“Ai trong đời cũng có một ký ức tuổi thơ để nhớ và hoài niệm, tôi cũng vậy thôi”, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu nhẹ nhàng mở đầu câu chuyện bằng những năm tháng ở vùng bưng giải phóng khi 6 - 7 tuổi. Ông kể tiếp: “Nhà có 3 anh em, cha mẹ ngẫu hứng đặt tên Cam, Khổ, Sở. Theo thứ tự sắp đặt, tên cúng cơm của tôi là Ngọc Cam chứ không phải Ngọc Giàu, còn hai em là Ngọc Khổ và Ngọc Sở thì đã mất sớm từ nhỏ. Tới lúc học lớp nhất, người bà con khi đi làm giấy khai sinh đặt lại tên cho tôi là Ngọc Giàu và lấy theo họ Trần của mẹ (do ba tôi đi kháng chiến và là liệt sĩ) nên mới có cái tên... đại gia cho đến giờ.

Nhớ những năm 1967 - 1968, vùng tôi ở kinh tế trù phú nên các đoàn cải lương, hát bội thi nhau tụ hội về đông vui lắm. Tôi khăn gói đi xem, rồi về nhà tập diễn tuồng lại cho mẹ và mấy bà hàng xóm xung quanh thưởng thức. Và từ những vai ngô nghê đầu đời ấy, máu sân khấu cứ ngấm dần vào tôi. Tự mình mày mò viết kịch bản, thậm chí đến thời trung học, tôi dám chuyển thể cả tiểu thuyết Ngựa chứng trong sân trường của Duyên Anh để dàn dựng cho các bạn học trong trường THPT tham gia dự thi ở các hội diễn và rinh giải thưởng. Nhờ vậy, tôi ham đọc sách, thu nạp nhiều kiến thức về sân khấu và nuôi dưỡng ước mơ phải học cho bằng được Trường Quốc gia âm nhạc”.

NSND Trần Ngọc Giàu (bìa phải) và NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc - Ảnh: THANH HIỆP

Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), để từ một phát thanh viên của đài huyện lại “rẽ ngang” làm thầy giáo và đào tạo nên nhiều thế hệ ngôi sao: NSND Hồng Vân, Quốc Thảo, Phước Sang, Mai Dũng, Phương Bình... Sau đó ông tiếp tục với vai trò đạo diễn “mát tay” cho hàng loạt vở diễn đình đám trên truyền hình mà đi đến đâu, tên tuổi Trần Ngọc Giàu cũng luôn được chào đón?

Trước khi làm phát thanh viên của Đài truyền thanh huyện Gò Công Đông, tôi từng kinh qua chức Trưởng đoàn Ca múa nhạc kịch thanh thiếu niên xã khi mới 18 tuổi. Thời đó, tôi hoạt động nghệ thuật năng nổ lắm. Đến năm 1978, từ giã nghề phát thanh viên “kiếm cơm”, tôi mạnh dạn lên Sài Gòn đăng ký vào học Khoa Đạo diễn Trường Nghệ thuật sân khấu 2, mở sau giải phóng. Tới năm học thứ ba thì chỉ còn lại tôi và một bạn nữa là còn bám trụ và sau này được giữ lại trường để giảng dạy. Đầu tiên, tôi về phụ giảng ở Khoa Cải lương, rồi một năm sau thì được trường thuyên chuyển về Khoa Kịch và đạo diễn và may mắn đứng lớp cho nhiều lứa diễn viên tên tuổi như nói ở trên.

Tôi nhớ những năm ấy, dù thiếu thốn đủ thứ, nhà nước ta vẫn quyết tâm đào tạo nên những lớp nghệ sĩ mới cho nền sân khấu miền Nam. Nhờ vậy mà thế hệ nghệ sĩ chúng tôi có cơ hội thử sức và phát huy được tài năng của bản thân. Giữa lúc truyền hình đang “làm mưa làm gió”, trở thành phương tiện giải trí mang tính cộng đồng duy nhất thì tôi được cô Ca Lê Hồng nhường cho kịch bản Những khoảng cách còn lại để khởi đầu cho sự nghiệp đạo diễn của mình. Ai ngờ, sự thành công của vở diễn đã tạo nên dấu ấn tên tuổi đạo diễn Trần Ngọc Giàu trong lòng khán giả. Hồi đó, chỉ cần buổi tối thứ bảy ti vi phát sóng là sáng ra mọi người đã bàn tán xôn xao. Tiếp đó là liên tục một số tác phẩm mới của tôi như Điểm hẹn vùng ven, Đối mặt (chuyển thể từ tiểu thuyết Gió không thổi từ biển của nhà văn Chu Lai)... cũng được đón nhận, khiến công việc càng ngày trở nên “thuận buồm xuôi gió”.

Ông có thể bật mí về những người thầy, người cô nào đã chắp cánh cho tài năng của ông bay cao, bay xa?

Dù đời tôi may mắn có được nhiều người đưa đò giỏi nhưng tôi luôn ghi khắc công ơn của cô Ca Lê Hồng, cô Tường Trân, thầy Thanh Hạp... luôn tạo điều kiện để tôi theo nghiệp dạy học và nghề đạo diễn. Đặc biệt, ngày xưa tôi học giỏi là nhờ thầy Lê Văn Tĩnh. Dù đôi lúc thầy rất khó và nóng tính, hay la mắng nhưng may mắn được theo thầy ráp nhạc và làm hậu đài mà tôi học hỏi rất nhiều điều. Đó là sự huấn nhục mà nếu biết chịu đựng thì khi vượt qua được, ta sẽ trưởng thành rất nhanh.

