NSND Ngọc Giàu: Tuổi thơ tôi không có trường để học

04/04/2017 11:35 GMT+7

NSND Ngọc Giàu có một tuổi thơ thật nghèo và buồn. Nhưng đó cũng chính là động lực để bà vươn lên.

Bây giờ mỗi lần ngồi nhớ lại kỷ niệm xưa, bà vừa muốn khóc nhưng lại rất vui. Đặc biệt, bà có lối kể chuyện sinh động và duyên dáng vô cùng. Ngồi nghe bà nói, ai cũng thấy thú vị…
Tuổi thơ không có trường để học
Nhà của Ngọc Giàu ở Thủ Thiêm (TP.HCM), thuộc hàng nghèo rớt mồng tơi, nên bà không được đến trường đi học như bạn bè trang lứa. Bà thèm chữ vô cùng, đánh liều nói với cha: “Cha! Cha cho con đi học nghen!”. Ông già giãy nãy: “Cơm còn không đủ ăn, đi học gì mậy!”. Bà trả lời: “Học để biết chữ chớ cha”. “Biết chữ chi mậy?”. “Để tui đọc báo chớ!”. “Hứ, con này trả treo! Học hành gì, tao lo kiếm cơm gần chết nuôi tụi bây…”. Ông già nói cứng vậy nhưng Ngọc Giàu thấy gương mặt ông buồn buồn. Thực sự có cha mẹ nào muốn con dốt đâu, nhưng hoàn cảnh nhà nghèo đành phải chịu…
Nhưng Ngọc Giàu không cam chịu vì thèm học chữ quá rồi. Thế là Ngọc Giàu một mình tới nhà thờ, chỗ có trường học của mấy dì phước (ma-sơ), bước vô nói: “Thưa dì, cho con xin đi học”. Bà kể hồi đó các nhà thờ Công giáo thường có trường học phổ thông do các ma-sơ mở ra và quản lý. Có hai dạng trường, một là trường bình thường, dạy theo chương trình của nhà nước dành cho con em tín đồ, hoặc người bên ngoài muốn học cũng được. Dạng thứ hai dành cho trẻ em nghèo, dạy miễn phí như kiểu “lớp học tình thương” bây giờ. "Hồi đó cũng không có thủ tục rườm rà gì hết, chỉ cần người nói xin vô là vô học ngay. Xin hôm trước, thì hôm sau đã ngồi trong lớp, hoặc có khi vô ngồi liền. Tôi không có trường để học. Nhưng nhà thờ Thủ Thiêm chính là “trường học” của tôi”, Ngọc Giàu kể.
Hỏi kỷ niệm thuở nhỏ, Ngọc Giàu cười tít mắt: “Không biết sao nhà nghèo tới nỗi chuối cũng không có mà ăn. Ta nói thèm chuối kinh khủng. Thế là cứ buổi trưa, ông cha (linh mục) trong nhà thờ đi ăn cơm, tôi xin vô đánh chuông giùm cho cha. Cha ăn cơm xong, trở xuống, thưởng công tôi trái chuối. Trưa nào cũng ngồi đánh chuông để được trái chuối đó”. Mấy chục năm sau, Ngọc Giàu trở thành “ngôi sao” cải lương, lên xe xuống ngựa, bà trở lại thăm nhà thờ Thủ Thiêm, thăm vị linh mục già đã hơn 70 tuổi. Bà rưng rưng: “Cha có nhớ con không?”. Linh mục không nhớ. Ngọc Giàu nhắc lại kỷ niệm đánh chuông và trái chuối. Vị linh mục ngờ ngợ và chỉ biết mỉm cười.
NSND Ngọc Giàu
Ngọc Giàu học trường ma-sơ đến lớp 5 (hồi ấy gọi là lớp Nhất) thì nghỉ. Nghỉ với một lý do thiệt là… trẻ con. Hồi xưa con nít nông thôn thường hay bị chí (chấy) đầy trên tóc. Ngọc Giàu cũng không ngoại lệ. Mẹ của bà bắt chí hoài không hết, tức quá, một hôm lấy dao gọt sạch tóc của con. Thế là Ngọc Giàu đi học phải trùm cái khăn. Bữa đó vô lớp, rủi sao Ngọc Giàu làm bài không được, lén lén nhìn qua tập của nhỏ bạn kế bên, bị sơ bắt gặp. Sơ kêu lột cái khăn trùm đầu ra coi có “phao” hay không, rồi tiện tay lấy cây thước gõ lên đầu Ngọc Giàu một cái. Cô bé vừa đau vừa buồn vừa tức. Vậy là nghỉ học luôn. Và từ khi rời xa mái trường, bà bước chân vào gánh hát, đi khắp nơi như cánh bèo nhỏ trôi theo dòng đời…
Cô đào chánh thèm ăn vú sữa
13 tuổi, Ngọc Giàu đã là đào chánh của gánh cải lương lừng lẫy Kim Chưởng. Bà về hát thay cho cô đào tài sắc Út Bạch Lan. Út Bạch Lan thành hôn với Thành Được, và cặp đôi này tách ra tự mở gánh riêng cho mình. Bà bầu Kim Chưởng tất tả đi săn lùng cô đào khác thay thế Út Bạch Lan. Không ngờ cô bé Ngọc Giàu non choẹt lại lên ngôi, bởi giọng ca đẹp như nhung căng lụa trải. Ký hợp đồng cái rẹt là 50 cây vàng, chưa kể tiền cát-sê hằng đêm rất cao, nhưng khổ thay, ông anh của Ngọc Giàu đã gom hết tiền hợp đồng lẫn cát-sê, bảo là đem về cất nhà cho cha. Ngọc Giàu dặn: “Anh nhớ đem về cho cha nghen!”. Ông anh nạt: “Mầy con nít, còn dạy tao quản lý tiền bạc hả. Đừng có lo, tao lo xong hết”.
Thế là Ngọc Giàu ở lại gánh hát với cái túi rỗng không. Bà nhớ lại: “Trong gánh có một chị nọ mỗi lần mua vú sữa là một thúng bự, rồi lấy tay lăn lăn cho trái vú sữa mềm ra, xong há miệng hút rẹt rẹt, ngon gì đâu á. Tôi ngồi coi, nước miếng chảy ực ực. Tôi thèm quá trời mà không có tiền mua. Tôi bèn chắp tay vái: “Xin trời phật phù hộ cho con mai mốt lấy ông chồng thiệt giàu, để ổng mua vú sữa cho con ăn”. Trời ơi, sao hồi đó mình con nít dữ vậy, tới nỗi muốn ăn vú sữa mà phải đợi có chồng giàu mới được. Tuổi 13 thơ ngây giờ nhớ lại thật là dễ thương".
Giờ Ngọc Giàu đã hơn 70 tuổi. Gặp bà ở Hội Sân khấu TP.HCM, bà ngẫu hứng mới kể chuyện này cho nghe. Bà cười: “Tại thấy mấy trái vú sữa ai để trên bàn mới sực nhớ mà kể đó chớ. Từ vú sữa, nhớ luôn vụ trái chuối ở trường bà sơ. Bây giờ tôi thương con nít lắm, thấy đứa nào là mua đồ cho ăn. Tại mình nhớ lại tuổi thơ của mình quá khổ. Thực sự con nít cần được ăn nhiều, ăn đủ chất, thì nó cao lớn và thông minh. Trẻ em là tương lai đất nước mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.