Không còn áp lực nhiều trước những vấn đề thời cuộc
* Xin chào NSND Lê Khanh! Đã lâu rồi mới tái xuất phim truyền hình trong dự án Nơi giấc mơ tìm về, bà có thể chia sẻ một chút về vai diễn này?
- NSND Lê Khanh: Tôi hay nói vui là bây giờ được "lên đai", tức là không còn gái già nữa mà thành bà già, lên chức bà nội. Vai này dung hòa giữa sêri phim Vũ trụ gái già của nghệ thuật điện ảnh làm ở phía nam và những vai quá khứ mà tôi từng đóng. Bà Lan là một nhân vật khá gần gũi với người bà, người mẹ ở đời thường, luôn mơ ước cho con cháu mình trưởng thành nhưng lại thích kiểm soát và làm theo ý mình. Nhân vật bà Lan có hai thái cực, là doanh nhân thì bà Lan có phần quyết đoán, sắc sảo, bản lĩnh của một người nam giới. Khi là người bà, hay người mẹ nuôi dạy Gia An khôn lớn thì bà Lan lại vô cùng mềm yếu, nền nã, trách nhiệm của người phụ nữ truyền thống.
* Bà Lan trong phim có điểm nào giống và khác so với Lê Khanh ngoài đời?
- Đối với người diễn viên, mọi vai diễn đều có một phần sự thật của bản thân trong đó. Nếu không nhân vật chỉ là kết quả của kỹ thuật diễn xuất, là sự giả vờ hoặc minh họa mà thôi. Phần nam tính của nhân vật bà Lan, tôi phải sáng tạo qua sự quan sát và tích lũy cuộc sống. Phần nữ tính tôi lấy chất liệu từ bản thân nên bà Lan vừa giống lại vừa khác.
* Tạo hình của NSND Lê Khanh trong phim này gây bàn tán khi khán giả cho rằng bà trang điểm "nặng tay", đôi mắt mờ đục, khuôn mặt trắng bệch. Bà nói gì về điều này?
- Bà Lan là một người phụ nữ có tuổi, sức khỏe không được tốt lắm, thường xuyên ốm đau. Ngoài ra, nhân vật bà Lan là người phụ nữ quyền lực, tính cách khá bảo thủ nên cách trang điểm cũng cần sắc sảo. Nhân vật bà Lan là mô típ về một nữ doanh nhân hiện đại, nên ê kíp sáng tạo đã chọn tóc ngắn là phù hợp với tính cách quyết đoán, năng động. Ê kíp không định tạo hình một nữ doanh nhân truyền thống. Việc cảm nhận như thế nào là của khán giả, mình cần tôn trọng và xin phép không có bình luận gì.
Thăm nhà người nổi tiếng: Biệt thự ‘xanh’ của NSND Lê Khanh
* Là một nghệ sĩ gạo cội, bà có thoải mái khi đến tham gia casting phim hay đều là những vai diễn được đạo diễn mời?
- Tôi từng thành công nhờ casting, như phim của anh Trần Anh Hùng. Nếu không đi casting, tôi sẽ không được làm việc với một người đạo diễn tài giỏi như thế, sẽ không có bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng. Chính vì không ngần ngại, muốn khám phá người đạo diễn tài năng ra sao, muốn được thử phong cách mới mà tôi có một vai diễn hay. Tôi nghĩ nếu muốn được đóng một bộ phim mình thích thì đừng ngại casting. Còn phần lớn các đạo diễn ở Việt Nam đều quen mặt tôi, biết tên nhau từ chục năm nay rồi nên gần như khi các bạn làm phim thì cũng hình dung ra nhân vật của mình hướng tới ai.
* Nhiều người ví NSND Lê Khanh là biểu tượng sắc đẹp của người phụ nữ Hà Nội. Điều đó có khiến bà áp lực giữ nhan sắc cũng như luôn phải xuất hiện chỉn chu trước mọi người không?
- Tôi không để ý đến những việc đấy đâu. Tôi ăn mặc quần áo đầy đủ và theo sở thích của mình. Còn khi đi đến sự kiện hay chương trình nào đó, tùy theo mức độ mà mình ăn mặc sao cho tôn trọng sự kiện. Ngoài đời thì tôi thoải mái theo phong cách của mình, không bị áp lực theo xu hướng thời đại. Tôi là người phụ nữ trung tuổi rồi, không còn áp lực gì nhiều trước vấn đề thời cuộc. Ở tuổi này rồi nên tôi sống theo cảm xúc, làm điều mình thích. Mình có cuộc sống riêng nên không phải chạy theo bất cứ xu hướng nào.
Khán giả quở trách nghệ sĩ là vì họ buồn, tiếc cho tình yêu và niềm của họ
* Khi khán giả quá quen với một Lê Khanh là người phụ nữ Hà Nội truyền thống, việc thay đổi ngoại hình qua các bộ phim, các vai diễn, bà có sợ khán giả khó chấp nhận?
