Ông sinh ngày 12.3.1922, tại xã Mỹ Hiệp (H.Chợ Mới, An Giang), tham gia cách mạng từ năm 1945 và mất ngày 1.10.1985.
Đồng bào Nam bộ trong vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp từng mê mẩn những vở như: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai chiếc xuồng, Bạch Mao nữ do kịch đoàn Cửu Long Giang phục vụ và Nguyễn Ngọc Bạch đạo diễn. Trên sân khấu kháng chiến, ông còn dàn dựng nhiều vở diễn mà kịch bản do chính ông sáng tác như: Sanh khổ, Bình minh, Một cuộc du lịch, Bán lúa rẻ, Giữ trâu, Ông Hai hiền (kịch), Xử tội Bẹt-na (cải lương), Giác ngộ, Giữ lúa (ca kịch)...
Những tháng ngày ra miền Bắc, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch cùng NSND Tám Danh dựng các vở: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Nàng tiên Mẫu Đơn, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên, Người con gái Đất Đỏ, Thạch Sanh, Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tình riêng nghĩa cả... tạo ra tiếng vang một thời. Không chỉ đạo diễn giỏi, mát tay, ông còn làm trưởng các đoàn văn công: Cứu quốc kịch đoàn, Đoàn ca kịch Cửu Long Giang (Chi hội Văn nghệ Nam bộ); Đoàn văn công Nam bộ; Đoàn cải lương Nam bộ; Đoàn kịch Nam bộ; Phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam (1964 -1971) và cũng từng là Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM. Với nhiều thành tích to lớn trong ngành sân khấu, ông vinh dự được nhà nước tặng danh hiệu NSƯT năm 1982 và truy tặng Huân chương Lao động hạng ba vào năm 1999.
Dù ở vị trí lãnh đạo hay bất cứ công việc gì, đối với anh chị em văn nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Bạch bao giờ cũng là người bạn có tâm hồn trong sáng, bộc trực; một “huynh trưởng” nghiêm khắc, nhưng rất giàu tình cảm và cởi mở, chân thành.
Thay mặt gia đình, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết gia đình đang chờ Bảo tàng TP.HCM hoàn thiện khu vực trưng bày sẽ dành tặng nhiều tài liệu, hiện vật mà NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch để lại cho bảo tàng, nhằm lưu giữ và giới thiệu cho công chúng thưởng lãm gia tài đồ sộ về sân khấu của ông.
Bình luận (0)