Và chính “gốc tích” này là duyên đưa đến vai diễn Tuệ Khiết hiền phi của chị trong phim về nội cung triều Nguyễn: Phượng khấu.
Tạp chí National Geographic năm 1930 đăng ảnh một thiếu nữ Việt Nam mặc bộ áo dài màu đỏ, đeo trang sức vàng, ngồi trên chiếc ghế chạm trổ cầu kỳ. Thiếu nữ vừa toát lên vẻ tươi mát thanh xuân, vừa có nét đoan trang cao quý, được chú thích là “Con gái của một gia đình hoàng tộc An Nam”. Đó là ảnh của mệ Bông - Nguyễn Thị Cẩm Hà (1911 - 2001), bà ngoại NSƯT Minh Trang.
Theo NSƯT Minh Trang, tuy thời gian sống cùng bà ngoại không nhiều, vì đó cũng là giai đoạn chị vừa từ Hà Nội vào TP.HCM cùng gia đình và “rất đắt show từ kịch đến phim, song chính việc được ở cùng với ngoại đã cho tôi học được rất nhiều”. Dù lúc ấy không có thời gian để truyền dạy nhiều hơn những tài nghệ mà bà được mọi người nhớ đến: đàn tranh, ca Huế, vấn khăn (các bà trong nội cung đều thích được mệ Bông vấn khăn vành dây cho họ), nấu nướng (các hoàng đế cũng cần đến mệ Bông vì tài bếp núc của bà)..., nhưng chị cho biết bà ngoại rất hay kể cho mình nghe những lễ nghi phong tục thờ tự cúng kiếng trong nội cung, dòng tộc. Mỗi dịp diễn xa về, chị luôn được bà nấu cho món cá kho khô đậm đà - cay - thơm mà đến nay đã thành món “gia truyền”.
Dịp trở về Việt Nam tham gia phim Phượng khấu (NSƯT Minh Trang hiện sống tại Singapore cùng gia đình), một bộ phim về giai đoạn lịch sử liên quan đến dòng tộc mình, với vai diễn mà theo chị “có lẽ do ông bà dẫn dắt đến duyên này”, chị đã dành cho Thanh Niên những điều ít ai biết về “chuyện ngày xưa”.
|
Mệ Bông là người tinh anh, duyên dáng, hóm hỉnh
NSƯT Minh Trang là một trong những nghệ sĩ gạo cội hàng đầu của Việt Nam thập niên 1980, người được mệnh danh là “đệ nhất đào thương” của sân khấu thoại kịch Sài Gòn. Chị tạo dấu ấn và thành công ngay từ vai chính đầu tiên trong vở Hà Mi của tôi; sau đó là Cô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta, Lôi vũ… (sân khấu); Mê thảo - thời vang bóng, Một cuộc đời bị đánh cắp, Chung cư, Đừng đốt, Chim họa mi, Chiều ngang qua phố cũ… (điện ảnh, truyền hình)…
|
Nói ra có thể mọi người sẽ bất ngờ, bởi chính mẹ tôi là người giấu và không kể cho con cái nghe về gốc tích bên ngoại. Lúc nhỏ tôi chỉ biết mẹ là người Huế, ngoại ở Huế, mẹ ra ngoài Bắc học (khoảng năm 1954) rồi lập gia đình và sinh tôi (năm 1960).
Năm 1975, mẹ tôi có về Huế tìm ngoại nhưng biết được ngoại đã vào Nam. Năm 1976, nhà tôi quyết định vào Nam và đón ngoại về sống cùng (ngoại chỉ có một người con duy nhất là mẹ tôi).
Thời điểm ấy, tôi đang học Trường Nghệ thuật Hà Nội - Khoa Sân khấu. Bố mẹ bắt tôi vào cùng nhưng tôi kiên quyết không đi. Tôi ở lại Hà Nội một mình rất khó khăn, vất vả. Năm 1979, tôi về Đoàn kịch nói Hà Nội và thật may mắn khi có vai chính đầu tiên thành công trong Hà Mi của tôi. Phải đến năm 1987, khi tôi vào Nam sinh sống cùng gia đình, ở với ngoại, bắt đầu tiếp xúc họ hàng bên ngoại thì dần dà ngoại mới bắt đầu kể chuyện và tôi biết được bà là con cháu của ai, mình có gốc gác thế nào…
Mệ Bông có truyền dạy cho cô cháu gái duy nhất những “ngón nghề” nào không?
(Cười). Nói thật là từ khi vào Nam, cường độ làm việc của tôi kinh khủng hơn nhiều, lịch diễn dày đặc từ kịch đến phim. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy tiếc vì đã không có thời gian để học thêm những cung xưa nếp cũ từ bà.
