Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Huệ Hữu, người đứng đằng sau thương hiệu Hữu Là La còn khiến mọi người phải thán phục khi mở thành công chuỗi homestay Phơri's House trên khắp đất nước.
Xây dựng sự nghiệp bằng 5 triệu đồng
* Chị từng nói: “Thời trang đến với chị vì nó là duyên”. Vậy thì homestay Phơri's House được ví như thế nào trong cuộc đời của chị?
- NTK Hữu Là La: “Mọi thứ đến đều là duyên”, chứ không phải thời trang đến với tôi là duyên. Vì thời trang là niềm yêu thích của tôi từ nhỏ. Tôi đã từng làm thời trang từ lúc còn là sinh viên. Phơri’s House thì đúng là duyên. Tôi đi du lịch rồi thích vùng đất đó và thấy người ta đang làm homestay không đạt chuẩn. Nên ban đầu tôi mua đất, làm một căn nhà nhỏ, mùa hè về nghỉ dưỡng, thời gian còn trống thì cho thuê. Tôi muốn có nhà tắm đạt chuẩn, muốn phân loại rác, chỉ nhận khách nghỉ dưỡng lịch sự, tự dọn dẹp bếp sau khi ăn xong… Nhưng sau đó được mọi người yêu mến nên trong vòng 1 năm tôi phát triển thành chuỗi 11 căn Phơri’s House.
* Người ta nói chị rẽ hướng qua làm homestay vì đã mất hết cảm hứng trong công việc thiết kế thời trang?
- Tôi không quan tâm lắm mọi người nghĩ gì. Tôi vẫn phát triển thêm cửa hàng ngay trung tâm phố cổ Hà Nội và Hội An. Bạn biết không, nếu suốt ngày quan tâm đến những đồn thổi từ những người không hiểu bạn thì sẽ chẳng khi nào có thời gian phát triển chuỗi của mình và… cả hạnh phúc nữa.
|
Tôi làm homestay là do niềm yêu thích. Tôi thích tự thiết kế, decor các cửa hàng của mình. Tôi còn tự thiết kế nội thất, chăm chút từng chi tiết vải cho từng căn homestay. Những người bạn thân thiết của tôi biết rõ điều này bởi họ từng chứng kiến, mỗi khi có 1 căn nhà mới, tôi lại lôi giấy bút ra, miệt mài vẽ. Khi ấy tôi sẽ rơi vào trạng thái không quan tâm đến xung quanh, tôi cứ vừa nghĩ, vừa lẩm bẩm, vừa vẽ, lại mỉm cười. Cho đến khi tôi ngẩng lên, nhìn vô mặt bạn mình cười như 1 đứa ngẩn, nói: “Tao đã nghĩ xong toàn bộ căn nhà sắp tới”. Thường thì quy trình đó sẽ diễn ra trong vòng nửa tiếng cho 1 căn nhà. Tất cả vẫn chỉ là đam mê thiết kế của bản thân tôi. Tự do, và không bị kìm hãm bởi bất kì ai.
* Khó mà tin được chỉ với số vốn khởi nghiệp là 5 triệu đồng mà trong vòng 4 năm từ một gian hàng quần áo nhỏ tại phiên chợ trời chị đã gây dựng được chuỗi cửa hàng áo dài thêu tay và chuỗi homestay Phơ ri’s House?
- Đó là sự thật. Tôi có nhiều người bạn thời đó cùng tôi khởi nghiệp từ gian chợ trời mà. Có anh bây giờ là chủ của chuỗi cửa hàng Cổ và Cũ. Có bạn là chủ của cửa hàng bán đồ da, có bạn là thiết kế thời trang chính cho một công ty, có bạn thì rẽ hướng, chỉ chuyên tâm làm thiện nguyện. Tất cả chúng tôi vẫn liên lạc qua Facebook, lâu lâu gặp ở ngoài vẫn vỗ vai nhắc chuyện ngày xưa. Không lâu lắm, chỉ mới hơn 4 năm một tí chứ mấy.
Vẫn có nhiều người thời đó bán cùng, từng thú nhận trên Facebook với tôi là thời đó, thấy tôi cà lơ phất phơ, mặc đồ thì quái dị, bạn ấy đã nghĩ, tôi không thể làm nên cơm cháo gì được, ngoài việc bán mấy bộ quần áo vải gì mà nhăn nhăn nheo nheo. Nhưng bạn rất bất ngờ khi chưa đầy 1 năm sau, tôi có cửa hàng đầu tiên, rồi tôi không ngừng phát triển hơn. Bạn ấy nói, tôi chính là 1 bài học cho bạn, rằng đừng nhìn bề ngoài của ai đó để phán đoán. Tôi cũng cười với bạn, nhưng mà thực tế tôi có nói: “Ủa nhìn bề ngoài tôi phong thái lắm chứ bộ, giỡn quài”.
