NSND Trọng Phúc là giám khảo khách mời trong tập 4 Học viện cải lương, để cùng NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh và nghệ sĩ Thanh Hằng chọn ra những thí sinh tiếp tục đồng hành với chương trình. Trước khi thành danh với cải lương, ông là ca sĩ hát tân nhạc. Vì lẽ đó, Trọng Phúc cũng có những trải nghiệm khi thích nghi giữa các loại hình để truyền đạt cho các bạn trẻ.
Theo NSND Trọng Phúc, điều quan trọng nhất là phải học, hiểu để khi chuyển từ tân nhạc sang ca cải lương không bị “gãy”. Ông kỳ vọng các thí sinh của Học viện cải lương sẽ trau dồi các kỹ năng thi - ca - vũ - nhạc - kịch ở mức trung bình khá trở lên để sau này có thể áp dụng cho các vai diễn.
“Nghệ thuật muôn màu muôn vẻ. Nghệ sĩ hát cải lương thì không chỉ hát cải lương, chúng ta cũng cần biết hát dân ca, chèo, múa… Càng biết nhiều, chúng ta lại có cơ hội áp dụng vào các vai diễn, góp phần nâng cấp cải lương càng đẹp hơn. Bây giờ, nếu nói hát cải lương mà chỉ ca vọng cổ thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần cải cách. Chẳng hạn, một câu vọng cổ có thể kết hợp thêm tân nhạc, ca làm sao cho uyển chuyển, thật đẹp”, NSND Trọng Phúc nói.
NSND Trọng Phúc cho biết việc ông chuyển sang làm kép cải lương hết sức tình cờ. Nghệ sĩ gọi vui đây là “nghề ngang hông”. Giọng ca sinh năm 1971 không học ca cải lương chuyên nghiệp, mà có tố chất từ nhỏ. NSND Trọng Phúc cũng tin Tổ nghề đã chọn mình.
Nam nghệ sĩ nhớ lại: “Năm 2002 có cuộc thi Liên hoan Sân khấu Đồng bằng, tôi nhận lời tham gia vở Nhảy múa với quỷ dữ, do NSND Doãn Hoàng Giang dựng. Đến khi về Cần Thơ thi, nhiều đồng nghiệp hỏi tôi đi cổ vũ cho ai, ủng hộ đội nào. Tôi nói đi cổ vũ cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đến khi tôi bước lên thi hát vai chính, mọi người vỡ oà, ủng hộ nhiệt liệt. Năm đó, tôi đạt huy chương vàng, rồi liên tục được nhận vai chính sau đó”.
Trọng Phúc nhấn mạnh để theo đuổi nghề, phải biến cái học được từ các tiền bối trở thành “vốn” của riêng mình, chứ không sao chép nguyên bản. Giọng ca sinh năm 1971 tâm sự: “Khi nghe một nghệ sĩ hát, tôi sẽ liệt kê ra cái hay nhất, từ đó chọn lọc để học. Tôi cũng hay gọi vui là “ăn cắp”. Tôi là kép nhưng đều phải học một chút từ má Út Bạch Lan, cô ba Bạch Tuyết, má Ngọc Giàu, cô Diệu Hiền, cô hai Lệ Thủy… Tôi lấy tinh hoa chứ không gom hết vì sẽ vô tình biến mình thành bản sao. Nếu vậy, khán giả đâu còn cần nghe mình ca nữa”.
NSND Trọng Phúc cũng có dịp ôn lại kỷ niệm với cố NSƯT Vũ Linh - tiền bối đồng thời cũng là người cho ông nhiều ấn tượng, kinh nghiệm trên sân khấu. NSND Trọng Phúc từng đóng nhiều vai kép chính trong các tuồng cải lương. Tuy nhiên, khi đóng cùng NSƯT Vũ Linh, ông phải đóng vai phụ.
“Hình ảnh anh Vũ Linh trong tôi lúc nào cũng rất lớn. Anh là tiền bối, là người thầy, là tượng đài. Thậm chí, ở sân khấu, khi anh ấy đứng ca ngoài sân khấu, tôi đứng nép vào cánh gà xem để học từng bước đi, biểu cảm… Quay video chung với anh ấy lại càng là cơ hội tốt để học. Lúc đó, tôi nghĩ đóng cùng anh thì vai kép nhì, vai con gì cũng đều được. Anh từng thắc mắc sao tôi nhìn anh ấy hoài, tôi mới đáp rằng: Anh ca hay em mới coi chứ ca dở em coi làm gì. Em coi để học anh”, NSND Trọng Phúc kể lại.
Trong ký ức của Trọng Phúc, NSƯT Vũ Linh sau ánh đèn sân khấu quan tâm, chăm chút cho đồng nghiệp. Bình thường, giọng ca Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài dễ tính, vui vẻ. Tuy nhiên, khi vào việc, NSƯT Vũ Linh rất nghiêm khắc, thường nhắc nhở, động viên mọi người. “Đêm nào đi hát về hai anh em cũng ngồi nói chuyện, chia sẻ rất nhiều. Anh ấy khó nhưng có lý, để mong mọi người tốt hơn, công việc thuận lợi, khiến khán giả hài lòng. Mọi người cũng thấu hiểu và thấy thoải mái”, NSND Trọng Phúc nói.
Bình luận (0)