Theo NSƯT Thành Lộc, giữa thị trường chung mà khi làm phim - nhất là phim điện ảnh, người ta luôn nghĩ đến vấn đề lời hay không, hiếm người dám nghĩ đến chuyện đầu tư cho phim về đề tài lịch sử, phim cổ trang. “Thành ra khi có một nhóm người trẻ măng, cả trẻ tuổi nghề và trẻ hơn mình tới mấy con giáp tự nhiên muốn làm phim về đề tài này, nên tôi nghĩ: Trời ơi sao mà dễ thương quá vậy. Trong cùng một thế hệ có nhiều người chỉ nghĩ đến lợi nhuận vật chất thì một số ít lại nghĩ đến lợi nhuận tinh thần, làm sao để có thể lôi kéo thế hệ trẻ người Việt quay lại với những gì thuộc về giá trị Việt. Và các bạn ấy cứ thế lao vào làm, trong khi mình là nghệ sĩ, đang diễn những vở kịch, vở tuồng nói tiếng Việt mà mình không thể phụ được một tay của mình vào chuyện đó, thì làm sao coi cho được”, anh chia sẻ.
|
Phát hoảng khi nhận vai Thiệu Trị
NSƯT Thành Lộc cho biết ban đầu anh được mời làm người mẫu chụp hình, cho bộ ảnh cổ trang Việt Nam. “Có khoảng thời gian rất dài tôi thích mặc áo dài, đi đâu tôi cũng mạc áo, dù áo dài của tôi cũng đã có sự cách điệu rồi. Bởi vì có giai đoạn nước mình thường có sự xung đột với tàu lạ, nên bất cứ sự kiện văn hóa nào, tôi cũng xuất hiện với áo dài, để khẳng định đây là sự kiện văn hóa của người Việt”, anh nói.
Vì vậy, nghệ sĩ Thành Lộc bảo anh đồng ý ngay khi được mời chụp ảnh cho bộ áo dài - cổ phục Việt được thực hiện bởi Ỷ Vân Hiên. “Rồi sau đó, các bạn mới hỏi tôi: 'Hay là anh tham gia bộ phim gì đó với tụi em, có liên quan đến cổ phục Việt'. Lúc đó tôi chưa biết đóng vai gì, nhưng có nói các em cứ làm, trong khả năng anh phụ được gì anh sẽ phụ, miễn đó là đề tài thuần Việt là anh thích, chứ lúc đó tôi không biết mình sẽ vào vai Thiệu Trị”, anh nói.
|
|
Đến khi nhận vai Thiệu Trị, anh mới… phát hoảng. Bởi theo anh: “Không phải ai cũng có thể am hiểu sử Việt, ngay cả tôi. Nên chính các bạn trẻ này một lần nữa dạy cho tôi hiểu về khoảng thời gian của triều Nguyễn, hiểu thêm về vua Thiệu Trị, là những gì chúng ta không học được trong nhà trường, mà học từ những sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu của các bạn trẻ này ở khắp nơi. Nên nói thật, chẳng phải khiêm tốn gì cả, trong lúc làm việc với các bạn ấy, tôi đồng thời có những người thầy trẻ hơn mình nhiều con giáp. Tôi nghĩ đây là lợi nhuận mình có được và nó có giá trị nhiều hơn con số trong tài khoản mà tôi được rót về khá đầy đủ từ vai diễn này (cười)”.
Ôm cả những điều...bị chửi vào lòng
Với NSƯT Thành Lộc, anh quan niệm “Phượng khấu là phim truyện, mà phim truyện có nghĩa là không phải phim tài liệu, và lịch sử chỉ là đề tài của phim truyện này. Gọi là phim truyện thì có người viết ra truyện, phải có hư cấu. Phim truyện có đề tài lịch sử cũng vậy. Có ai chắc chắn rằng vị vua đó nói đúng câu thoại đó hay làm đúng hành động đó không, vì không có người chép sử nào chép đúng tất cả như vậy”.
Anh cũng nói thêm rằng, Phượng khấu là phim truyện, và chức năng không thể thoát được của phim truyện là giải trí. “Đó là bộ phim giải trí trên mạng lấy đề tài lịch sử, qua đó chúng ta có thể hiểu thêm một số câu chuyện về nội cung nhà Nguyễn. Mà nội cung thì ai biết được nó đúng hay chính xác mức độ nào”, anh bày tỏ.
|
Theo NSƯT Thành Lộc: “Chính các bạn - những người trẻ mạnh dạn tạo nên tác phẩm này - đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Và nếu thật sự vì có tôi mà lôi kéo được, truyền cảm hứng được cho các diễn viên tham gia phim như nghệ sĩ Hồng Vân, Hồng Đào, Tuyết Thu… thì tôi cảm ơn các bạn rất nhiều. Chúng tôi cũng phải cảm ơn nhau và cảm ơn người nghĩ ra dự án Phượng khấu này để cho chúng tôi có một dịp làm nghề”. Bởi như anh nói: “Đôi khi mình đóng một phim rất mừng về doanh thu nhưng để đọng lại gì đó cho sự nghiệp của mình thì chưa chắc đáng để mình muốn lưu lại”. Anh nói vui rằng: "Phượng khấu đã đến và ra mắt thật kịp thời, vì lúc này ai cũng ngại tụ tập hay ra đường do dịch bệnh Covid-19, nên người ta ở nhà xem phim này trên mạng, cho nên tôi được đánh bóng tên tuổi mình lại lần nữa (cười)”.
NSƯT Thành Lộc cũng chia sẻ thêm, nếu như phim có chi tiết nào không hay mà bị "ném đá" thì “chúng tôi cũng ôm cả những điều bị chửi vào lòng, vì hổng sao hết, mình làm lần đầu mà. Đó cũng là kỷ niệm trong hành trình làm nghề của mình”.
Phượng khấu, theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, là phim cổ trang Việt Nam lấy cảm hứng và dựa trên những cột mốc lịch sử có thật của thời nhà Nguyễn, cộng với những giai thoại dân gian. Mùa 1 của phim gồm 10 tập, mỗi tập 45 phút, phát vào tối thứ 5 hằng tuần trên POPS, kể từ 5.3.
|
Bình luận (0)