Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu hầu như người dân miền Nam nào cũng biết, bởi giọng ca Út Trà Ôn đã làm thăng hoa nó lên, biến nó thành “kinh điển”. Và ngược lại, bài vọng cổ ấy cũng làm thăng hoa tên tuổi Út Trà Ôn, một nghệ sĩ lẫy lừng được tôn là “đệ nhất danh ca” của miền Nam.
|
Đi lên từ đồng ruộng
Là con thứ mười trong một gia đình làm nông, cha mẹ mất sớm nên anh thanh niên Mười Út phải ra đồng từ 13 tuổi. Cày sâu cuốc bẫm nhọc nhằn, ông lấy ca hát làm niềm vui giữa cái nắng oi ả nơi đồng ruộng. Giọng hát ngọt ngào thiên phú của ông được bạn bè yêu thích và đến tai dân làng, nên mỗi khi có Hội cúng Kỳ Yên, Mười Út lại được ban nhạc lễ nhờ đứng ra xướng danh cho hương chức hội tề cúng lễ. Dần dần, các nhạc sư trong làng dạy cho ông học ca 20 bài bản tổ của cổ nhạc. Từ chỗ chơi đàn ca tài tử, ông tập luyện thêm cách vô câu vọng cổ, cách sắp chữ và kỹ thuật luyến láy. Mến mộ năng khiếu của chàng nông dân trẻ, có một nhà sư đã tìm tới tặng Mười Út bài vọng cổ Tôn Tẫn giả điên gồm 20 câu. Và với vốn liếng ít ỏi đó, vào năm 1937, chàng thanh niên 18 tuổi quyết định từ giã quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp, bắt đầu cho một cái tên vang dội khắp miền Nam.
Hành trang chỉ có cái nón lá, vài bộ quần áo cùng một ít bài hát trong đầu, Mười Út được giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn. Các bài Thức suốt đêm thâu, Sầu bạn chung tình và đặc biệt là Tôn Tẫn giả điên qua giọng ca truyền cảm, ấm áp đậm chất miền Tây của ông khiến thính giả say như điếu đổ và nghệ danh Út Trà Ôn cũng có từ lúc đó. Năm 1939, ông đoạt giải nhất trong cuộc thi ca cổ nhạc do hãng rượu Bình Tây tổ chức. Nhiều đoàn hát nghe danh bèn tìm mọi cách để mời ông bằng được.
Năm 1947 ông bắt đầu thu thanh cho hãng đĩa Asia. Hai bài vọng cổ Thái Sư Văn Trọng gián thập điều và Trụ Vương thiêu mình sau đó được Đài Pháp Á phát thanh, dấy lên một phong trào thưởng thức vọng cổ khắp Sài Gòn lục tỉnh. Báo chí không ngớt viết bài ngợi khen. Năm 1948, ông bầu gánh Tiến Hóa ký hợp đồng 50.000 đồng mời bằng được Út Trà Ôn về hát. Số tiền này đã lập kỷ lục trong hợp đồng nghệ thuật vào thời điểm ấy, vì bằng phân nửa giải độc đắc xổ số Đông Dương. Sau đó, ông còn hát cho nhiều đại ban khác như Mộng Vân, Thanh Minh, Thống Nhất, Dạ Lý Hương, Thủ Đô, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Thanh Hải, Kim Chung... Tiền contrat (hợp đồng) của ông tăng theo cấp số nhân, từ 50.000 đồng tăng lên 100.000, 150.000 rồi 300.000 đồng. Nhất là năm 1959, ông ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ với con số là 750.000 đồng một năm. Trong những dịp lễ tết, thù lao cho hai suất diễn một ngày của Út Trà Ôn lên tới 3.000 đồng, tương đương một cây vàng thời đó, kéo theo nhiều ngôi sao như Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Mỹ Châu... đều được hưởng contrat bạc triệu, cát sê cho mỗi suất hát bằng cả tháng lương của một công chức bình thường.
Sau 1975, ông về cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và Sân khấu 28-4 đến năm 1988 thì nghỉ. Nhưng vì nhớ nghề, ông vẫn thường tham gia làm giám khảo cho các cuộc thi tuyển cải lương ở các tỉnh và giải Trần Hữu Trang cho đến 80 tuổi, góp phần đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện, đi ca trong các chương trình gây quỹ.
Giàu sang và sa sút
Với tiền lương và ký hợp đồng cao ngất ngưởng, chưa kể thu nhập từ các hãng đĩa, NSND Út Trà Ôn từng sống như một triệu phú. Ông có biệt thự, xe hơi... đầy đủ tiện nghi. Ông còn mướn luôn tài xế lái xe, một bà đầu bếp và ba cô giúp việc chuyên nấu ăn và chăm sóc con cái. Bước ra ngoài ông luôn quần áo chỉn chu, tóc xức dầu bóng loáng, lại chơi rất mạnh tay, mua nhẫn hột xoàn 3-4 carat không một cái nhăn mặt.
