Trước đêm nhạc Gửi người tri kỷ 2 (sẽ diễn ra tại phòng trà We - Q.3, TP.HCM), NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ những suy nghĩ của bà về nguồn cảm hứng để làm tiếp đêm nhạc thứ hai với bạn mình là NSƯT Diệu Hiền cũng như suy nghĩ về thế hệ nghệ sĩ trẻ của cải lương hôm nay.
Cải lương không ngừng thích nghi
* Sau đêm nhạc Gửi người tri kỷ đầu tiên, sao bà không nghỉ ngơi mà tiếp tục thực hiện dự án thứ hai này?
- NSND Bạch Tuyết: Ngay sau đêm diễn ấy, khi được ngồi giữa lòng khán giả tri âm, nghe cả khán phòng cùng hát Lý sâm thương, tôi đã nghĩ tới Diệu Hiền và tự nhủ, chúng tôi sẽ cùng đứng ở sân khấu nho nhỏ mà rất ấm áp này để Diệu Hiền gặp lại khán giả của mình, cũng như khán giả sẽ có dịp hội ngộ, hàn huyên cùng “Đệ nhất đào võ” Diệu Hiền.
* Sau đêm nhạc đó, bà nhận được những phản hồi như thế nào từ khán giả?
- Ngay khi đang đứng trên sàn diễn của sân khấu phòng trà, cái không gian nhỏ và gần ấy càng cho tôi có cơ hội nhìn tận mặt khán giả. Tôi đã cảm nhận một cách đầy đủ về tình cảm, sự yêu thương, trân trọng của khán giả dành cho cải lương.
|
* Đêm nhạc đầu tiên đó, bà có để ý đến lượng khán giả trẻ đến xem mình hát?
- Đêm nhạc đó, lượng khán giả hầu như 70% là người trẻ. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ ở tuổi mình, khán giả đến xem là những người lớn tuổi, yêu cải lương từ trước, thế nhưng thành phần khán giả trẻ lại nhiều hơn. Tôi nhận thấy, các bạn có nhận định của riêng mình, tình cảm như thế nào đó thì mới đến xem nghệ thuật của dân tộc nhiều đến thế. Khán giả lúc nào cũng rất yêu mến những người từng cống hiến hầu như cả cuộc đời cho nghệ thuật cải lương.
|
'Diệu Hiền còn ca hay...'
* Bà có thể chia sẻ nguồn cảm hứng giúp mình thực hiện Gửi người tri kỷ 2 được không?
- Như tôi đã nói, là không ngoài tình cảm, sự ủng hộ của khán giả, cả khán giả tại chỗ, đến phòng trà xem lẫn khán giả coi trên kênh YouTube; họ vốn đã yêu cải lương, nay trong hoàn cảnh có quá nhiều thử thách cho sân khấu dân tộc, cho chính đời sống xã hội nói chung, họ càng cho thấy tình yêu ấy là xứng đáng, bản thân nghệ sĩ càng thấu cảm hơn cái tình tri kỷ ấy. Tôi thật sự xúc động và biết ơn.
Tôi chỉ có người bạn thân duy nhất là Diệu Hiền. Mặc dù số phận của hai đứa khác nhau nhưng nghĩa ân, cư xử của hai đứa với nhau vẫn như từ hồi 17 tuổi cho đến bây giờ. Khi chương trình Gửi người tri kỷ đầu thành công, tôi nghĩ phải tổ chức một chương trình nữa để giới thiệu bạn mình vì bạn mình còn ca hay nhưng lại khiêm tốn không muốn xuất hiện. Bấy nhiêu đấy đủ để tôi và NSƯT Diệu Hiền có một đêm hội ngộ.
|
* Thưa bà, có gì khác trong đêm nhạc sắp tới so với phần đầu tiên? Bà sẽ tâm tình điều gì trong đêm nhạc này?
- Nếu đêm đầu tiên là một lát cắt trong cuộc đời ca kỷ của tôi thì đêm thứ hai này là đêm của NSƯT Diệu Hiền, đêm để người ta thấu hiểu giá trị của một vai diễn, một bài ca, một lớp trích đoạn, để thành hình, để được khán giả yêu và nhớ qua năm tháng chúng tôi đã học, đã rèn giũa nó như thế nào. Tôi may mắn khi được về đoàn Thống Nhất của cậu Mười Út (NSND Út Trà Ôn - NV) cùng đợt với Hiền, đó là người bạn luôn thấu hiểu, lắng nghe, đưa vai cho mình tựa mỗi khi có biến cố mà ở tuổi 16 - 17, bạn chưa thể tự mình chống chọi.
