NSND Hồng Vân
Đối với NSND Hồng Vân, ngay từ thời đi học thì 20.11 là một ngày vô cùng quan trọng. Cô chia sẻ ngày xưa đi học rất nghèo, không có tiền mua hoa để tặng thầy cô nên cứ lo lắng và phải tự làm thiệp để chúc mừng. “Hồi đó tôi đi học rất nghèo, không có tiền mua hoa nên cứ thấp thỏm. Ngày xưa làm gì có tiền, bố mẹ cho tiền mua hoa cũng chỉ mua cho cô chủ nhiệm thôi, nhưng tôi lại rất thương các thầy cô bộ môn và muốn tặng hết. Chúng tôi phải tự làm những chiếc thiệp, chuẩn bị từ trước cả tháng”, cô nhớ lại.
Tuy nhiên, khi đã là người giảng dạy và dìu dắt học trò, NSND Hồng Vân lại cảm thấy 20.11 là một ngày rất bình thường. Nữ nghệ sĩ chia sẻ việc nhận quà từ học trò khiến cô thấy áp lực. “Tôi không biết các thầy cô thời trước có áp lực giống như tôi bây giờ hay không. Học trò của tôi trong nghề này nghèo lắm, các bạn phải làm đủ nghề để có tiền trang trải tiền sinh hoạt, tiền học phí. Tôi thì không đủ sức để có thể tài trợ hết được cho tất cả, tôi chỉ có thể hỗ trợ cho những bạn có tài và có đam mê. Cứ đến ngày 20.11, các bạn lại tìm mọi cách để mua quà, mua hoa trái cây đến tặng lại khiến tôi thấy áp lực. Tôi đều phải trốn vì không muốn học trò phải tốn tiền cho mình”, cô nói.
|
Nữ nghệ sĩ sinh năm 1966 tâm sự có nhiều món quà bất ngờ khiến cô thấy cảm động. Điển hình là ca sĩ Nam Cường, dù không trực tiếp được dạy nhưng anh thấy mình học nhiều điều từ Hồng Vân nên anh vẫn tặng quà khiến cô bất ngờ. “Dù tôi đi trốn, đi quay cũng bị tụi học trò “đột kích” đến tận nơi. Sau cả tuần tôi lên lớp vẫn có học trò tìm đến tặng hoa, tặng quà. Tôi biết để làm được điều đó, học trò phải dành dụm từ rất lâu, ngày xưa tôi cũng từng trải qua nên tôi hiểu và không muốn như thế. Tôi lại thích những món quà tự làm bằng tay, tôi rất trân trọng và giữ đến tận bây giờ, nhưng tâm lý ai cũng sợ nên cứ mua cái này, cái kia. Có học trò để dành tiền từ 8.3 đến 20.11 mới đủ tiền mua cây son tặng, đọc thiệp mà tôi rớt nước mắt”, Hồng Vân xúc động.
Để trở thành học trò của NSND Hồng Vân, cô cho biết tiêu chí của mình là “thành nhân trước rồi hãy thành sao”. Học trò phải là người tốt, phải lễ phép từ các anh chị khóa trước cho đến thầy cô. “Bà Mai” trong phim Gạo nếp gạo tẻ chia sẻ ngay tiết đầu tiên, tất cả các thầy cô đều dạy cho học trò đạo đức diễn viên.
Nghệ sĩ hài Minh Nhí
Từng đào tạo nhiều học trò trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như Việt Hương, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Tiết Cương... nên khi chia sẻ về ngày 20.11, nghệ sĩ hài Minh Nhí cười và nói rằng anh tự hào khi có nhiều học trò giỏi. Nam nghệ sĩ cho biết cứ đến ngày 20.11 là các học trò cứ “rần rần”, từ những học trò cũ như Việt Hương, Thúy Nga… cho đến những học trò trẻ cũng xôm tụ lại để chúc mừng anh.
|
Theo nam nghệ sĩ, dù đi diễn hay đi dạy đều có những khó khăn riêng: “Tôi thấy đi diễn thì phải rèn luyện, nghiên cứu và đầu tư cho vai diễn như thế nào để xuất hiện trước công chúng cho người ta hài lòng. Còn đi dạy thì mình cũng phải nghiên cứu, tận tâm truyền đạt để học trò có thể tiếp thu được. Học trò phải giỏi thì đi diễn mới có tương lai, học trò được khen tôi cũng thấy tự hào”.
Minh Nhí cũng tâm sự có nhiều học trò sau khi học xong, nhiều người không biết tôn sư trọng đạo, bằng mặt không bằng lòng. Nhưng anh chia sẻ điều đó cũng là lẽ thường vì anh giống như người đưa đò, “ai sang sông nhớ thì nhớ, còn không cũng đành chịu”. Minh Nhí nhấn mạnh dù là học trò nổi tiếng hay mới vào nghề thì đạo đức vẫn phải đặt lên hàng đầu. “Các bạn trẻ yêu nghệ thuật, đam mê và có khát vọng thì đều có thể trở thành học trò của tôi. Nhưng khi bắt đầu trở thành học trò, tôi sẽ đặt ra nhiều quy tắc buộc các em phải làm và học theo, đặc biệt là học về đạo đức. Đạo đức là bài học đầu tiên của người diễn viên. Tôi không dạy ngày một ngày hai mà tôi dạy cả đời và đạo đức của diễn viên cũng sẽ phải học cả đời", anh chia sẻ thêm.
