NSƯT Kim Tử Long khẩn thiết mong có một nhà hát dành cho cải lương

06/01/2019 10:30 GMT+7

Bàn về thực trạng của cải lương, NSƯT Kim Tử Long cho rằng nguyên nhân chính khiến cải lương không còn rực rỡ như xưa là vì không có nhà hát chuyên biệt và Nhà hát Trần Hữu Trang chỉ là 'một hội trường cao cấp'.

Trong tập đầu tiên của talkshow Chuyện cuối tuần lên sóng tối 5.1 với chủ đề "Cải lương trong dòng chảy thời đại", đạo diễn Lê Hoàng và NSƯT Kim Tử Long đã có cuộc trò chuyện khá thẳng thắn về thực trạng của bộ môn nghệ thuật lâu đời này. Kim Tử Long cho rằng thời hoàng kim của cải lương rơi vào thập niên 80. "Và nếu thời hoàng kim của cải lương là 10 thì bây giờ chỉ còn khoảng 3 - 4. Đó cũng tỷ lệ mà khán giả đến sân khấu”, anh buồn bã cho biết.
Nam nghệ sĩ cho rằng ngày nay khán giả không quay lưng lại với cải lương. Họ muốn đến nhà hát để xem nhưng ngày nay lại không có nhà hát chuyên biệt dành cho cải lương. Một số nhà hát cải lương bây giờ không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn cho bộ môn nghệ thuật cải lương về kết cấu hạ tầng, hệ thống âm thanh, ánh sáng… mà bị biến tướng thành trung tâm hội nghị tiệc cưới nên các vở cải lương cũng khó đến được công chúng. 
Đạo diễn Lê Hoàng và NSƯT Kim Tử Long tranh luận sôi nổi về nguyên nhân khiến cải lương giảm dần sức hút Ảnh: BTC
Kim Tử Long thẳng thắn: “Những vở mà tôi diễn nguyên vẹn nhất là năm 2017 với Xử án Phi Giao và Rạng Ngọc Côn Sơn. Suất diễn vở Xử án Phi Giao ở nhà hát Hòa Bình chỉ trong một đêm. Sân khấu “cháy” vé và có khán giả đến với rạp cùng tấm vé chợ đen 6 triệu đồng. Tôi nghĩ nếu vở được diễn hơn 20 chục suất, giá vé thấp hơn thì sẽ có nhiều khán giả đến được rạp xem suất diễn. Người tổ chức không bán vé giá cao sẽ không đủ trả tiền thuê rạp và những chi phí khác. Sân khấu bây giờ không đủ điều kiện cho dựng vở, ngoài rạp hát Bến Thành, Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Hòa Bình. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ là một hội trường cao cấp".
Trong khi đó, đạo diễn Lê Hoàng đặt ra vấn đề, ngoài việc thiếu nhà hát thì phải chăng cải lương "đang xuống dốc" bởi nội dung thiếu kịch tính, kịch bản sướt mướt, xa lạ với xã hội hiện đại. Giá vé một vở cải lương thấp nhất là 500.000 đồng mà muốn sinh viên học sinh đến lại càng khó khăn hơn. Phản bác lại ý kiến, NSƯT Kim Tử Long cho rằng nghệ thuật cải lương vẫn đáp ứng được thị hiếu bởi nhiều gameshow luôn lồng ghép cải lương, chăm chút cho từng tiết mục, được khán giả gọi tên, nhớ đến.
Cuộc tranh luận giữa đạo diễn Lê Hoàng và NSƯT Kim Tử Long diễn ra khá sôi nổi. Cuối cùng, cả hai cùng nêu ra 5 nguyên nhân khiến cải lương đang dần bị bóp chết, đó là soạn giả không viết cũng như đạo diễn không dàn dựng các kịch bản hiện đại, nghệ sĩ không nhiều và lấy cát-sê cao, không có rạp hát. Kim Tử Long cho rằng nhà nước hiện nay quan tâm đến sân khấu cải lương, rất muốn bảo tồn nhưng chưa tìm ra được phương hướng để sân khấu sáng đèn. Anh khẩn thiết: “Hãy cho chúng tôi một nhà hát, chỉ hát cải lương. Xã hội hóa để các đoàn bỏ tiền dựng vở, làm tác phẩm. Một vở diễn thành công thì nhà hát sẽ là nơi giới thiệu tác phẩm đến công chúng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.