Vở diễn quy tụ một ê kíp sáng tạo, sản xuất và các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó có những bạn trẻ được tôi luyện trong môi trường đào tạo, biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của thế giới như nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương, tốt nghiệp chuyên ngành nhạc kịch tại Anh vừa về nước và biên đạo múa Linh An, chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ…
Trước khi 4 đêm diễn đầu tiên của vở nhạc kịch diễn ra vào cuối tháng 11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vé đã được bán hết. Việc đó có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tổng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch Những người khốn khổ, hoàn toàn không ngạc nhiên.
Thanh Niên đã trò chuyện cùng chị, nghe chị nói về con đường để Những người khốn khổ từ giấc mơ lên sân khấu nhạc kịch Việt.
Ý tưởng thực hiện vở nhạc kịch đồ sộ như Những người khốn khổ đã bắt đầu từ khi nào, thưa chị?
- NSƯT Trần Ly Ly: Thực ra, nói một cách chân thành, đó là ngay khi tôi về công tác tại nhà hát vào tháng 3.2018. Ước mơ của tôi là nhà hát được làm những vở vũ kịch và nhạc kịch lớn, mà đa phần là những tác phẩm kinh điển của thế giới bởi có như vậy nhiều người Việt Nam mới thấy quen thuộc, biết đến, dễ đồng cảm hơn.
|
Năm ngoái, nhà hát đã làm vở ballet Hồ Thiên Nga, thì năm nay phải làm một vở nhạc kịch lớn. Một nhà hát chuyên nghiệp không thể làm một chương trình rồi đứng lại, mà phải tạo nên sức lan tỏa của sản phẩm. Bởi vậy, năm nay chúng tôi quyết định làm Những người khốn khổ, và những năm sau đó có thể là Bóng ma trong nhà hát, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà…
Chị không có ý định Việt hóa vở diễn này, diễn viên sẽ hát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì sao vậy?
Đó là một cách nói, còn cách khác rộng hơn là xóa nhòa ranh giới “quốc tịch” trong tác phẩm. Trước hết, phần âm nhạc bằng tiếng Anh đã rất hay, và tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế. Hơn 34 diễn viên đến từ Dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội Voices là người nước ngoài cùng tham gia dự án này.
Hơn nữa, tiểu thuyết Những người khốn khổ cũng là một tác phẩm mang tính quốc tế, trở thành tài sản vô giá của toàn thế giới. Bên cạnh đó, tác phẩm mang giá trị đến thời điểm hiện tại, cho thấy sự xóa nhòa ranh giới về không gian, thời gian. Vậy thì vì sao chúng ta lại cứ phải bắt buộc vở diễn phải sử dụng tiếng Việt một cách khiên cưỡng.
Tuy vậy, có thể hiểu Việt hóa ở đây là việc những người tham gia là người Việt, mang dòng máu Việt thì tự nhiên tác phẩm mang “hồn” Việt. Chứ chúng tôi không đi theo cách tiếp cận phải cố để thể hiện “cái tôi”: đã là Việt hóa thì phải hát lời Việt.
Nhưng việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài có thể là thách thức đa phần công chúng trong nước?
Thách thức với ngay cả diễn viên nữa. Họ chủ yếu là người Việt. Vì vậy, với họ, từ phát âm tiếng nước ngoài, hát tiếng nước ngoài, cho đến tiếp cận văn hóa của nước ngoài đã là khó, chưa kể những người tiếp nhận.
|
Tuy nhiên, hát luôn có tính nhạc. Bởi vậy, có những ca khúc không cần chuyển sang Việt ngữ khán giả cũng có thể cảm nhận được. Hơn nữa, một tác phẩm nhạc kịch thường có đường dây, có câu chuyện, trong đó có kịch tính, mẫu thuẫn tạo nên sự liên kết, logic.
Chúng tôi cũng cho chạy bản phụ đề, hay bản chương trình bằng tiếng Việt hỗ trợ khán giả. Tuy nhiên, tôi nghĩ, những khán giả đến xem nhạc kịch cũng như những chương trình nghệ thuật khác, họ đã có những cách khai thác, tìm hiểu từ trước về những gì mình sẽ xem.
Buổi công diễn Những người khốn khổ sắp diễn ra, nhưng để có ngày hôm nay, là một hành trình không hề dễ dàng?
Có nhiều khó khăn, nhưng nếu khi làm mà cứ nghĩ đến khó khăn thì không thể làm được. Chẳng hạn, bây giờ mình chỉ có 3 đồng, mình làm xong là tiêu hết 10 đồng, vậy 7 đồng kia sẽ ở đâu ra. Nhưng nếu bây giờ mình chỉ làm đúng 3 đồng, thì sản phẩm làm ra không bán được. Chất lượng sản phẩm mà thị trường cần phải là 10 đồng.
