Từ một cô gái 19 tuổi mê diễn xuất, đến nay chị đã đi diễn ròng rã 45 năm. Cuối tháng 8.2019, chị được trao tặng danh hiệu NSND, chị nghĩ gì về một hành trình dài theo nghề?

Năm 1976, tôi bước vào nghề lúc 19 tuổi, thi đậu vào đoàn kịch Cửu Long Giang sau khi tốt nghiệp khóa diễn xuất ở trường đào tạo sân khấu - điện ảnh cho các diễn viên quần chúng, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đến lúc mình được trao tặng danh hiệu NSND. Từ lúc còn bé, xem phim, nhìn những dòng chữ chạy cuối phim thấy tên các nghệ sĩ NSND, tôi cũng mơ nhưng cứ nghĩ là một câu chuyện xa vời lắm đối với mình. Nhưng quả thật, nghề gì cũng thế, mình cứ làm hết sức đi, rồi sẽ được đền đáp. Tôi cứ như con ong thợ cần mẫn, việc đến thì làm và làm hết mình. Từ kịch đến phim, tôi chẳng phân biệt vai lớn - nhỏ, chỉ biết sống chết với nó. Trong nghề này, bước lên đỉnh cao đã khó, giữ vững phong độ đó càng khó hơn. Gia đình tôi rất trân trọng danh hiệu NSND mà tôi được Nhà nước phong tặng, vì đó là cả một chặng đường dài gian khó mà cả nhà tôi gồm chồng, con trai, con dâu, các em gái và các cháu... đã luôn kề vai sát cánh, cùng nỗ lực để dìu dắt nhau trong những lúc khó khăn. Vì thế, đó xem như là một phần thưởng rất thiêng liêng đối với cuộc đời tôi.

Trong cả chặng đường dài đó, có lúc nào chị cảm thấy nặng lòng muốn bỏ cuộc?

Chỉ một lần. Vào những năm 1988-1991, ai cũng cảm thấy khó khăn. Lúc đó tôi đã vào nghề được 5 năm. Đầu tiên tôi vào đoàn kịch Cửu Long Giang, tiếp là đoàn kịch Bông Hồng, sau về đoàn kịch trẻ TP.HCM một thời gian; rồi đi tấu hài với danh hài Bảo Quốc. Lúc đó kinh tế gia đình tôi thiếu hụt, diễn kịch ở sân khấu Bông Hồng không có bao nhiêu tiền, được anh Bảo Quốc “vớt” vào nhóm tấu hài của anh chạy sô để kiếm sống, tôi thấy mừng vô cùng, vì thời đó tự nhiên tấu hài rộ lên, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng thật sự đó không phải là đam mê của tôi. Lúc đó sân khấu 5B Võ Văn Tần gọi tôi về để làm vở Cõi tình, phối hợp với đạo diễn Bạch Lan của đoàn kịch trẻ TP.HCM dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần đầu tiên ở Quảng Ninh (Huỳnh Phúc Điền lúc đó là tác giả kịch bản). Nhận ra diễn chính kịch mới là khát khao trong tim của mình, nên tôi đã quay về và đi theo sân khấu kịch dài luôn.

Nghĩ lại thời điểm 3-4 năm vất vả đó, tôi cứ đau đáu trong lòng muốn kiếm một nghề nào đó không phải là sở trường, nhưng nó nuôi được cái sở trường của mình. Tôi đã mở một sạp bán quần áo ở ngoài chợ Thiếc, cũng chẳng nghĩ đến sĩ diện của người nghệ sĩ bởi mình làm ăn lương thiện mà, chỉ mong buôn bán được đồng nào hay đồng nấy để còn nuôi được gia đình. Ngoài buôn bán, may sao tôi còn được mời đi đóng phim chiếu rạp, dạng video thập niên 1990. Có ngày tôi đi quay ở Sài Gòn từ sáng đến 2 giờ khuya, vừa xong cảnh là chồng tới đón tôi, chở ra Bến xe miền Đông để tôi bắt xe đi lên Đà Lạt đóng phim tiếp; tới nơi là 7-8 giờ sáng, bỏ túi đồ xuống là tôi đến ngay trường quay. Lúc đó quay phim Ngôi sao cô đơn (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đông Thức) có ca sĩ Phương Thảo, diễn viên Lê Tuấn Anh đóng vai chính. Cả 2 ngày tôi không biết ngủ là gì, cứ đi làm suốt, liên tục; chỉ nghĩ sao mong có được tài chính để lo cho gia đình mà không phải bỏ cái nghề mà mình đam mê trên sân khấu kịch. 