Với 5 triệu, tôi ban đầu làm và tự thiết kế bán trang sức, làm sổ may tay và tôi may một vài bộ quần áo nhỏ, bán vài bộ quần áo cũ tái chế, cũng thật may mắn là tôi bán rất đắt hàng. Có lẽ các bạn thích các thiết kế của tôi. Sau đó số vốn của tôi nhân lên 10 triệu đồng, tôi lại đổ toàn bộ tiền vào để làm hàng, mở rộng gian bán hàng cuối tuần.
Quan trọng là không trông mặt bắt hình dong, ai tôi cũng tư vấn nhiệt tình, không mua tôi đều vui vẻ, chẳng lấy gì làm khó chịu. Nếu có ai nhìn tôi với ánh mắt kiểu như, học Đại học Mỹ thuật mà đi làm con bán quần áo chợ trời, tôi cười. Không có gì đáng cười hơn một người không biết công nhận giá trị lao động đích thực của bạn, sự nỗ lực của bạn.
Cứ như vậy, tôi trích ra một phần để dùng và nuôi con, còn lại tôi tập trung hết vào phát triển. Với Phơri’s House cũng vậy mà thôi. Kinh doanh nhỏ như tôi phụ thuộc nhiều vào tính cách cá nhân, nếu bạn quá keo và quá tính toán, đương nhiên sẽ gặp khó khăn. Tin tôi đi. Bạn cho đi 1, bạn sẽ nhận lại được 10. Đó cũng là một trong những nguyên tắc sống của tôi.
|
* Có câu “cơm áo không đùa với khách thơ”. Có bao giờ khiến chị đứng giữa làn ranh phải lựa chọn giữa việc bán cho được nhiều đồ cho khách hàng và thiết kế những trang phục mà mình thật sự tâm đắc không?
|
|
“Mà tôi nhanh giàu thiệt”
* Tôi đã đọc nhiều bài viết về chị có một chi tiết: “Vì muốn có thời gian chăm sóc con và cho con bú sữa mẹ. Thế nên tôi quyết định, từ nay tôi sẽ dùng ít tiền lại, kiếm tiền từ cửa hàng của chính mình, để tôi chỉ làm việc vào cuối tuần, thời gian còn lại để chăm con. Đó là lý do tôi chọn việc khởi nghiệp”. Không phải khởi nghiệp sẽ khiến cho người ta bận rộn hơn sao ạ?
- Nói khởi nghiệp cho oai, vì mọi người hay hỏi khởi nghiệp thì tôi trả lời câu hỏi luôn, chứ thực ra tôi có ý định khởi cái gì đâu. Lúc ấy, nói đúng ra, tôi rất thích buôn bán, kinh doanh. Nó cho tôi làm điều tôi thích, theo ý mình, lại kiếm được tiền, tôi thiết kế và buôn bán giỏi mà. Rồi lại không phải đi làm một tuần 5 ngày, tôi chỉ bán cuối tuần, các ngày còn lại có thời gian chăm con, cho con bú. Tiện tứ bề mà, nên tôi chọn việc đi bán hàng ở chợ trời. Quan trọng là tôi thấy rất vui chứ tôi không đặt ra mục đích gì to lớn lúc ấy.
* Đứng trên cương vị là một người kinh doanh thì khách hàng có phải là thượng đế không ạ?
- Tôi luôn luôn coi khách hàng là bạn mình là đối tác, không phải thượng đế. Mà là đối tác thì luôn có sự tôn trọng và công bằng. Tôi vẫn luôn có cái tôi nghệ sĩ từ ngày đầu cho đến bây giờ, không bao giờ thay đổi. Nhưng cái tôi của tôi là cái tôi của sự tôn trọng, của sự tự do trong tâm tưởng, của văn minh, của bảo vệ thiên nhiên. Những khách hàng của tôi lại yêu mến cái tôi ấy của tôi, nên tôi chẳng chiều chuộng gì khách cả, vì tôi đã yêu mến họ sẵn như họ yêu mến tôi rồi. Khi xảy ra sự cố, chỉ cần đặt mình vào vị trí của đối phương, đôi bên sẽ dễ dàng giải quyết. Tất cả chỉ dựa trên tiêu chí văn minh, tôn trọng lẫn nhau.
* Chị nghĩ sao khi nhìn vào những gì chị đang đạt được, người ta đánh giá rằng chị nhanh giàu?
- Chắc tại thấy tôi đi du lịch nhiều quá nên đánh giá tôi nhanh giàu. Mà tôi nhanh giàu thiệt. Vì với tôi, tôi được đi du lịch khi tôi muốn, đi chơi với con đến nhiều nơi trên thế giới, mỗi năm vài lần, khi mỏi mệt, tôi lại nằm nhà mở jazz ra nghe, rồi đọc sách, tưới cây ngoài vườn.