Vậy nên, mình phải tính được làm thế nào để khi ra sản phẩm phải thu được 7 đồng, ít ra hoà vốn để cho anh em có một chút thu nhập, không thì mọi người sẽ sống thế nào.
|
Hơn nữa, tôi không muốn làm sản phẩm trong thời gian ngắn, bởi như vậy sẽ không có chất lượng. Một vở diễn cần được chuẩn bị trong thời gian ít nhất 6 tháng, thì tiền cũng phải nhân lên 6 chứ, thậm chí là hơn. Tiền nhà nước cấp chỉ cho những cái cơ bản thôi, mình không thể đòi hỏi hơn được, vậy phải làm thế nào? Câu trả lời chỉ có thể là sự dũng cảm thôi.
Bên cạnh đó, mình thiếu những người chuyên nghiệp ở nhiều khâu, ví dụ như thiết kế trang phục. Vậy lại phải tính tiếp để làm sao đi tìm những con người chuyên nghiệp, thu phục họ với khoản tiền rất hạn chế. Tôi phải dùng mối quan hệ cá nhân để nhờ vả và cả tình yêu với nghệ thuật để quyến rũ họ đồng hành với mình.
Từ việc thu phục nhân lực cho đến khi có thành phẩm cũng không dễ, bởi những con người đó có thể thấy chán và rút khỏi dự án bất cứ lúc nào nếu quá trình hoạt động không tốt. 200 con người là 200 cuộc sống, mà cuộc sống nào cũng có những khó khăn, vấn đề riêng. Chỉ cần một vài mắt xích bị lỏng ra là dây xích đã rệu rã. Vậy nên, khi mắt xích nào bị lỏng phải tìm bít lại ngay hoặc phải thay thế, phải làm thế nào để con tàu vẫn tiếp tục đi.
Có những cái mình đã lên kế hoạch nhưng mọi việc lại không theo đó. Có những cái mình đã định hướng rồi như mời một người rất giỏi nhưng họ làm ra sản phẩm không thành công... Việc giải quyết thế nào đều là những khó khăn. Đó mới chỉ là những điều tổng quan, còn chi tiết thì hàng tỉ thứ khó khăn khác nữa.
Nghệ sĩ ai cũng cần có lý tưởng
Vậy, chị nghĩ điều gì đã giúp con tàu của mình vượt qua những đoạn đường khó khăn để đi đến đoạn đường hiện tại?
Bạn hãy thử xem các nghệ sĩ tập luyện, từ sáng các nghệ sĩ đã luyện thanh, cùng dàn nhạc tập đến quá trưa mới nghỉ và tiếp tục tập đến tối một cách say mê.
Với công việc, ngoài mục đích đạt đến nhu cầu về vật chất, tôi nghĩ nghệ sĩ ai cũng cần có lý tưởng. Lý tưởng ở đây là nghề nghiệp được phát triển, đơn giản vậy thôi! Họ được tự hào với cái họ đang làm, tự hào với con cái, với bản thân họ, với xã hội. Điều đó còn cao hơn cả tiền bạc.
Những nghệ sĩ ở đây đều phải đi kiếm tiền chỗ khác. Bởi lương không đủ. Bản thân giám đốc cũng thế, chỉ có 6 triệu thôi. Tôi đang nói câu chuyện rất chân thành. Bởi vậy, sự say mê, đoàn kết, cùng chung một mục đích rất quan trọng.
Tôi luôn luôn khát khao nghệ thuật cao, mọi người nhìn thấy ước mơ của tôi và muốn mơ cùng tôi. Đó là hạnh phúc của tôi!
Vé của 4 đêm diễn vở nhạc kịch đã được bán hết. Chị có nghĩ việc đó cho thấy tiềm năng của thị trường nhạc kịch tại Việt Nam?
Nếu không nhìn thấy tiềm năng thì tôi đã không bao giờ làm. Tôi nhìn thấy tiềm năng ngay khi chưa hề có dấu hiệu gì. Tôi nghĩ đó là con mắt nhìn cần có của một người đứng đầu.
Tất nhiên, trong quá trình mình làm không phải lúc nào cũng như mình tính toán, nhưng nhìn thấy tiềm năng là vấn đề cơ bản để mình làm.
Như khi bạn biết cây cầu có một nhịp bị yếu, bạn có thể bị ngã khi đi qua, nhưng nếu vượt qua sang bên kia, bạn chắc chắn hái được bông hoa.
Bông hoa đó chính là việc thể hiện cho tiềm năng. Bởi vậy, cách giải quyết là đưa ra phương án để vượt qua cây cầu, chứ không phải là cứ đi lên cầu rồi lúc đó mới tính!
Bình luận (0)