Dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, “sống chung với dịch bệnh” trở thành yêu cầu thường trực. Trong đó, mấu chốt chính là thực hiện chiến lược vắc xin để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Tính từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa 23.6, cả nước có thêm 80 ca mắc Covid-19 mới, trong đó không có ca nào nhập cảnh. TP.HCM vẫn là địa phương có số người nhiễm mới cao nhất. Với những diễn biến hiện tại, việc miễn dịch toàn dân với việc tiêm phòng Covid-19 lại càng trở nên quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vắc xin. Hiện chắc chắn đã có 60 triệu liều, bao gồm 30 triệu liều từ chương trình COVAX và 30 triệu liều đặt mua từ hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam và đang liên tục tìm kiếm nguồn vắc xin để tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng. Trong đó, cho đến 20.6, Việt Nam đã nhận được khoảng 4,3 triệu liều vắc xin từ 4 nguồn: COVAX, Nhật Bản và Trung Quốc hỗ trợ, Bộ Y tế mua thông qua Công ty VNVC. Dự kiến tuần đầu tháng 7 tới sẽ có thêm 1,6 triệu liều vắc xin từ COVAX về đến Việt Nam. Trong tháng 7, dự kiến Việt Nam cũng sẽ nhận được vắc xin mua từ Pfizer (ít nhất 1 lô).
Tính đến 19.6, đã có gần 2,36 triệu người được tiêm chủng ngừa Covid-19 (tiêm 1 mũi), trên 115.300 người tiêm đủ 2 mũi. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do Covid-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông...
Sau khi phát động Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến tối 15.6, Quỹ đã nhận được số tiền đóng góp qua tổng đài 1408 được trên 1,6 triệu tin nhắn với số tiền ủng hộ là trên 76,7 tỉ đồng. Cùng với đó, số tiền ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị… là trên 5.100 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)