Hằng năm tôi trích % lợi nhuận hỗ trợ vài em học sinh nghèo đến trường, để đường học của các em không bị đứt đoạn. Như thế đã là giàu rồi. Đời người sống được bao nhiêu năm, giàu bao nhiêu mới là đủ. Tôi thấy tôi giàu hơn nhiều đại gia khác, vì tôi có thời gian cho chính mình, và thời gian cho con gái Phơri.
* Tự bản thân chị nhìn nhận thì chị nghĩ mình đã thành công chưa?
- Lần trước có cô bé từng hỏi tôi câu này, tôi nghĩ thành công của tôi là tôi đã sống hạnh phúc. Bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy .
|
* Có một vài bạn trẻ cho rằng họ sẽ cố gắng làm việc cật lực rồi nghỉ hưu sớm ở tuổi 40. Chị nghĩ sao về quan điểm này? Chị nghĩ chị sẽ nghỉ hưu vào năm bao nhiêu tuổi?
- Tôi làm việc thông minh, tôi không cật lực làm việc rồi bán sức khỏe, về già lại vô bệnh viện nằm. Hoặc cật lực cho đến năm 40 tuổi rồi lúc ấy muốn trekking, có khi không trekking được nữa.
Tôi cũng dự định sẽ nghỉ ở tuổi 40, nhưng tôi không cật lực ở bất kỳ thời gian nào. Tôi sắp xếp quy trình công việc cho nhân viên hợp lý. Tôi đi khám phá nhiều nơi ngay từ bây giờ, tôi thưởng thức một tách cà phê ngon ngay từ bây giờ. Khi cần tôi nghỉ ngơi đọc sách ở nhà hay vào rừng chỉ để đọc sách rồi về. Bạn không bao giờ biết trước tương lai hay ngày mai. Dự định vẫn chỉ là dự định. Ngay lúc này mới là điều quan trọng nhất .
* Có lần chị bảo rằng: “Một tháng sẽ dành cho Phơri 25 ngày và dành 5 ngày cho mình và 5 ngày ấy chỉ dành cho riêng tôi thôi”. Đó là trong cuộc sống riêng tư còn trong công việc thì chị dành bao nhiêu ngày cho chuyện sáng tạo, bao nhiêu ngày cho kinh doanh?
- Thật sự thì con số 25 và 5 ấy chỉ là ước lượng, chứ tôi không phải người biết sắp xếp chính xác như thế. Tôi cân bằng theo cảm giác. Tôi không bao giờ quá chú ý công việc mà bỏ rơi con. Công việc thì tôi xử lý theo tiến độ list công việc tôi vạch ra cho chính mình vào đầu tháng, đầu tuần. Thường thì tôi xử lý cả 2 việc cùng lúc, bạn trợ lý thân thiết của tôi cũng phụ tôi xử lý. Về sáng tạo, tôi sáng tạo ở tất cả các nơi, bất kỳ đâu, có khi vào lúc nửa đêm.
* Hầu như những bài báo viết về chị đều “giật tít” rằng chị là bà mẹ đơn thân. Bà mẹ đơn thân có thể là được mọi thứ như: chăm con tốt, tạo dựng được sự nghiệp… có phải là điều mà chị hướng đến không? Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Đúng như ngôn từ bạn đã dùng“ “giật tít”. Có lẽ bạn làm báo sẽ hiểu tại sao báo chí thời nay phải có những tiêu đề để gây sự chú ý. Thực ra như tôi đã chia sẻ khi nói chuyện thân tình cùng bạn, tôi không hề ủng hộ các mẹ tự làm mẹ đơn thân. Các bạn vẫn nên có gia đình khi có thể. Bởi vì, làm mẹ đơn thân thực sự rất cực, bạn phải chu toàn quá nhiều thứ, khi mà thay vì nó sẽ được chia sẻ bởi người bạn đời vững chãi.
Nhưng cũng không vì vậy mà chịu đựng một người không hợp với mình, hãy sống theo bản năng của người đàn bà, hãy cảm nhận từ sâu bên trong mình để thấy lựa chọn thế nào là đúng đắn nhất với mình. Chỉ có mình mới hiểu mình đúng nhất.
Tôi đang đơn thân, tôi có nhiều người yêu thương. Tôi nuôi dạy con rất tốt, sự nghiệp ổn định. Đó chính là lí do tôi không nói bạn gái phía trên chỉnh tiêu đề “giật tít”. Vì tôi muốn truyền năng lượng tích cực, sức mạnh ý chí và niềm tin của tôi cho nhiều bà mẹ đơn thân khác. Mẹ đơn thân, chắc chắn khó khăn. Nhưng không có điều gì là không thể vượt qua.
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)