NSƯT Trịnh Kim Chi
Trịnh Kim Chi chia sẻ 20.11 cô luôn nhận được nhiều bất ngờ từ các học trò của mình. Mỗi năm đều có những kỷ niệm khác nhau và đều có nhiều ý nghĩa. “Thầy cô lúc nào cũng mong muốn truyền đạt được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho học trò. Chỉ cần học trò học tốt, nắm được những kỹ năng và thành công trong nghề đối với tôi đã là niềm hạnh phúc. Còn nếu học trò nhớ đến mình, nhớ công ơn của mình thì là điều đáng quý, tôi rất trân trọng những tình cảm đó”, cô nói.
|
Nữ nghệ sĩ tâm sự, khi giảng dạy, cô luôn hết lòng và hết tình. Trịnh Kim Chi luôn hướng học trò nhìn vào thực tế, bởi theo cô đây là nghề đào thải rất lớn và không phải ai cũng thành công. "Bà bầu" sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cho biết: “Tôi truyền đạt về kiến thức, kinh nghiệm diễn xuất hay kinh nghiệm làm nghề chứ không phải những kiến thức phổ thông các bạn đã từng học ở trường lớp. Tôi luôn cho học trò của mình biết nhìn vào thực tế. Nghề này đào thải rất lớn, 30 em theo học tốt nghiệp chưa đến 10 em, quan trọng là phải có năng khiếu. Tôi nghĩ đam mê chưa đủ, phải có năng khiếu nên luôn khuyên học trò tự nhìn nhận bản thân mình và thực tế. Dù nhiều em bỏ nửa chừng nhưng sau này các em vẫn đến thăm tôi thì tôi thấy rất vui".
Cũng như Hồng Vân và Minh Nhí, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng rất chú trọng việc truyền dạy đạo đức cho các học trò của mình. Theo cô, không chỉ đạo đức giữa thầy và trò mà sau khi làm nghề thì dù là nhà sản xuất hay bạn diễn đều có thể làm thầy và phải tôn trọng vì họ có kinh nghiệm. Ngoài ra, Trịnh Kim Chi mong muốn học trò phải làm việc nghiêm túc, yêu nghề chứ không phải bằng mọi giá phải nổi tiếng.
Hữu Tiến
Hữu Tiến được biết đến là nghệ sĩ đa tài của làng giải trí. Ngoài vai trò diễn viên, anh làm tốt công tác giảng dạy, dàn dựng gameshow... Nam diễn viên Đồng tiền xương máu chia sẻ khi chưa là thầy thì ngày Nhà giáo Việt Nam luôn là dịp để anh có thể tri ân những người đã từng dìu dắt và giảng dạy mình. Sau này, dù đi diễn hay đi dạy anh vẫn luôn ghi nhớ đến những thầy cô đã từng dạy dỗ mình, nhất là người đã định hướng anh trở thành diễn viên.
|
Nói về ngày 20.11, anh cho biết: “Đối với tôi, quan trọng là mình cư xử với người dạy dỗ mình như thế nào chứ không phải chỉ là ngày 20.11. Tôi muốn ngày nào cũng là ngày 20.11, khi có cơ hội thì mình đến thăm thầy cô, chỉ cần ăn chén cơm, chụp bức ảnh thôi đã đủ rồi. Tôi có nhiều cái để nhớ, nhưng nhớ nhất vẫn là người đầu tiên đưa tôi đến với nghề này. Tôi sẽ thấy bứt rứt lắm nếu không đến thăm thầy vào những ngày quan trọng như lễ, tết”.
Hữu Tiến tâm sự anh đào tạo nhiều thế hệ học trò, nhưng cũng gặp phải nhiều trường hợp học trò sau này gặp lại ngó lơ, không hề tôn trọng. “Tôi gặp nhiều lắm, nói ra hơi bạc nhưng nghề giáo này bạc thật. Khi bạn chưa nổi tiếng thì bạn tìm mình, nhờ vả. Nhưng khi bạn nổi tiếng chưa chắc mình nhờ vả được. Ban đầu tôi thấy chạnh lòng lắm chứ, nhưng sau này tôi nghĩ đây cũng là điều bình thường. Coi như cái nghiệp mình phải làm, người đưa đò khách qua sông, khi học trò được làm nghề thì đã là điều may mắn. Tôi cứ nghĩ vì học trò giỏi, bận quá nên không có thời gian thăm hỏi mình, tôi tự trấn an mình như vậy để tiếp tục giảng dạy. Tôi còn nói học trò chỉ cần gặp nhau, chào nhau là được, chỉ cần các bạn làm được nhiều show thì xem như tôi thành công”.
Khánh Thi
Nữ kiện tướng dancesport Khánh Thi khá xúc động khi nói về ngày Nhà giáo Việt Nam. Đối với cô, đây là một ngày đặc biệt và rất thiêng liêng. “Bản thân Khánh Thi cũng đã từng là một học sinh thời cắp sách tới trường. Ai sinh ra cũng đã từng ít nhất một lần được gọi tên thầy, cô giáo của mình dù ở mọi lứa tuổi. Khánh Thi xin được gửi một lời tri ân tới tất cả các thầy cô giáo đã từng giảng dạy mình. Mọi người đã cho Thi những lời khuyên quý báu trong cuộc sống này. Những người đã luôn giúp đỡ khi Thi khó khăn, bỏ qua sự ngỗ nghịch của Thi để dìu dắt Thi sống và làm việc một cách có ích nhất. Chúc các thầy cô thật nhiều sức khỏe. Luôn hạnh phúc và mãi mãi giữ một trái tim nhân hậu”, cô nói.
|
Bà xã Phan Hiển tiết lộ cô vẫn đi dạy học như bao ngày nhưng vẫn muốn được tiếp tục là học trò của các thầy cô. Từ nhiều ngày trước, Khánh Thi đã được các học sinh ở trung tâm dạy nhảy đến tặng hoa và quà. Cô chia sẻ mình rất vui và suýt khóc mấy lần khi có những lời chúc rất đặc biệt từ các học trò thân yêu.
Bình luận (0)