Ai đã tấn công ?
Theo tờ The New York Times (NYT) đưa tin ngày 7.3, thông tin tình báo mới của Mỹ cho thấy khả năng một nhóm ủng hộ Ukraine đã tấn công các đường ống Nord Stream 2 hồi tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói không có bằng chứng chỉ ra Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoặc cấp dưới của ông liên quan vụ việc.
Vụ tấn công nhằm vào các đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Tây Âu qua biển Baltic đã làm dấy lên đồn đoán trong công chúng về việc ai là thủ phạm. Mỹ và NATO nói đây là "hành động phá hoại", trong khi Moscow cáo buộc phương Tây chủ mưu và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập. Cả hai đều không cung cấp bằng chứng và đây vẫn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải lớn nhất trong hơn một năm xung đột giữa Nga và Ukraine.
Xem nhanh: Ngày 377, Nga, Ukraine nêu lý do giành giật Bakhmut; không quân Nga còn lợi thế gì?
Một số quan chức phương Tây cho rằng Ukraine và các đồng minh của nước này là bên có động cơ hợp lý nhất để thực hiện một vụ tấn công như vậy, vì họ đã phản đối dự án Nord Stream suốt nhiều năm. Sau khi bài báo của NYT được đăng tải, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, một lần nữa phủ nhận vai trò của Ukraine, nói chính quyền ở Kyiv "không liên quan gì sự cố ở biển Baltic", cũng không có thông tin về "các nhóm phá hoại" thân Ukraine.
Tại Washington và châu Âu, một số quan chức lo ngại một cuộc tấn công có dính líu Ukraine sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của NATO đối với nước này, đặc biệt là ở Đức, nơi nhiều công dân vẫn hoài nghi về việc trang bị vũ khí cho Kyiv, theo báo The Washington Post.
Bình luận về thông tin của NYT, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 8.3 cảnh báo các bên không nên đưa ra những cáo buộc vội vàng. "Đó cũng có thể là một chiến dịch được dàn dựng để đổ tội cho Ukraine", Reuters dẫn lời ông Pistorius phát biểu tại Stockholm, nơi các bộ trưởng quốc phòng Liên minh Châu Âu (EU) đang họp.
Đức kêu gọi cẩn trọng với thông tin về vụ tấn công Nord Stream, tránh mắc bẫy 'đổ tội'
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nói việc các nguồn ẩn danh "rò rỉ thông tin" cho truyền thông Mỹ chỉ nhằm mục đích duy nhất là ngăn cản nỗ lực tìm ra sự thật. "Chúng tôi không tin vào "tính công bằng" trong các kết luận của tình báo Mỹ", Hãng tin TASS dẫn lời ông Andrey Ledenev, tham tán công sứ tại Đại sứ quán Nga ở Washington, thông tin trên kênh Telegram của phái bộ ngày 8.3. Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là "chiêu" đánh lạc hướng chú ý, theo Hãng tin RIA.
"Con đường thông thoáng"
Trên chiến trường, tình hình tại Bakhmut, đô thị nhỏ ở miền đông Ukraine, vẫn rất căng thẳng. Lực lượng Nga tiếp tục tấn công thành phố này và các khu vực lân cận nhằm giành chiến thắng lớn đầu tiên sau hơn nửa năm, trong khi lực lượng Ukraine cố gắng bám trụ ở thành phố nhằm làm suy yếu năng lực chiến đấu của Moscow.
Tổng thống Putin nói Nga đối mặt mối đe dọa chủ quyền
Tại một lễ trao giải thưởng nhà nước cho phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ ở Điện Kremlin ngày 8.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga đang đối mặt với các mối đe dọa trực tiếp đến an ninh và chủ quyền của mình.
"Giờ đây khi Nga đang đối mặt với các mối đe dọa trực tiếp đến an ninh và chủ quyền của mình, chúng ta thấy nhiều tấm gương về sự can đảm và quyết tâm, dũng cảm và sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ người dân và chính tương lai của đất nước chúng ta", Hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Putin.
Ngày 8.3, ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty lính đánh thuê Wagner của Nga, cho hay lực lượng này đã kiểm soát toàn bộ phần phía đông của Bakhmut, nơi mà Nga gọi là Artyomovsk, theo TASS. "Mọi thứ ở phía đông của sông Bakhmutka đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Wagner", ông Prigozhin tuyên bố trên kênh Telegram. Ukraine chưa lập tức đưa ra phản hồi.
Tổng thống Ukraine nói vì sao vẫn phải dồn quân cố thủ Bakhmut?
Giới chức Mỹ nói Bakhmut không có vai trò quan trọng về mặt chiến lược hay tác chiến, nhưng Tổng thống Zelensky đã cảnh báo rằng nếu Nga chiếm được nơi này, họ sẽ có "con đường thông thoáng" để giành lấy các đô thị then chốt khác ở miền đông Ukraine. "Chúng tôi hiểu rằng sau Bakhmut, họ (Nga - NV) có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, họ có thể đến Sloviansk, đó sẽ là con đường thông thoáng cho người Nga đi tới các đô thị khác ở Ukraine, theo hướng Donetsk", ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN từ Kyiv hôm 7.3.
Bình luận (0)