Lúc đó thời gian chăm sóc chồng con ít, tiền lại không kiếm được bao nhiêu, chắc sự day dứt trong chị lớn lắm? Vì nhiều người cũng nói ban đầu gia đình chồng cũng chưa thích cô con dâu làm nghề diễn viên?

Gia đình chồng chấp nhận con người tôi, nhưng cái nghề của tôi thì họ có chút lăn tăn. Sau đó, do cách tôi sống, cách vợ chồng tôi quý thương nhau đã khiến cho gia đình chồng chấp nhận và hãnh diện. Ba mẹ chồng giờ mất rồi, nhưng khi còn sống họ rất tự hào nói với bà con chòm xóm: “Con dâu tôi là diễn viên Kim Xuân đó!”. Nếu có tiếc nuối thì tôi thấy có lúc mình chưa toàn tâm toàn ý với gia đình, nhưng với sự nghiệp tôi thấy mình đã hết lòng. Vì mải mê với công việc nên tôi chỉ sinh đứa con trai duy nhất là Huy Luân (hiện là ca sĩ có tiếng tại các phòng trà – PV). Tôi rất mê con gái, nên tôi nghĩ nếu mình có thêm bé gái nữa sẽ trọn vẹn hơn...

Điều gì khiến một người ngoại đạo như chồng chị lại gắn bó lâu dài với một người vợ là nghệ sĩ như chị, và ngược lại?

Tôi quen anh ấy qua lớp văn nghệ quần chúng khi cả hai học chung. Năm 1976, anh học lớp biên kịch ở Nhà nghệ thuật quần chúng (11 Công Trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM) do công ty cử đi để về lo phong trào văn nghệ, còn tôi thì học lớp diễn viên. Nhưng khi ra trường, anh lại đóng vai chính trong vở kịch tốt nghiệp cùng tôi. Biết nhau từ đó, rồi tôi theo tiếp nghề diễn viên, còn anh về làm công việc hành chính - kế toán ở công ty Bến Thành Tourist. Chúng tôi ở cùng thành phố nhưng không có thời gian gặp nhau, chỉ thư từ qua lại suốt mấy năm sau rồi mới cưới. Sống với nhau từng ấy năm, tôi nhận ra và hiểu: đàn ông gốc miền Trung họ cộc tính, ít nói nhưng bản chất rất hiền và thương vợ con cực kỳ, lo lắng mọi thứ trong nhà. Đáng lẽ nghệ sĩ như tôi thì sẽ thích những lời văn hoa nhưng nhờ sống với anh mà tôi không còn bay là đà nữa (cười).

Suốt bấy nhiêu năm chung sống, anh là người chở tôi đi diễn và đón về bằng xe máy (sau này con trai lớn lên thì có phụ chở, nhưng rồi con trai lấy vợ thì anh lại tiếp tục đưa đón vợ). Ngày 4.2 năm nay là kỷ niệm 40 năm ngày cưới, nhưng chưa bao giờ chúng tôi tổ chức gì cả vì tính ông xã tôi không thích rình rang. Tôi thấy 40 năm mình ở cạnh một người đàn ông, đúng thật là không phải lúc nào cũng vui đâu, nhưng rồi tôi nghĩ rồi sẽ đến một lúc nào đó về già, trên chiếc giường mình nằm sẽ chỉ còn một mình mình, điều đó kinh khủng lắm. Nên lúc nào tôi cũng thấy thương gia đình, thấy mình đã có được hạnh phúc hơn rất nhiều người, đang được chồng, con thương thì hãy vui với điều đó. 

