* Hổ mang chúa đã về nơi an toàn
Ngay chiều cùng ngày, rắn “khủng” cực độc này cũng đã được đưa về “nhập trại” ở Trung tâm nuôi trồng - nghiên cứu - chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) an toàn. Các bác sĩ cho biết, sau khi xử lý vết thương và điều trị lành bệnh, con rắn này sẽ được đưa vào nuôi tại khu bảo tồn động vật hoang dã.
Theo ông Lê Hoàng Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng, đây là loại rắn hổ mang chúa cực độc và quý hiếm, có tên trong Sách đỏ nằm trong nhóm 1B. Ông Tấn cho biết không có quy định nào hỗ trợ tiền cho người bắt động vật hoang dã quý hiếm, vì việc bắt giữ là vi phạm dù bắt tại nhà hay bất cứ nơi đâu. Trường hợp người dân bắt con rắn này là vi phạm, nhưng do họ không biết đó là rắn quý hiếm và bắt xong đã giao nộp nên không xử phạt.
Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cũng nói: “Hiện nay ngành kiểm lâm không có văn bản nào quy định cụ thể về việc trả tiền công hoặc phí cho những người giao nộp động vật thuộc nhóm 1B (nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại) cho cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên, tùy từng địa phương mà cơ quan kiểm lâm có thể trích từ quỹ phòng chống buôn lậu từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho những cá nhân tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm. Những cá thể này sẽ được cứu hộ và trả về thiên nhiên, do đó khi đã giao nộp thì người dân không thể đòi lại”.
Theo ông Cương, nếu bị phát hiện vi phạm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng (đối với cá nhân) và 1 tỉ đồng (đối với tổ chức).
Riêng trong vụ việc này, ngành kiểm lâm đã hỗ trợ 1 triệu đồng cho người bắt rắn để động viên việc tự giác giao nộp.
Thanh Dũng - H.Ph - Quang Thuần
>> Công an xã khổ vì giữ rắn 'khủng' cực độc
>> Công an xã khổ vì giữ rắn 'khủng' cực độc: Bàn giao rắn cho ngành kiểm lâm
>> Bắt rắn độc, bị cắn tử vong
>> Nhiều ca nhập viện do rắn độc cắn
>> Nguy hiểm do rắn độc
Bình luận (0)