Mỗi lần nhớ bà, gia đình tôi hay nhắc câu chuyện “gửi thư” của bà. Chẳng là lúc vào Nam, tôi đã diễn nhiều vở và các vở đều đắt khách. Một ngày nọ đi tập vở mới về, ngoại nói: “Chút mi có đi lên bưu điện thì gửi cho ngoại cái thư”. Tôi tưởng thật, hỏi bà thư gì, bà bảo: “Đó, thư đó, mi xem đi”. Nhìn thư không tem, tôi mở ra đọc thì hóa ra bà viết... nhắn nhủ với tôi.
Lá thư đại ý: Tôi Nguyễn Thị Cẩm Hà, gửi đài truyền hình yêu cầu đài phát lại những vở kịch của nghệ sĩ Kim Cương, chứ kịch bây giờ mấy đứa trẻ diễn hời hợt lắm. Đọc xong, tôi giật mình bảo, ơ ngoại ơi con là người trẻ, đang đi diễn đây mà ngoại viết vậy là chê con rồi. Thế là bà bảo: “Không, ta không chê mi nhưng ta không thích coi những vở bây giờ… Về sau, tôi nghĩ thật ra bà chỉ muốn tôi đọc thư đó để hiểu tâm trạng của bà, cũng như mong muốn tôi đào sâu hơn các vai diễn. Cách dạy bảo của bà tinh tế như thế đấy.
Đóng phim Phượng khấu để hiểu và thương ngoại nhiều hơn
Chị có thể chia sẻ thêm về “cái duyên” đưa đến vai diễn Tuệ Khiết hiền phi?
Đọc Facebook, thấy đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh viết bài về dòng họ Nguyễn, tôi có nhắn vui là: Đây, con cháu mệ Bông đây. Tuấn Anh rất nhanh, ngay sau đó liên lạc với tôi. Từ câu chuyện lịch sử, hai chị em nói với nhau rất nhiều… Sau đó, Tuấn Anh giới thiệu tôi với ê kíp viết về triều Nguyễn (sau đó cũng là ê kíp tham gia kịch bản phim Phượng khấu). Khi về Việt Nam, tôi cũng gửi các bạn xem những sổ viết tay của ngoại, ghi chép giỗ kỵ thường làm gì… Các bạn rất hứng thú với những quyến sổ này.
Vai diễn này có ý nghĩa thế nào với chị, ở thời điểm hiện tại?
Vai diễn của tôi, Tuệ Khiết hiền phi Ngô Thị Chính, trong lịch sử không nhắc nhiều. Bà là người không được danh chính ngôn thuận, dù là người phụ nữ được hoàng đế Minh Mạng sủng ái hơn bất kỳ ai khác trong nội cung. Cuộc sống của bà về sau cũng không được hạnh phúc... Tôi dựa trên lịch sử, cùng với kịch bản, kết hợp cảm nhận của tôi để xây dựng nhân vật này. Khoan bàn đến yếu tố lịch sử, điều tôi muốn làm nhất khi tham gia phim, chính là để hiểu và thương bà ngoại hơn.
Hơn 20 năm định cư ở nước ngoài, khán giả của chị cũng muốn biết nhiều hơn về cuộc sống của “Hà Mi” hôm nay...
Cuộc sống của tôi bình yên lắm. Chúng tôi có đứa con gái duy nhất, đặt tên vai diễn đầu đời và thành công của mình luôn: Hà Mi. Đặt tên ấy, với tôi, để không bao giờ quên quá khứ về sự nghiệp, và lúc nào mình cũng nuôi dưỡng nó. Và rất may mắn là ông xã luôn chia sẻ, tạo điều kiện để đến hôm nay, tôi vẫn đi về giữa hai nơi, được gắn bó với đam mê của mình.
Khi trở về Việt Nam làm phim, tôi là một con tằm, nhả tơ và sống với nghề. Khi trở lại cuộc sống ở Singapore, tôi cũng như bao người phụ nữ khác, sáng sáng pha cà phê cho chồng, tưới cây, đi chợ nấu ăn…, rất đời thường thôi. Nhưng tôi vui và viên mãn với cuộc sống ấy.
Phượng khấu khởi quay vào dịp cận tết, chị có kế hoạch ở lại quê nhà không?
Tết ta ở Singapore nghỉ ít lắm, chỉ 2 - 3 ngày. Cả năm chồng và con mới có vài ngày nghỉ ngơi cùng nhau nên dù rất thích về ăn tết quê nhà nhưng những dịp đặc biệt như vậy, tôi muốn dành riêng cho gia đình. Dù vậy, không khí tết bên này cũng thú vị lắm, chỉ là mình không ở Việt Nam thôi chứ tất cả phong tục tôi vẫn giữ, từ mâm cỗ ngày ba mươi, tục đi chùa đầu năm, chúc tết người thân…
Xin cảm ơn chị và chúc chị cùng gia đình năm mới tràn đầy hạnh phúc.
Bình luận (0)