Hơn 50 năm cống hiến cho diễn xuất, NSND Kim Xuân là một trong số ít các diễn viên thành công ở cả ba mảng kịch nói, truyền hình và điện ảnh. Những năm gần đây, khán giả thường xuyên thấy sao phim Mùi ngò gai xuất hiện trong nhiều dự án phim ảnh, một số cho rằng bà không còn quá mặn mà với sân khấu.
Về điều này, nữ nghệ sĩ phủ nhận: "Thật ra hàng tuần tôi vẫn xuất hiện ở sân khấu IDECAF diễn vở Ngôi nhà không có đàn ông, hoặc nửa tháng thì tôi lại diễn Người lạ, người thương, rồi người dưng - những tác phẩm của đạo diễn Vũ Minh. Có lẽ những tác phẩm phim ảnh tạo được tiếng vang lớn nên khán giả chú ý nhiều, ví dụ như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Nhà không bán và gần nhất là Hạnh phúc máu. Đầu năm nay tôi cũng xuất hiện trên phim truyền hình Nhà mình lạ lắm. Vậy nên nhiều người nghĩ Kim Xuân tập trung mảng điện ảnh, truyền hình nhiều hơn sân khấu, nhưng thật ra tôi vẫn về làm việc với sân khấu".
Nói đến cơ duyên tham gia vở Mình nói chuyện mình, diễn viên Dù gió có thổi cho biết bà không nghĩ sẽ có dự án này của Hồng Ánh, hơi đột xuất trong thời điểm này. "Hồng Ánh gọi điện nói chị ơi em có dự án này thuộc dạng kịch thể nghiệm, của đạo diễn Đoàn Khoa. Đầu tiên, nghe tên Đoàn Khoa, tôi biết rằng lâu lâu Đoàn Khoa mới làm, khi mà Khoa làm sẽ thú vị. TP.HCM là một nơi hết sức phong phú về nhiều mặt, nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí, cần thể loại nào cũng có từ kịch bình dân đến kịch mang hơi hướng nhân văn. Tôi nghĩ loại kịch thể nghiệm mà Hồng Ánh sản xuất sẽ thêm một món ăn lạ cho người Sài Gòn, để người ta thấy rằng ngoài phòng trà, sân khấu ca nhạc, cải lương, chúng ta còn có sân khấu kịch, đặc biệt là thêm dạng thể nghiệm này", bà chia sẻ.
Theo NSND Kim Xuân, có thể khi nghe đến dạng kịch thể nghiệm, nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy lạ lẫm nhưng thể loại này đã có ở TP.HCM từ lâu. Bà kể ngày trước, nói đến kịch thể nghiệm, sân khấu 5B là một điểm rực sáng. "Nó sáng đến mức mà bản thân tôi đã đóng những vở thể nghiệm tương tác trực tiếp với khán giả luôn. Dạ cổ hoài lang cũng là một dạng thể nghiệm, tức là chỉ có một cái bục ở giữa, khán giả sẽ ngồi vòng quanh. Ở bên đó ngày trước còn không có micro nữa, người diễn viên phải dùng lực thật của mình", nghệ sĩ 5X nhớ lại.
Bà tâm sự mình đã quen với dòng kịch này từ lâu, nhưng giới trẻ thời đó bây giờ đã thành người trung niên. Vậy nên, nếu nhiều bạn trẻ cảm thấy xa lạ thì những người có trách nhiệm phải xin lỗi, vì đã không duy trì được thể loại này để khán giả được thưởng thức.
"Ở nước ngoài, sân khấu thể nghiệm rất nhiều, trong một thành phố có vài sân khấu lớn, còn lại có đến mấy trăm sân khấu thể nghiệm, có những nơi chỉ có vài chục ghế. Ở đó, người ta diễn Romeo và Juliet, Hamlet và các vở nổi tiếng theo một kiểu khác, với suy nghĩ riêng của đạo diễn, khi xem, não của khán giả phải làm việc liên tục. Bởi vậy tôi thương Sài Gòn lắm, nó có nhiều thứ nhưng đôi khi người ta tưởng nó đi theo sau thôi. Thể nghiệm đã có ở đây mấy chục năm rồi, lâu lâu Đoàn Khoa muốn khơi lại thì chúng tôi rất hào hứng để gửi đến khán giả", NSND Kim Xuân nói.
Ngôi sao kỳ cựu cho rằng đối với kịch thể nghiệm, tiếng nói sân khấu là yếu tố cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải trau chuốt về đài từ, thậm chí khiến các diễn viên đã từng tham gia sân khấu kịch phải coi lại về đài từ. Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Tham gia kịch thể nghiệm, tôi giống như cá gặp nước. Mình như được "chơi" với nghề, đúng là lao động thì phải vất vả nhưng tôi cảm thấy sung sướng trong sự lao động ấy, đó là niềm đam mê của tôi".
Đề cập đến câu chuyện nhiều sân khấu phải đóng cửa sau đại dịch, đồng thời một số sân khấu mới cũng đang "rục rịch" tiếp cận khán giả, NSND Kim Xuân không ngần ngại bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã và đang cố gắng duy trì loại hình nghệ thuật này. Bà nói: "Tôi muốn nói một câu thế này: Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, những ai làm sân khấu, những diễn viên cộng tác với sân khấu, những tác giả viết kịch cho sân khấu, những người mà đem sân khấu đến khán giả…".
Bà bộc bạch cơ sở vật chất ở sân khấu không có nhiều. Khán giả cũng thừa biết điện ảnh, phim truyền hình, quảng cáo, sitcom… đem lại lợi nhuận nhanh chóng. "Trong khi ở sân khấu phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, hà cớ gì một cô giám đốc sản xuất như Hồng Ánh phải bỏ số tiền không nhỏ để làm một vở này, nó chỉ có tính thời vụ, chúng tôi sẽ diễn có 4-5 buổi thôi và cũng không có một sân khấu cố định. Vấn đề là muốn cho khán giả nhìn thấy những điều mà mình cảm thấy thích, thú vị, muốn khán giả cũng đón nhận được điều đó. Tôi cảm ơn vô cùng những người đang công tác trong ngành sân khấu", NSND Kim Xuân nói.
Bình luận (0)