Để có được vị trí, tên tuổi như ngày hôm nay, chị nghĩ là do có năng khiếu trời cho hay gặp may mắn?

Tôi vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn về mình trong nghề, không phải tôi tham vọng đâu. Khi tôi làm giám khảo giải thưởng điện ảnh Ngôi sao xanh, ngồi xem để chấm diễn xuất của các diễn viên trẻ, đến một phân cảnh của Ninh Dương Lan Ngọc trong Gái già lắm chiêu 2, tôi thích lắm. Hay coi Hai Phượng, ai nói Ngô Thanh Vân diễn không hay, chứ tôi thấy đầy cảm xúc ở từng chi tiết tâm lý người mẹ thương con, đi tìm con bị bọn buôn người bắt cóc, hay những trường đoạn đánh đấm máu lửa. Thế nên nhìn lại mình, tôi nghĩ người ta thương vì mình đóng quá nhiều vở kịch trên sân khấu, phim điện ảnh, truyền hình, lại đóng lâu năm nữa; chứ bản thân tôi còn cần phải học, trau dồi nữa bởi các em giờ diễn quá tốt. 

Tôi không có theo thời đâu, nhưng tết vừa rồi xem Bố già của Trấn Thành, thấy các em diễn rất “đời”, đi vào lòng người. Hổm rày tôi xem phim Hạ cánh nơi anh của Hàn Quốc, tôi thấy kịch bản phim bình thường, nhưng hai diễn viên chính lại diễn quá duyên dáng, sâu sắc lắm. Vì thế, tôi còn phải học diễn xuất cả đời.

Chị là nghệ sĩ đầu tiên ở tuổi trên 60 mà vẫn nhận được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh. Chị cũng cạnh tranh công bằng và đâu có thua kém gì?

Tháng 10.2019, tôi thấy rất vui, hạnh phúc khi đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Viet Film Fest 2019 (Đại hội Điện ảnh VN quốc tế) diễn ra tại Mỹ qua vai người mẹ trong phim chiếu rạp Có căn nhà nằm nghe nắng mưa của đạo diễn Mai Thế Hiệp. Trước đó, vai diễn này cũng giúp tôi giành giải tương tự của Hội Điện ảnh TP.HCM. Năm 2019 tôi cũng có thêm niềm vui khi bộ phim truyền hình Tình mẫu tử của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường mà tôi đóng vai chính rất được khán giả yêu thích. Tôi tin mình cứ lao động hết mình thì sẽ được công nhận. 

Hiện tại chị có nhận được nhiều lời mời đóng phim không? 

Truyền hình thì tôi mới đóng 1 phim là Yêu trong đau thương của đạo diễn Chu Thiện. Tôi cũng mới từ chối 1 phim điện ảnh vì thấy vai diễn “chưa đã”, do hàng tuần tôi còn kẹt lịch diễn 2 vở kịch trên sân khấu IDECAF nữa. Hiện tôi đang rất hào hứng với vai trò dẫn chương trình một talkshow về nông dân (dẫn chung với NSƯT, đạo diễn Nguyễn Thành Vinh), sẽ phát sóng mỗi ngày 10 phút trên Đài PT-TH Vĩnh Long. Tôi thích chương trình này lắm vì được mở mang đầu óc khi trò chuyện, tâm tình về quá trình khởi nghiệp của những người nông dân rất giỏi giang, thành công, được gọi là “Vua lúa gạo”, “Vua thanh long”…  



Báo Thanh Niên
01.03.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.