(TNO) Đằng sau nụ cười hồn hậu và rạng rỡ trước công chúng, NSƯT Lê Mai đã trải qua những khúc quanh cuộc đời đầy truân chuyên, buồn tủi và nước mắt. Nhưng sau cùng, bà đã tìm được bình yên với những niềm hạnh phúc bình dị.
NSƯT Lê Mai bình yên sau những đoạn đời truân chuyên
|
Với nét diễn tự nhiên, biến hóa từ vai hiền lành đến vai sắc sảo, ghê gớm, từ kẻ ăn mày đến bà lớn, nghệ sĩ Lê Mai đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả với hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh.
Đặc biệt, vai diễn vợ ông Thứ trưởng trong bộ phim
Sau lũy tre làng của cố đạo diễn Bạch Diệp và vai diễn bà nội trong bộ phim
Bà nội không ăn pizza của
đạo diễn Khải Anh được khán giả nhớ mãi. Trước khi đến với điện ảnh và truyền hình, nghệ sĩ Lê Mai đã bén duyên với sân khấu.
Thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch
Bố của nghệ sĩ Lê Mai - nhà văn, nhà thơ Lê Đại Thanh đã hướng bà đến với nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Bà tham gia đội văn nghệ tuyên truyền của nhạc sĩ Trần Hoàn ở Hải Phòng. Đến khi giải phóng thủ đô, giải phóng Hải Phòng, đội văn nghệ giải thể, các bạn của bà người làm ở bách hóa, người đi học làm y tá, hộ lý, còn bố bà dắt cô con gái năm ấy mới 17 tuổi tới Đoàn kịch T.Ư của nhà văn Thế Lữ (tiền thân của Nhà hát kịch Việt Nam bây giờ).
Bà đã trở thành nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch.
NSƯT Lê Mai (thứ ba từ trái sang) và bạn bè nghệ sĩ chụp ảnh cùng nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda
- Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình
|
Tại Đoàn kịch T.Ư, bà và nghệ sĩ Trần Tiến đã gặp nhau, nên duyên vợ chồng. Đến khi họ chuẩn bị đón người con đầu lòng -
nghệ sĩ Lê Vân thì bất ngờ một chuyện không hay xảy đến. Bố bà bị cho là đã tham gia phong trào “nhân văn giai phẩm”. Dù sau này ông đã được minh oan, nhưng lúc đó, bà đã bị đưa ra khỏi biên chế của đoàn kịch.
Chỉ một tháng nữa sinh con, mà bà không còn đồng lương của nhà hát nữa. “May mà lúc đó tôi được nhận len đan, lấy tiền đan đi chợ nấu cơm nuôi con”, bà nhớ lại thời gian khó.
NSƯT Lê Mai trong một vai diễn - Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình
|
“Khi tôi sinh Lê Vân, ông Học Phi (khi đó là Trưởng đoàn kịch T.Ư - PV) đến thăm rồi bảo: bây giờ cháu hãy chịu khó chăm con, bao giờ con lớn, cháu về lại đoàn”, nghệ sĩ Lê Mai nhớ lại.
Sau đó vài tháng, Đoàn kịch Hà Nội (bây giờ là Nhà hát kịch Hà Nội) được thành lập, còn bà được mời về công tác tại nhà hát. Hồi đó, cứ vai chính là đạo diễn lại tin tưởng giao cho Lê Mai. Rồi hai cô con gái
Lê Khanh,
Lê Vi lần lượt ra đời, cuộc sống vất vả, khó khăn khiến bà gầy rộc đi chỉ còn 34 kg, giọng nói khó bắt được vào micro trên sân khấu. Thấy vậy, lãnh đạo đoàn mới họp và đề nghị bà làm thủ quỹ.
Bà liền viết đơn: “Nếu tôi giữ quỹ thì tôi đi tù, tôi nộp đơn này thì tôi ở nhà”. “Mình có lòng tự trọng của mình, đang là diễn viên lại làm thủ quỹ, sao có thể làm được”, bà chia sẻ.