Chơi thì ngông lắm, nhưng đến khi làm nghề nghệ sĩ Út Trà Ôn cũng hết mình. Xuất thân là nông dân, không biết chữ nên mỗi khi nhận vai mới thì phải có người đọc kịch bản cho ông học. Cứ đọc đi đọc lại nhiều lần cả lúc ngồi ăn cơm, hay trước khi ngủ. Vậy mà người ta thuộc tới đâu thì ông thuộc tới đó, đến khi lên tập tuồng thì nhớ vanh vách lời ca, lời thoại không vấp chữ nào đúng y như soạn giả viết. Cả diễn xuất ông cũng trôi chảy lạ kỳ. Yêu nghề nên ông không "kén" vai diễn, sẵn sàng tham gia những vai rất khác nhau, miễn là nó có cá tính, có số phận.
Nhiều người vẫn nghĩ, nghệ sĩ thường có những trục trặc về gia đình, nhất là người nổi tiếng, giàu có, được nhiều cô gái theo đuổi như Út Trà Ôn. Nhưng ông chỉ có một người vợ duy nhất trong đời. Vợ ông trước là cô giáo ở Cần Thơ, về ở với ông nhưng bà không thường ra rạp hát, chỉ ở nhà dạy con và chăm sóc ông. Sau này, khi gia đình sa sút vì làm gánh hát thua lỗ, rồi đến giai đoạn sau 1975 chỉ được nhận lương tập thể ba cọc ba đồng, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người vợ, ông thường trằn trọc không ngủ được vì xót xa ân hận. Ông an ủi vợ và cũng là tự an ủi mình: "Công chúng còn thương tôi thì sợ chi nghèo đói".
Đệ nhất danh ca và bản Tình anh bán chiếu
Soạn giả Viễn Châu sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ, thì có đến 2/3 có công truyền bá của NSND Út Trà Ôn. Trong đó có nhiều bài đã gây được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, đặc biệt là bài Tình anh bán chiếu. Chỉ có 6 câu vọng cổ, trình bày chưa đến 10 phút mà đã đưa Út Trà Ôn và Viễn Châu lên ngôi vua của làng vọng cổ.
Nội dung bài ca khá đơn giản, chỉ là tâm sự của một thanh niên làm nghề bán chiếu phải lòng một cô gái đặt mua. Khi anh trở lại giao chiếu như giao hẹn thì cô gái đã sang ngang mà có biết đâu anh bán chiếu đã thầm thương trộm nhớ. Nhưng cũng chính vì đơn giản mà dễ đi vào lòng người, nhất là nó được thể hiện qua giọng ca tuyệt vời của Út Trà Ôn. Giữa thập niên 1960, khi đĩa hát Tình anh bán chiếu được phát hành đã tạo nên một làn sóng. Bài ca thâm nhập vào mọi ngõ ngách ở miền Nam, từ các nhóm đờn ca tài tử cho đến tiểu thương, quân đội, công chức... đều mê và mang ra đến miền Trung, miền Bắc.
Sau 1975, Tình anh bán chiếu cũng vào trại học tập, cứ đến giờ nghỉ sinh hoạt là dân mê vọng cổ lại lôi ra hát và sau đó sang đến tận hải ngoại. Có lẽ hiếm ai có được làn hơi đồng pha thổ trầm ấm cùng phong cách ca ngâm độc đáo, vừa luyến láy kỹ thuật nhưng lại vừa chân phương như nghệ sĩ Út Trà Ôn. Chưa kể ông còn được xem là bậc thầy về lối hành văn, sắp chữ. Câu nhiều chữ ông ca vẫn hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Phát âm tròn vành, nhịp nhàng chắc chắn, trầm bổng rõ ràng, xứng đáng với danh hiệu “đệ nhất danh ca” miền Nam, hay “vua vọng cổ” như giới mộ điệu cải lương và các ký giả kịch trường trao tặng.
Khi đã ở tuổi 80, NSND Út Trà Ôn vẫn đi ca trong các chương trình cổ nhạc do con gái ông là nghệ sĩ Bích Phượng tổ chức. Mỗi khi gặp soạn giả Viễn Châu, ông hay khoe: “Anh Bảy, hồi trẻ tui diễn biết bao nhiêu tuồng nhưng tới tuổi này chỉ sống nhờ vào mấy câu vọng cổ Tình anh bán chiếu của anh”. Lớn tuổi, đi xa mệt, nhưng ông đâu có chịu ở nhà. Hễ tới nơi, bước lên sân khấu là ông nhất định phải ca đủ 6 câu mới chịu xuống. Nay khi ông đã qua đời, Tình anh bán chiếu vẫn sống và trở thành “đặc sản” của vùng sông nước Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Đâu đó nơi miền đất phù sa trĩu nặng vẫn còn vang lên tiếng ca như chất chứa tình yêu của người nghệ sĩ: “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”...
Út Trà Ôn (1919 - 2001) tên thật Nguyễn Thành Út, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngày nay. 70 năm theo nghề hát, ông tham gia nhiều vở cải lương như Tuyệt tình ca, Nạn con rơi, Sương khói rừng khuya, Lưu Bình Dương Lễ... và thể hiện nhiều bài vọng cổ kinh điển như Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Gánh chè khuya, Tôn Tẫn giả điên... Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997 và từ trần ngày 13.8.2001 tại TP.HCM, an táng tại chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp, hưởng thọ 82 tuổi. |
Vũ Anh
>> Vua vọng cổ
>> Cuộc thi sáng tác bài ca vọng cổ và ca khúc
>> Tới chết tôi còn viết vọng cổ
>> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 9: Viễn Châu - ông vua vọng cổ
Bình luận (0)