Dù là đạo diễn tên tuổi nhưng mỗi khi dàn dựng vở mới, ông có bao giờ bị áp lực bởi doanh thu phòng vé không? Và trong quá trình làm nghề, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

Mỗi một vở diễn buộc tôi phải nỗ lực, vì sân khấu phía nam thường của tư nhân phải lấy thu bù chi nên phải làm sao bán được nhiều vé để anh em có thêm thu nhập, do đó căng thẳng dữ lắm. Tôi rất mừng là những vở đầu tiên về đề tài kháng chiến tôi dựng đều “mát tay” do trong tôi hình ảnh về chiến tranh trong ký ức tuổi thơ khá nhiều.

37 năm lao động nghệ thuật, kỷ niệm chất chồng thì nhớ sao cho hết để kể, nhưng có lẽ chuyện các đoàn hát... thiếu nợ là vui nhất. Dựng vở xong, họ lưu diễn xong mấy tháng trời rồi mang về mấy chai nước mắm trả tiền công. Bí quá đến đòi nợ, trưởng đoàn dẫn đi uống bia mà vẫn không có tiền để trả mới tội. Nhờ chấp nhận cho họ thiếu nợ và siêng đi theo đoàn dàn dựng mà tôi được thỏa sức làm nghề, điều này còn có lợi hơn nhiều so với chuyện tiền bạc.

NSND Trần Ngọc Giàu (bìa trái) với đồng nghiệp NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương - Ảnh: THANH HIỆP

Tôi cũng có một câu chuyện nhớ đời với chị Lệ Thủy. Lúc dựng vở Những vì sao không tên cho sân khấu Đoàn 2-84, chị tuân thủ mọi ý kiến của tôi nhưng khi ra diễn, chị lại nói mép (ngoài kịch bản) khiến tôi thấy “nổi máu”, định giờ giải lao tới gặp trao đổi những đoạn chị thêm vào. Ai ngờ, tôi bước tới đúng lúc khán giả vây quanh chị lại khen đúng ngay chỗ ấy nên vội lẳng lặng bước đi. Vậy đó, người đạo diễn muốn giỏi phải học hỏi từ chính các diễn viên, bởi họ tiếp cận trực tiếp với khán giả nên họ biết những gì khán giả thích và không thích.

Tôi nghĩ thực ra, đạo diễn không phải là thầy của diễn viên mà chỉ đóng vai trò kết nối giữa diễn viên này và diễn viên khác, giữa âm thanh với ánh sáng và các bộ môn nghệ thuật lại với nhau.

Nếu có lời khuyên cho các thế hệ đạo diễn trẻ bây giờ, ông sẽ nói gì?

Tôi nghĩ, vốn học trong trường chỉ là khởi đầu, thực tế mới tạo ra sự thành công cho nghề. Trên tinh thần này tôi khuyên các bạn trẻ rằng: Cái gì cũng có thể làm được nếu thực sự chịu khó với nghề và chấp nhận học. Còn những đạo diễn đồng nghiệp tôi luôn không giấu dốt, mà cần học hỏi từ các nghệ sĩ đi trước, luôn xem họ là thầy và cái gì không biết thì cứ hỏi.

Không biết trong gia đình ông, các con có ai theo nghệ thuật không. Nếu được chọn lựa lần nữa ở kiếp sau, ông sẽ chọn nghề gì để gắn bó?

Hiện vợ chồng tôi có một cô con gái đang là dược sĩ và một cậu con trai vẫn muốn theo tôi để làm phim dù tôi cố hết sức ép sang nghề khác khi cháu học xong quản trị kinh doanh. Và trong số 6 phim tôi đã hoàn thành: Nhà có năm nàng tiên, Tía tôi là cao thủ, Năm sau con lại về, Cháu đích tôn độc đắc, Nàng tiên có năm nhà, Quý tử bất đắc dĩ thì có tới 4 phim do cháu viết kịch bản. Còn nếu có sự lựa chọn lại nào đó, tôi vẫn gắn bó với sân khấu vì ngoài nghề này, tôi chẳng biết mình làm được gì.

Người đời hay nói:“Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Ông có thể tiết lộ một chút về nửa kia của mình? Và nếu có tâm sự nào với vợ, NSND Trần Ngọc Giàu sẽ nói gì?

Tôi may mắn có bà xã - NSƯT Đàm Loan là người rất chịu thương chịu khó, chấp nhận lui về phía sau lo lắng tất cả cho gia đình để tôi có thời gian cống hiến cho nghệ thuật. Khi tôi và vợ lấy nhau, cô ấy nổi tiếng và có thu nhập nhiều hơn tôi đấy chứ. Vậy mà Đàm Loan vẫn chấp nhận hy sinh 5 năm đầu sau khi cưới để làm mẹ chu toàn - thời mà cô ấy sẽ phát huy được khả năng nhất. Phải nói là cô ấy đã quá dũng cảm. Đặc biệt, cô ấy luôn hiểu, thấu cảm những đặc thù công việc của tôi như thường đi đêm về khuya, giao lưu với nhiều bạn và tôi luôn biết ơn vợ vì điều này.   

Báo Thanh Niên
06.12.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.