Đó cũng là người bạn luôn nhìn thấy trước những gì tốt đẹp nhất cho mình, ở mọi khoảng cách đều hướng về mình để lo lắng, bảo vệ và tin cậy. Tình bạn đích thực trong nghệ thuật là chính đó. Nó trong trẻo, vô tư mà cũng… kiệm lời lắm, giờ mới là dịp chúng tôi nói ra, mà cũng nói bằng… cải lương!
|
'Thương nghệ sĩ trẻ bây giờ'
* Cải lương không còn vàng son như trước. Bà nghĩ gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ kế thừa nghệ thuật cải lương?
- Nếu ai nghĩ cải lương không còn vàng son như trước thì cũng đúng. Nhưng với riêng tôi, tôi nghĩ mỗi thời mỗi khác. Cũng là canh chua cá kho nhưng thời ông bà, cha mẹ ta thì canh chua nấu khác, đãi trong một dịp nào đó, còn bây giờ vẫn là canh chua cá kho nhưng lại đãi trong khách sạn năm sao, trở thành món rất có giá trị. Thành ra, chúng ta nhìn cuộc sống như là hôm nay nó đang là. Tôi rất vui vì hằng năm chúng ta vẫn có những giọng ca mới cho cải lương chứ không phải không có. Bây giờ chỗ đào tạo cải lương cũng quan trọng, rồi bản thân người trẻ, có giọng ca họ tiến thân như thế nào cũng là một chuyện.
Bây giờ cũng có một số cái khó, một số cái dễ hơn ngày xưa. Đơn cử như bây giờ các bạn tập cho kỹ, nhờ người viết tuồng cho hay, nhờ người dựng vở ngắn nửa tiếng đồng hồ, hay thậm chí một cái clip 15 phút đưa lên mạng thì có thể có cả ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người xem. So với ngày xưa, hát trong rạp một lần thì có một, hai ngàn người xem, hát một tuần thì được vài chục ngàn người xem, làm sao bằng như hình thức bây giờ, thu hút nhiều như vậy được?
Mà chính vì lẽ đó lại gây khó cho các bạn trẻ. Các bạn không có thời giờ để làm kỹ, không có những bầu gánh như ngày xưa người ta mua tuồng hay rồi đưa về để "đo ni đóng giày" cho một nghệ sĩ nào đó; hoặc là người ta mua những bài ca rất hay, để mời từng giọng ca, rồi cuối cùng đưa ra một giọng ca thật có giá trị. Hồi xưa nói chung có một cái nôi để cho khả năng của người trẻ đó tiến lên nhanh hơn, chắc chắn hơn, tinh hơn đối với khán giả. Bây giờ các bạn trẻ phải tự thân, do đó khi nhìn như vậy tôi thấy thương các bạn lắm. Các bạn phải có thời gian tập cho chín muồi, kịch bản phải hay để như hồi xưa là khi đưa lên truyền hình mọi thứ đều hoàn chỉnh hết. Bây giờ, các bạn vừa mới tập xong đưa lên mạng, thành ra thời gian cùng ngồi lại với nhau để chỉnh sửa cho suôn sẻ, để cho nó toát lên cái hồn của vở diễn hay của một nhân vật thì khó hơn.
|
* Bà có nhắn nhủ gì đối với những nghệ sĩ cải lương trẻ hôm nay?
- Các bạn đã có giọng ca trời cho thì các bạn cố gắng để tìm những vở diễn hay, những bài ca hợp với mình. Nếu các bạn chỉ diễn những trích đoạn, tích, tuồng kinh điển ngày xưa mà khán giả đã nghe rồi thì như vậy các bạn sẽ thiệt thòi. Bởi vì giọng ca một khi đã vào lòng công chúng rồi thì nghệ sĩ họ không muốn ai thay thế, cái đó như một tâm lý rồi. Cho nên tôi mong rằng mỗi bạn trẻ sẽ có những vở diễn để đời!
* Bà đã chuẩn bị gì cho đêm diễn sắp tới?
- Đêm đó có sao tôi sẽ nói vậy (cười). Chương trình như là một món quà mà hai chị em tôi dành cho nhau, cho nên sẽ rất chân thật. Mà điều chân thật đó hoàn toàn mang lại lợi ích cho cải lương. Khán giả sẽ thấy rằng, những người nghệ sĩ cải lương khi lớn tuổi rồi thì điều còn lại của họ, như má Bảy (NSND Phùng Há - NV) đã dạy, là sự biết ơn đối với cuộc đời, với các soạn giả và cả những người đã cùng nhau tạo nên một vở diễn phục vụ công chúng.
* Xin cám ơn những chia sẻ của NSND Bạch Tuyết!
Bình luận (0)