NSƯT Thành Lộc 4 năm đắm đuối tiên nga

29/10/2017 06:10 GMT+7

Mấy tháng nay, NSƯT Thành Lộc tất bật trên sàn tập với vở nhạc kịch Tiên Nga , tác phẩm hoành tráng mà anh ấp ủ suốt 4 năm trời, sẽ phúc khảo vào đầu tháng 11 và ra mắt vào tháng 12. Một giấc mơ dành cho văn học miền Nam và nhà thơ miền Nam mà anh yêu mến - nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Thành Lộc đã trả lời Thanh Niên quanh sự kiện này.
* Vì sao anh không giữ nguyên tên tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên mà chọn đặt là Tiên Nga?
Tiên Nga thì vẫn là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đó thôi. Nhưng tôi gửi gắm một ý nghĩa khác nên đặt lại cái tên cho khác đi một chút. Tôi không chỉ kể chuyện tình Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mà còn gửi gắm lòng ái quốc, tình yêu đất nước mà nhân vật Kim Liên sẽ là chủ chốt. Kim Liên chính là tâm sự của tôi, về một lớp trẻ yêu đời nhưng vì đất nước lâm nguy mà họ sẵn sàng hy sinh.
* Từ đâu anh có ý tưởng về kịch bản này? Trong phần ghi biên kịch: Nguyễn Thành Lộc, lại ghi thêm hợp soạn: NSND Năm Châu - Nguyễn Thị Minh Ngọc - Nguyễn Hồng Dung?
- Từ hồi trẻ tôi đã mê vở Kiều Nguyệt Nga của Nhà hát Trần Hữu Trang, do chị Bạch Tuyết và Ngọc Giàu đóng. Năm 1994, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Hồng Dung và tôi sang Pháp đóng vở Ông Jourdan ở Sài Gòn. Khi đi, chúng tôi dựng thêm vở Lục Vân Tiên của bác Năm Châu để diễn cho kiều bào mình xem, có thêm sự hiệu đính của con gái bác là chị Hồng Dung.
4 người chúng tôi chia nhau mỗi người 2 - 3 vai, diễn rất vui. Lúc đó tôi mê lắm, chợt nảy ra mơ ước sẽ có ngày mình dựng Lục Vân Tiên hoành tráng. Mơ ước hơn 20 năm giờ mới thành sự thật. Tôi ghi phần hợp soạn vì tôi chọn những đoạn hay của bác Năm Châu, của chị Hồng Dung, và một số lời nhạc của chị Minh Ngọc, còn lại tôi viết mới hoàn toàn.
* Tại sao anh không dựng cải lương mà lại biến nó thành nhạc kịch?
- Hai vở cải lương ngày trước đã quá hay rồi. Giờ tôi là người của thời đại mới, tôi muốn nói bằng ngôn ngữ mới, và nói một câu chuyện khác hơn. Phần nhạc trong vở kịch vẫn lấy điểm tựa là nhạc tài tử Nam bộ.
* Vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử dựng cách đây khoảng 5 năm tốn 600 triệu đồng. Giờ vở này chắc kinh phí rất khủng, liệu sân khấu tư nhân như Idecaf có chịu đựng nổi?
- Ban đầu tôi cũng lo là công ty không chịu duyệt. Rồi bỗng có một người bạn gọi điện nói nếu thiếu thốn thì anh ấy sẽ hỗ trợ. Anh ấy là giám đốc một công ty hàng hải, là khán giả của kịch Idecaf suốt từ lúc khai trương cho tới bây giờ đã mấy chục năm. Anh nói rất yêu mến văn học truyền thống, muốn góp phần cho con cháu mình được xem kẻo sau này mai một. Anh hùn 50% vốn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Còn nhiều cái may nữa, ví dụ nhạc sĩ Đức Trí rất bận show nhưng khi tôi mời thì anh tham gia ngay, dù khi đọc kịch bản thì nhăn nhó bảo rằng trời ơi khó quá. Tôi chọn Đức Trí bởi anh vừa giỏi nhạc tân đồng thời cũng am tường nhạc cổ. Anh kỹ tới mức, luôn luôn thủ sẵn cuốn tự điển tiếng Việt, nếu có một chữ nào vần trắc khó vô nhạc thì anh mở tự điển quyết tìm cho bằng được một chữ khác có nghĩa tương đương để thay thế vào. Còn các nghệ sĩ khác, chấp nhận bỏ show để lên sàn tập với tôi. Cho tôi gửi một lời tri ân đến tất cả.
* Hỏi thật, với một vở nghiêm túc như thế, anh có lo phần bán vé?
- Tôi không lo. Vì khán giả của Idecaf rất lạ. Họ thích hài hước, vui vẻ, nhưng cũng chịu xem những vở “nặng ký”. Nghiêm túc cỡ Bí mật vườn Lệ Chi mà họ còn xem nổi, huống gì nhạc kịch đã mang trong nó tính giải trí rồi. Chúng tôi dựng một vở mang tính học thuật để làm nghề cho đã, nhưng đâu có quên sự hấp dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.