khi bắt đầu chương trình, một học sinh (HS) đặt câu hỏi về ngành điện hạt nhân, một trong những thế mạnh của Ninh Thuận. HS này hỏi: “Chỉ tiêu và cách xét chọn người để đưa đi đào tạo ở nước ngoài của ngành này như thế nào, năm nay sẽ đi đào tạo ở nước nào?”. Ông Trần Ngọc Ánh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thông tin: “Hiện nay Bộ GD-ĐT đã gửi đi Nga đào tạo 350 HS, trong số này có 236 người đã đăng ký làm việc cho Tập đoàn điện lực VN và riêng tỉnh Ninh Thuận có 87 người. Trong năm 2016, Bộ đã thông báo sẽ cử thêm người đi Nga đào tạo. Ngoài ra, thời gian tới cũng có 9 người đã được tuyển lựa để đi Nhật đào tạo chuyên sâu”.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ thực hiện chương trình này. Cảm ơn Trường ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2 và Trường ĐH Lạc Hồng đã trao 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng). Cảm ơn Công ty Vietravel đã vận chuyển, đưa đón đoàn tư vấn.
Ông Ánh cho biết thêm: “Không chỉ điện hạt nhân, nếu năm nay thí sinh dự thi các ngành xây dựng, điện, công nghệ thông tin, cơ khí thì cơ hội làm việc tại các công trường xây dựng tại 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất lớn. Bởi khoảng 2 năm nữa sẽ cần khoảng từ 7.000 - 10.000 công nhân trong quá trình xây dựng”.
Giải đáp cơ hội việc làm của ngành giáo dục tiểu học nếu học Trường cao đẳng (CĐ) Sư phạm Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận), thông tin: “Năm nay Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận tuyển sinh 2 ngành sư phạm mầm non và sư phạm tiểu học. Riêng ngành giáo dục tiểu học năm nay tuyển 40 chỉ tiêu. Chỉ tiêu này được tính trên nhu cầu giáo viên thực tế ở năm thí sinh tốt nghiệp, vì vậy thí sinh cứ yên tâm dự thi và học tập”.
Trong khi đó, HS Trương Thị Mỹ Hương (Trường THPT Nguyễn Văn Linh) băn khoăn về cơ hội việc làm dành cho HS nữ tại Trường CĐ Nghề của tỉnh. Đại diện trường này cho biết học viên nữ của trường chiếm hơn 50% trong các năm vừa qua và các em có thể theo học các ngành: quản trị nhà hàng và khách sạn, may thời trang... Nếu chọn các nghề về kỹ thuật, học viên sẽ được nhận vào làm việc ngay khi thực tập.
Có nên học ngành y tế bậc trung cấp ?
Trong buổi tư vấn, nhiều HS băn khoăn về những vấn đề rất thời sự. Chẳng hạn, một HS đặt câu hỏi về nhân lực ngành y tế bậc trung cấp (TC): “Em được biết Bộ Y tế thông báo sẽ không tiếp nhận nhân sự tốt nghiệp bậc TC vào làm việc tại các bệnh viện. Bản thân em không có khả năng thi vào bậc ĐH hoặc CĐ ngành này, vậy em có nên nộp hồ sơ vào bậc TC không?”.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, khuyên: “Quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép HS tốt nghiệp TC có thể liên thông lên ĐH với chỉ 1,5 - 2 năm. Vì vậy, những thí sinh có học lực trung bình mà yêu thích công việc này thì có thể nộp hồ sơ bậc TC để liên thông lên ĐH. Ngoài ra, nếu thí sinh theo học ngành này ở bậc TC mà giỏi ngoại ngữ còn có nhiều cơ hội tham gia xuất khẩu lao động”.
Một HS đặt câu hỏi rất thực tế: “Em muốn đăng ký xét tuyển vào Trường CĐ Tài chính hải quan, nếu em chỉ đạt 13 điểm có chắc chắn đậu vào trường không?”. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói năm nay ngưỡng đầu vào các trường CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT. Trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp, nhưng kinh nghiệm nhiều năm thì thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên có thể trúng tuyển vào ngành tài chính ngân hàng.
Liên quan ngành này, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: “Thông tin nổi bật mà tôi vừa nhìn thấy trên các báo sáng nay là sức hút trở lại của nhân sự ngành ngân hàng. Nếu từ bây giờ thí sinh đăng ký vào ngành này thì sau 4 năm triển vọng cơ hội việc làm rất lớn”.
Các nguyện vọng có được xét ưu tiên như nhau ?
Một HS đặt vấn đề: “Ở đợt xét tuyển đầu tiên thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng, nếu trong một trường em đăng ký 2 nguyện vọng, ở nguyện vọng thứ 2 em có điểm thi cao hơn thí sinh nộp vào ngành đó ở nguyện vọng 1 thì cách thức xét tuyển ra sao?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nói ngay: “Theo quy chế năm nay, ở nguyện vọng 1 thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 2 trường với tối đa 2 nguyện vọng (2 ngành) nhưng cả 2 nguyện vọng đều được xét thứ tự ưu tiên như nhau. Do vậy dù ở nguyện vọng thứ 2 nhưng em có điểm cao hơn thí sinh nộp vào ngành đó bằng nguyện vọng 1, em sẽ được xét trúng tuyển trước”.
Một HS Trường THPT Nguyễn Trãi hỏi rất thực tế: “Học sinh tỉnh Ninh Thuận chúng em học khá các môn khoa học tự nhiên nhưng hơi thiếu tự tin về môn tiếng Anh. Cho em hỏi, nếu thi trắc nghiệm môn tiếng Anh mà chọn toàn bộ đáp án A trong đề thi có vi phạm quy chế thi không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nói: “Việc thí sinh chọn đồng thời một đáp án A trong đề thi sẽ không vi phạm quy chế vì quy chế không cấm điều này, tuy nhiên không ai chắc chắn rằng khi chọn đáp án như vậy thí sinh sẽ không bị điểm liệt (1 điểm)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.