- Khán giả bày tỏ quan điểm là do yêu quý nghệ sĩ. Còn trong nghệ thuật, tôi nghĩ mình cần sáng tạo. Bởi một năm, nếu có sức khỏe và thời gian thì tôi có thể hóa thân vào 2-3 nhân vật khác nhau. Nếu lúc nào tôi cũng chỉ có một hình ảnh người phụ nữ Hà Nội thì chẳng có vai diễn mới. Không phải phim nào cũng có nhân vật giống nhau, bởi mỗi nhân vật đều có cái đẹp riêng. Tôi là một diễn viên chuyên nghiệp, cuộc đời và nhân vật khác nhau hoàn toàn. Ở mỗi nhân vật, mình phải có một hình hài mới, phong cách mới sao cho phù hợp với tính cách.
Ví dụ như phim Gái già lắm chiêu 3 và Gái già lắm chiêu 5, tôi vẫn là một người phụ nữ quyền lực, có gia thế. Nhưng Thái Tuyết Mai của Gái già lắm chiêu 3 mang thần thái của người phụ nữ quyền lực, dù vậy, cô ấy vẫn rất truyền thống, tóc búi cao, thần thái nhẹ nhàng. Còn Lý Lệ Hà của Gái già lắm chiêu 5 lại có thần thái hoàn toàn khác, có chút Âu hóa. Nếu không muốn khán giả thấy sự trùng lặp, liên tưởng về hình ảnh Thái Tuyết Mai thì tôi phải thay đổi hình dáng bên ngoài, phải tạo hình hoàn toàn khác. Những sự thay đổi đó sẽ không còn là Lê Khanh của Hà Nội nữa bởi nếu cứ giữ khư khư hình ảnh của mình thì không còn là nhân vật.
* Ngày xưa, nghệ sĩ rất được yêu thương nhưng với trường hợp một số nghệ sĩ vướng scandal, vòng lao lý, tệ nạn khiến khán giả không còn coi trọng nghệ sĩ như trước. Bản thân bà có thấy bị chạnh lòng?
- Tôi nghĩ khi đã đi theo nghề này thì phải xác định đối diện với việc khán giả luôn đòi hỏi sự hoàn thiện ở người nghệ sĩ. Đây là chuyện rất hiển nhiên mà người nghệ sĩ phải chấp nhận. Nếu nghệ sĩ nào bằng tài năng của mình, chinh phục được trái tim của khán giả, thậm chí trở thành thần tượng của khán giả thì phải cố gắng gìn giữ. Khán giả tỏ thái độ, quở trách có thể là vì yêu quý quá mà họ buồn, họ tiếc cho tình yêu và lòng tin của họ. Tuy nhiên, nghệ sĩ cũng là con người nên sẽ không tránh khỏi những sơ sẩy. Nhưng tôi tin sau những lần như vậy thì nghệ sĩ sẽ biết rút kinh nghiệm hơn, biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mình đã đạt được.
* Ngày nay từ "nghệ sĩ" được dùng tràn lan, nhiều người không hiểu đâu mới đúng là nghệ sĩ. Điều đó có khiến những người làm nghề chân chính buồn lòng?
- Hiện nay, nhờ sự phát triển của mạng xã hội người ta có thể trở thành nghệ sĩ ở bất cứ tình huống nào. Mình phải đối diện với điều đó vì đó là sự phát triển của công nghệ, xã hội. Như ngày xưa, không ít người nói hình thức múa đương đại là quái đản, là phá múa. Nhưng bây giờ múa đương đại là khái niệm quen thuộc ở Việt Nam. Hay nhạc rap, nhảy hiphop trước đây cũng không được đánh giá tốt nhưng dần dần thì họ cũng phải công nhận đó là thể loại có chất riêng của giới trẻ.
Cái mới bao giờ cũng không dễ được chấp nhận mà cần có thời gian để sàng lọc. Cái gì phù hợp thì sẽ được khán giả chấp nhận. Cái gì không phù hợp, tự nó sẽ biến mất. Tôi chỉ hy vọng dù với hình thức nào thì người nghệ sĩ nếu đã nhận được sự yêu mến, tức là có vị trí và chấp nhận trong lòng khán giả thì hãy trở thành những nhà văn hóa. Khi đã được chấp nhận thì chúng ta phải làm cho nó đẹp hơn, chuyên nghiệp và chú tâm hơn vào giá trị đem lại cho cộng đồng, cho công chúng.
* Bất cứ ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng, nghệ sĩ có nên kể khổ, than vãn với khán giả?
- Tôi không có quyền nói nên hay không nên vì đó là quyền cá nhân của mỗi người. Bây giờ tôi thấy mọi người đều không ngần ngại đưa mọi thứ lên mạng xã hội. Đây là sân chơi mở, người ta tâm sự, gửi vào đó cá tính của mình, có người thích hoặc không thích. Mình phải chấp nhận chuyện khi đã chia sẻ công khai thì sẽ được nghe phản hồi công khai. Tôi nghĩ đó là cuộc sống và khi chơi mạng xã hội thì phải chấp nhận. Mỗi khi mình chia sẻ gì đó, trước khi bấm đăng đều có mục công khai hoặc riêng tư, mình có quyền lựa chọn mà. Khi đã công khai thì phải chấp nhận đọc những bình luận công khai, còn nếu không muốn thì đừng chia sẻ. Còn chuyện than thở cũng vậy, nó là quyền cá nhân. Nếu bạn không thích thì cũng có quyền không xem.
* Xin cảm ơn NSND Lê Khanh về những chia sẻ!
Bình luận (0)