NSƯT Thành Hội: Mùa dịch có mất nhưng cũng có được

03/05/2020 10:54 GMT+7

Mùa dịch Covid-19 , sân khấu ngưng hoạt động, nhiều nghệ sĩ phải ngưng diễn, chịu đựng khó khăn. Và trong họ đã có nhiều nỗi niềm… NSƯT Thành Hội đã chia sẻ với báo Thanh Niên những điều thấm thía.

* Anh đã ứng phó với mùa dịch này như thế nào trên cương vị vừa là nghệ sĩ, vừa là “ông bầu” của sân khấu Hoàng Thái Thanh?
- NSƯT Thành Hội: Là nghệ sĩ, nếu ngưng diễn thì không có thu nhập thôi. Đằng này, mình làm lãnh đạo thì lại phải móc thêm tiền túi trả lương cho mấy chục anh em công nhân hậu đài âm thanh ánh sáng để họ cầm cự. Tất nhiên chỉ vài chục phần trăm lương chính thức, nhưng góp lại cũng nhiều lắm, trong khi không bán vé được đồng nào. Đạo diễn Ái Như và tôi cùng gánh vác, chứ biết than với ai.
* Cả anh và chị Ái Như đều có người “bạn đời” quá tuyệt vời. Hình như vợ anh và chồng chị ấy đều không cằn nhằn gì hết, cùng đồng cam cộng khổ với sân khấu Hoàng Thái Thanh?
- Đúng. Tôi có người vợ lặng lẽ đứng phía sau ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Ái Như cũng có người chồng như thế. Bên ngoài sóng gió bão bùng, về nhà có “bạn đời” an ủi, sẻ chia, không cằn nhằn một tiếng. Nói thiệt, tôi còn nhớ mẹ tôi nữa, bà từng hỏi: “Sao con không gửi tiền vô ngân hàng rồi ngồi lãnh lãi suất sống cho khỏe? Làm chi cho cực khổ mà tiền đâu hết trơn vậy con?”. Đúng là mình cứ thấy quăng tiền ra hoài, cũng xót ruột chứ. Nhưng tôi không muốn chỉ ăn, ngủ, đi chơi, tôi còn muốn tạo ra một giá trị gì đó cho cuộc đời. Mất tiền, nhưng tôi đã làm được những giá trị mà mình mơ ước.
* Anh thấy trong mùa dịch này có những gì mà anh cho là mất?
- Mất nhiều lắm. Mất thu nhập đã đành, nhưng tôi lại còn mất khán giả nữa. Hoàng Thái Thanh cầm cự được là nhờ các suất diễn hợp đồng với nhiều trường học, giờ trường cũng đóng cửa, tất nhiên chúng tôi không diễn được, mất một lượng khán giả rất lớn. Lại còn sợ khán giả mất thói quen xem kịch. Khi họ ở nhà hoài, sẽ tập trung xem tivi, internet, Facebook, sẽ tạo thói quen lười đến rạp. Nhưng bản thân tôi còn một cái mất đáng sợ nhất, đó chính là mất thói quen suy nghĩ, sáng tạo. Cái đầu mình đã lập trình là “nghỉ ngơi” thế là nó đình trệ luôn, ù lì luôn. Mới đầu cứ tưởng được nghỉ dài ngày sẽ có thời gian nhào vô sáng tác, viết lách này nọ, nhưng không ngờ, khi nghỉ ngơi thì đầu óc cũng kéo theo hệ lụy là trì trệ, tự nó lười biếng lúc nào chẳng rõ. Giờ tôi đang reset lại cái đầu, bắt nó phải quậy lên, nhạy bén trở lại.
* Thế còn những thứ mà anh cho là được?
- Đúng là trời cũng công bằng, chẳng có cái gì mất đi hoàn toàn, mà phải thu lại cái gì đó. Theo tôi, cái được đầu tiên là gia đình sum họp, hạnh phúc, cha con chồng vợ cứ xúm xít bên nhau, ăn, rồi ngủ, rồi xem phim, rồi đùa giỡn, thích thật chứ. Gia đình là pháo đài vững chắc của mỗi người, có thời gian củng cố cho nó thì rất tốt. Cái được thứ hai là mỗi người đã biết trân trọng việc làm. Có người trước đây ỷ vào chuyên môn đã tỏ ra yêu sách hoặc cẩu thả, thì bây giờ đã thấm thía thế nào là “thất nghiệp”. Có người phải chấp nhận chạy xe ôm để cầm cự, nhưng rõ ràng thu nhập chẳng là bao, lại vất vả hơn công việc chính thức khi trước. Tôi nghĩ, sau một trận “đói dài” như vầy mỗi chúng ta sẽ biết trân trọng việc làm, nghiêm túc khi tác nghiệp, “biết điều” với cộng sự xung quanh. Mất và được như thế đó. Tôi hi vọng sân khấu sẽ hồi sinh với sự tử tế mà con người rút ra sau một trận sinh tử, đối diện với cái chết và cái nghèo. Đời cũng như một vở kịch mà thôi, có xung đột thì mới rõ ra xấu tốt, người ta được cảnh tỉnh, và cuối cùng là một "happy ending". Nếu không có "happy ending" thì không sống nổi đâu.
* Xin cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình vượt qua khó khăn để cùng tiếp sức cho sân khấu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.