Nữ bác sĩ đầu tiên tham gia tổ cấp cứu đường không từ Trường Sa

25/06/2022 17:09 GMT+7

Bác sĩ Trần Thị Hải Anh mới 26 tuổi. Cô là nữ bác sĩ đầu tiên tham gia tổ bay cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175, đưa bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) về đất liền.

Bệnh viện Quân y 175 cho biết, hồi 13.6, đơn vị vừa điều trực thăng ra bệnh xá đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) để cấp cứu ngư dân P.H.N bị đột quỵ. Điều đặc biệt là tổ cấp cứu đường không này lần đầu tiên có một nữ bác sĩ tham gia.

Sứ mệnh của người thầy thuốc

Bác sĩ Trần Thị Hải Anh đang công tác tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Quân y 175. Kể về chuyến bay cấp cứu ngư dân đầu tiên của mình, cô có nhiều cảm xúc đan xen: hồi hộp, lo lắng, tự hào, trách nhiệm.

Cô gái trẻ kể lại, bệnh viện nhận thông tin ngư dân P.H.N đang câu mực tại khu vực gần đảo Song Tử Tây thì có biểu hiện mệt mỏi, ý thức chậm dần, cấm khẩu, liệt nửa người phải, được đưa vào bệnh xá đảo Song Tử Tây để cấp cứu.

Bác sĩ Trần Thị Hải Anh, 26 tuổi, bác sĩ nữ đầu tiên tham gia tổ cấp cứu đường không

trần chính

“Qua hội chẩn bằng hệ thống Telemedicine, nhận định bệnh nhân nguy cơ diễn biến phức tạp, suy hô hấp tiến triển, có thể tử vong, chỉ định đưa bệnh nhân về đất liền điều trị. Tôi xung phong tham gia cấp cứu, phấp phỏng không biết có được lãnh đạo đồng ý không. Khi quyết định đưa trực thăng ra đón bệnh nhân, tôi biết mình được đi cùng, lúc đó, vinh dự không nói thành lời”, bác sĩ Hải Anh kể lại.

Đó là lần đầu tiên cô tham gia tổ cấp cứu. “Tôi cũng lo lắng, không biết có đảm đương được nhiệm vụ hay không, hay điều kiện cấp cứu có khắc nghiệt không… Chỉ huy và các đồng nghiệp đã động viên tôi rất nhiều. Khi bước chân lên trực thăng, những lo lắng ấy vơi dần”, Hải Anh chia sẻ.

Tổ cấp cứu của Bệnh viện Quân y 175 xuất phát lúc 13 giờ ngày 13.6 tại sân bay Tân Sơn Nhất và đến đảo Song Tử Tây lúc 19 giờ.

“Thú thực, có bay ra đảo mới cảm nhận sâu sắc hơn những nét đẹp, sự hùng vĩ, niềm tự hào của Tổ quốc mình. Đến nơi, tổ cấp cứu được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đảo đón rất nồng hậu, khi đó, tôi càng thấm thía hơn giá trị của y tế biển đảo”, bác sĩ Hải Anh kể.

Việc kiểm tra đánh giá tình trạng bệnh nhân và đưa bệnh nhân lên máy bay được triển khai nhanh chóng. Chuyến bay rất may mắn không gặp trở ngại về thời tiết.

Bác sĩ Trần Thị Hải Anh tham gia tổ cấp cứu đường không, cấp cứu ngư dân nguy kịch từ đảo Song Tử Tây

trần chính

“Lúc ấy, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch. Khi máy bay lên cao, áp suất giảm có thể làm nặng thêm phù não nên tổ cứu cấp đề xuất phi công bay thấp hơn bình thường để giữ ổn định các chỉ số cho bệnh nhân. Quãng đường bay về rất dài lại vào ban đêm, cả tổ luôn theo dõi sát sao các chỉ số của bệnh nhân”, nữ bác sĩ trẻ cho hay.

Khi máy bay đáp nóc nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 khuya 13.6, thấy tất cả các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn duy trì ổn định, Hải Anh nhẹ nhõm, nhưng tâm thế ai cũng khẩn trương điều trị, theo dõi bệnh nhân.

Nữ bác sĩ trẻ cũng cho hay từ lâu cô đã rất ngưỡng mộ các y bác sĩ tham gia cấp cứu đường không, bởi điều đó không chỉ là sứ mệnh của người thầy thuốc với bệnh nhân, mà còn góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, bám trụ nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trui rèn từ những ngày chống dịch khốc liệt

Bác sĩ Hải Anh học Hệ Dân sự tại Học viện Quân y, sau đó xin về Bệnh viện Quân y 175. Trong thời gian chờ đợi phân công về chuyên khoa, cô làm việc tại khoa hồi sức, cấp cứu để bồi dưỡng thêm kiến thức. Năm ngoái, bác sĩ Hải Anh được điều động vào Trung tâm hồi sức Covid-19 của bệnh viện.

Cô nhớ lại, đó là những ngày tháng vô cùng khốc liệt. Mặc dù lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm, nhưng điều kiện làm việc, sinh hoạt còn nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

“Từ việc chứng kiến các ca thở máy tăng dần đến khi cao điểm là tháng 8 - 9.2021, số bệnh nhân quá tải, số ca tử vong tăng. Tôi bất lực khi thấy bệnh nhân ra đi. Xót xa, tủi hận, hoang mang, stress... là những gì mà tôi có thể nói. Nhưng tôi tự nhủ rằng mình phải gượng dậy, chiến đấu vì những bệnh nhân khác”, Hải Anh kể lại.

Cô nói thêm: “Nhưng tôi cũng nhớ mãi việc trực tiếp điều trị thành công một bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau gần 2 tháng. Không thể tả nổi cảm xúc khi thấy bệnh nhân được cai máy, rút ống nội khí quản và ra viện… Điều ấy không phải gì lớn lao, nhưng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sức sống, nghị lực của người bệnh; giá trị của cuộc sống và cả giá trị, trách nhiệm của mình - một người thầy thuốc”.

Bác sĩ Trần Thị Hải Anh được trui rèn từ những ngày tháng chống dịch khốc liệt từ Trung tâm hồi sức Covid-19

trần chính

Có lẽ chính vì trải nghiệm cũng như khối lượng kiến thức thực tiễn khổng lồ được tích lũy trong thời gian đó mà bác sĩ Hải Anh mong muốn trở thành một bác sĩ hồi sức. Việc tham gia tổ cấp cứu ở đảo Song Tử Tây không chỉ là trải nghiệm không quên, mà còn là cơ hội, như cô nói, là thực hiện sứ mệnh của mình và để vượt qua chính mình.

Công tác cấp cứu đường không do Bệnh viện Quân y 175 tiên phong thực hiện. Tham gia tổ cấp cứu này đòi hỏi thành viên phải có chuyên môn chắc, tốt, sức khỏe tốt, tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao để có thể theo dõi tình hình bệnh nhân trong suốt chuyến bay.

Thượng tá, bác sĩ CKII Vũ Đình Ân, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175, cho biết tinh thần, bản lĩnh, năng lực chuyên môn của bác sĩ Hải Anh rất đáng ghi nhận. Đó cũng là điều khoa luôn bồi đắp, thôi thúc lực lượng bác sĩ trẻ luôn tin vào truyền thống bệnh viện, của khoa, vào năng lực chuyên môn, luôn vượt qua mọi thử thách, dám nhận việc khó, phức tạp để không ngừng tiến bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.