NSƯT Thành Lộc là một trong những đại sứ của Lễ hội áo dài TP.HCM lần 5 đang diễn ra. Và anh cũng cảm thấy rất thú vị khi năm nay đại sứ của Lễ hội lại nhiều …đàn ông hơn phụ nữ. Anh cho rằng nếu hai phương tiện giúp nhân loại đến gần với nhau là văn hóa ẩm thực và trang phục, thì trong vai trò đại sứ anh tự đặt ra cho mình nhiệm vụ truyền cảm hứng yêu thích mặc áo dài đến thế hệ trẻ, và đến cả những người đàn ông chứ không riêng phái nữ.
Anh chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng ngại mặc áo dài lắm, thấy nó yếu yếu thế nào..Nhưng sau khi xem những bức ảnh xưa, tôi thấy áo dài khoác lên những người đàn ông đẹp quá. Các nguyên thủ quốc gia đi kinh lý nước ngoài đều mặc áo dài. Ngay cả gần đây, nguyên thủ quốc gia của các nước dự Hội nghị cấp cao APEC cũng mặc áo dài quá đẹp. Tôi thấy người nước ngoài mặc áo dài thoải mái và đẹp như vậy mà tại sao mình là người Việt Nam, là đàn ông Việt lại ngại mặc áo dài. Suy cho cùng là tự mình lập rào cản cho chính mình mà thôi”.
|
Không chỉ vậy, NSƯT Thành Lộc cho rằng, lâu nay mọi người thường xem áo dài là trang phục gì đó xa xỉ hoặc chỉ mặc trong các lễ, hội; rồi nghĩ rằng áo dài là cái gì đó khó chạm tới được. Trong khi áo dài là trang phục của dân tộc mình, gắn bó với đời sống sinh văn hóa của người Việt mình, và bây giờ đã đi vào đời sống thường nhật..
Chính vì vậy mà suốt thời gian qua khi vở nhạc kịch Tiên Nga diễn ra (trong đó anh vừa là biên kịch, đạo diễn và tham gia vai cụ Đồ Chiểu), NSƯT Thành Lộc “Thấy xúc động muốn rơi nước mắt khi nhìn xuống sân khấu có nhiều khán giả mặc áo dài đi xem”. Không chỉ khán giả trong nước mà những kiều bào về nước xem dịp tết vừa qua cũng chọn mặc áo dài, điều đó “làm tôi cảm thấy biết ơn. Vì chính khán giả là người tiếp lửa để tôi thấy con đường minh đi là đúng. Tôi nghĩ rằng áo dài mang tính cách mạng rất lớn, trong việc luôn luôn cập nhật mình để hòa nhập vào đời sống cộng đồng và cả trên thế giới. Ví dụ dễ thấy nhất là trên tà áo dài của chúng ta, có thể chuyển tải tất cả các trường phái mỹ thuật trên thế giới lên đó, không có rào cản nào cả". Với anh, dù bộ sưu tập áo dài của mình có nhiều kiểu dáng, nhưng không bao giờ tà áo ngắn trên đầu gối, và anh cũng thường đeo kèm các phụ kiện phù hợp để tôn thêm vẻ đẹp của áo dài - bộ trang phục được anh chọn gắn với các sự kiện văn hóa từ nhiều năm nay.
Anh cho biết thêm, trong buổi nói chuyện truyền cảm hứng về tình yêu áo dài với các bạn trẻ tại các trường phổ thông trung học mới đây, anh có hỏi “các em nghĩ sao nếu nam sinh mặc áo dài”, thì nhận được những tràng vỗ tay rất lớn từ các bạn nữ. "Tuy nhiên, ý kiến của một em học sinh nam khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn hết. Em bảo rằng, nếu các nhà thiết kế có thể tạo nên chiếc áo dài khiến tụi con cảm thấy thoải mái khi mặc đi học, khi sinh hoạt vui chơi ở trường mà vẫn nhận ra đó là áo dài, thì tụi con nghĩ việc mặc áo dài sẽ làm cho nam sinh tụi con sang trọng hơn. Thế là em trai ấy được cả sân trường vỗ tay tán thưởng. Với vai trò đại sứ, tôi lại nghĩ tại sao chúng ta không tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài cho nam sinh, và tổ chức cả cuộc thi cho những nhà dệt vải, sản xuất vải sao cho hợp xứ nhiệt đới của mình, để tạo nên những bộ áo dài thoải mái và phù hợp trong môi trường sinh hoạt học tập”.
|
Về vấn đề này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng – Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cũng là khách mời tham dự diễn đàn, nhìn nhận: “Áo dài tự thân có nội lực điều chỉnh hành vi. Bởi bất cứ ai khi mặc áo dài tự nhiên sẽ điều chỉnh lời ăn tiếng nói, dáng đi…, buộc người mặc và cả người tiếp xúc phải có ứng xử đứng đắn hơn, ý tứ hơn”. Chính vì vậy, anh cho rằng nếu người trẻ nói chung, hay các bạn học sinh ngay từ nhỏ đã có ý thức về điều đó, thì việc mặc áo dài sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của các em.
Bình luận (0)