* Trong đêm diễn ở Giai điệu mùa thu, ông chọn tác phẩm của Beethoven. Những người theo dõi sự nghiệp âm nhạc của ông cho biết ông thường biểu diễn tác phẩm của Ravel, Debussy, Faure, Schumann, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Beethoven..., mà ít chơi nhạc Chopin dù tên tuổi của ông gắn với Cuộc thi Chopin và được mệnh danh là “người được Chopin chọn”...?
- Sự nghiệp âm nhạc của tôi “gắn” với âm nhạc của Chopin nhưng nó không bị “bó” vào đấy. Những trải nghiệm, thử thách mới giúp tôi luôn vươn lên với những mốc mới. Công bằng mà nói, nhạc Chopin vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình diễn của tôi. Lần diễn trước tại TP.HCM - cuối năm 2017 với dàn nhạc Hàn Quốc, tôi chơi bản Concerto số 2 cung fa thứ của Chopin.
* Điều khiến ông nhớ nhất về Cuộc thi Chopin năm 1980 là gì, thưa ông?
- Ly kỳ tìm kiếm bộ áo quần “chuẩn” để thi vòng Final với dàn nhạc (tôi không mang bộ vest nào theo vì không có, lại không dám mơ sẽ lọt vào vòng Final).
* Từ sau chiến thắng cao nhất ở Cuộc thi Chopin, ông có nhớ lần biểu diễn đặc biệt nào dành cho bản Concerto số 2 cung fa thứ - tác phẩm giúp ông ghi dấu ấn ở cuộc thi ấy?
- Sau cuộc thi, tôi biểu diễn tác phẩm đó cũng phải hàng trăm lần. Đáng nhớ nhất là ngay sau cuộc thi, tôi chơi bản Concerto này 10 lần trong 10 ngày liền tại Nhà hát lớn Hà Nội, buổi nào cũng đầy ắp khán giả. Rồi 30 năm sau - ngày 1.3.2010, tôi vinh dự được mời đàn bản nhạc này tại Concert Gala ở Ba Lan nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin.
Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2019 đang diễn ra tại Nhà hát TP.HCM với chương trình hòa nhạc thính phòng Hành trình âm nhạc Đông - Tây (21.8), hòa nhạc thính phòng Hàn Quốc Arirang, The beauty of Korean spirit (22.8), múa đương đại Mùa xuân thiêng liêng (23.8), hòa nhạc kèn - gõ Gió, những bản nhạc phim và ca khúc quốc tế nổi tiếng được chuyển soạn cho dàn nhạc Big Band (24.8), đêm nhạc với NSND Đặng Thái Sơn (25.8)...
|
* Ông thường chọn tác phẩm biểu diễn theo tiêu chí nào?
- Phần lớn là chọn bài theo mùa diễn. Lần này tôi chọn nhạc Beethoven vì thế giới bắt đầu vào mùa diễn Beethoven, kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông (1770 - 2020).
* Việc ông chọn tác phẩm để biểu diễn có thay đổi theo từng chặng thời gian không, thưa ông?
- Cũng như bất cứ ai, người nghệ sĩ thay đổi với thời gian; càng nếm mùi đời, tiếng đàn càng đậm đà, sâu lắng, bù vào cái sức mạnh “bẻ gãy sừng trâu”, bồng bột của tuổi đôi mươi đã qua đi. Tác phẩm diễn thay đổi là đương nhiên.
* Là thành viên ban giám khảo nhiều cuộc thi piano thế giới và gần đây là chủ tịch nghệ thuật cuộc thi piano quốc tế tại VN, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của bộ môn nghệ thuật này ở nước ta?
- Nhiều năm trước, tôi đã “báo động” là từ một nước có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc cổ điển rất sớm ở châu Á, dần dần VN đã bị “tụt lại” ngay cả so với các nước trong khu vực. Trong số những người đoạt giải tại các cuộc thi piano quốc tế lớn, đã vắng bóng VN hàng chục năm nay mặc dù mình không thiếu tài năng. Vậy hiển nhiên là môi trường giáo dục, chính sách đầu tư cho âm nhạc, cụ thể là piano cần thay đổi...
* Trong cuốn Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn, tác giả Ikuma Yoshiko viết: một nghệ sĩ piano ở tuổi 10 - 20 thường muốn gia tăng số lượng bài sở trường, ở tuổi 30 là trau dồi năng lực biểu diễn, ở tuổi 40 thường thể hiện những bản nhạc điêu luyện nhất... Người yêu tiếng đàn piano của Đặng Thái Sơn cũng muốn biết thêm về ông ở hiện tại với tuổi ngoài 60?
- Hãy đến nghe tôi đàn, ai tới để xem tôi “diễn”, e sẽ thất vọng.
* Có không ít nhận định: nghệ sĩ thường cô đơn, nghệ sĩ dương cầm thường cô đơn nhất. Với Đặng Thái Sơn thì thế nào?
- Cũng không ngoại lệ!
* Đến nay, có khi nào ông nghĩ đến việc muốn bổ sung điều gì khác cho câu nói được xem lẽ sống của mình: “Dù là ở đâu, khi nào, âm nhạc cũng là số một. Nguồn sống của tôi chính là âm nhạc”?
- Càng ngày, tôi càng thấm điều đó.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)