Nghệ sĩ Lê Mai và ba cô con gái: Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi - Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình
|
Lúc ấy bà cũng không nghĩ rằng, chính sự “đứt gánh” với sân khấu đã đưa bà đến với điện ảnh, mà bắt đầu bằng vai diễn trong bộ phim
Đứa con người hàng xóm của đạo diễn Hà Văn Trọng. “Tôi đến Đoàn kịch Hà Nội gặp Trần Kiếm với Trần Vân, hai nghệ sĩ hồi đấy đang nổi như diều, để hỏi đóng phim thế nào. Họ bảo tôi: Chị cứ yên tâm, đóng phim còn dễ hơn đóng kịch”, NSƯT Lê Mai nhớ lại. Từ cái duyên đầu tiên ấy, sau này, bà được mời tới hàng trăm vai lớn, nhỏ, trở thành nghệ sĩ quen mặt trên truyền hình.
Niềm vui của "bà nội"
Những sóng gió trong cuộc đời của nghệ sĩ Lê Mai đã ít nhiều được nói đến trong cuốn tự truyện của con gái bà - nghệ sĩ Lê Vân. Cuốn tự truyện đã tỏ cho người đời rõ hơn về cuộc sống có nhiều vất vả và nhiều nỗi buồn của một người nghệ sĩ.
Đã 7 năm nay, nghệ sĩ Lê Mai sống trong ngôi nhà nhỏ ngay sát cạnh nhà của cô con gái thứ hai - NSND Lê Khanh. Khi tôi đến gặp, bà đang lúi húi xới đất cho đám cây cảnh trong mảnh vườn nhỏ xinh trước nhà. Nhìn bà, thấy cuộc sống của người nghệ sĩ ấy từng trải qua nhiều nỗi truân chuyên giờ đây đã thật bình yên.
NSƯT Lê Mai và hai cháu ngoại, con của nghệ sĩ Lê Vi - Ảnh: Ngọc An
|
Nhắc lại chuyện xưa, bà cười: “Là do cái số”. Việc bà chia tay nghệ sĩ Trần Tiến cũng là “cái số” giống như việc cả ba cô con gái của bà đều theo nghệ thuật. 11 tuổi, cô con gái Lê Vân về nói với mẹ thích được đi tuyển nghệ sĩ múa ở rạp Hồng Hà. Đến khi Lê Khanh 15 tuổi, cũng xin mẹ được đi tuyển diễn viên tại Nhà hát Lớn. Cô con gái Lê Vi cũng xin mẹ đưa vào trường múa ở Mai Dịch để dự tuyển. Cả ba người con gái của bà và nghệ sĩ Trần Tiến đã tự lựa chọn con đường đến nghệ thuật và trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.
Nghệ sĩ Lê Mai và gia đình con gái Lê Vi - Ảnh: Ngọc An
|
“Số bà cuối đời sướng lắm!”, nghệ sĩ Lê Mai cười. Cô con gái Lê Khanh ở ngay cạnh nhà có nhiều thời gian chăm sóc bà nhất, đến cuối tuần, cô con gái Lê Vân lại tới chơi. Còn cô con gái út Lê Vi vẫn thường xuyên từ Pháp về Hà Nội thăm mẹ. Bà khoe, vợ chồng nghệ sĩ Lê Vi và hai con của họ cũng vừa về Việt Nam. Bà và gia đình con gái vừa có chuyến du lịch tại Sapa. Đang trò chuyện, ở ngoài cửa có tiếng hát vang: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm!”. “Đấy, hai đứa nhà Lê Vi về đấy, nói tiếng Việt giỏi lắm!”, bà cười đầy hạnh phúc.
Bà còn có niềm hạnh phúc nữa chính là tình cảm của những khán giả dành cho mình. Hồi bà mở quán bán nước ngay trước cửa nhà, khán giả từ khắp nơi tìm đến, uống nước của bà, chỉ để được gặp gỡ và trò chuyện với người nghệ sĩ mà họ yêu mến. Những ấn tượng của vai diễn trong bộ phim Bà nội không ăn piza đến giờ vẫn còn mãi trong lòng khán giả. Bà bảo sẽ vẫn đóng phim khi vẫn còn sức khỏe.
Bình luận (0)