Chuyến bay đêm
Chuyến bay HVN68 của Vietnam Airlines khởi hành lúc 21 giờ ngày 9.2 từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) chở theo hàng hỗ trợ, trang thiết bị y tế trị giá 500.000 USD của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, góp phần phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) mới.
Máy bay sau đó khi về cũng đảm đương nhiệm vụ đón 30 công dân Việt Nam từ TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước. Ngoài phi hành đoàn, còn 3 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sĩ sản khoa, để chăm sóc nữ hành khách mang thai 36 tuần.
Bác sĩ N.T.H.P (31 tuổi), công tác tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội), là một trong những nhân viên y tế có mặt trên chuyến bay này.
|
Chia sẻ hành trình, bác sĩ P. cho hay: ‘‘Lúc đầu, được tin sẽ tham gia đoàn công tác, tôi khá lo lắng vì không biết về sẽ cách ly như thế nào, đặc biệt là không biết trong quá trình đi, thai phụ có vấn đề gì không?!’’.
“Sau khi nhận nhiệm vụ, tham dự các cuộc họp với Bộ Y tế, Cục hàng không, trao đổi với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và hàng ngày nhắn tin, trao đổi cùng mọi người trong đoàn, tôi đã biết được lịch trình, việc sàng lọc, sắp xếp công dân, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ… Với những thông tin ấy, mình thấy yên tâm hơn rất nhiều, vì mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo”, bác sĩ P. chia sẻ.
Lập kế hoạch cho ca sinh trong chuyến bay
''Khi được thông báo là có 1 thai phụ mang thai khoảng 8 tháng trong số 30 công dân về nước. thân tôi đã chuẩn bị một số tình huống có thể xảy ra như: thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay; hay bị tiền sản giật, sản giật; hay bị rau tiền đạo ra máu; bị dọa đẻ non'', bác sĩ P. chia sẻ.
Với sự giúp đỡ của các thầy cô, đồng nghiệp, bác sĩ P. đã chuẩn bị các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu xảy ra một trong các tình huống trên cho sản phụ.
‘‘Nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Cục hàng không, Cục lãnh sự (Bộ ngoại giao), tôi đã có số điện thoại để liên lạc với bố thai phụ, và qua đó tôi đã kết nối được với thai phụ”, bác sĩ P. chia sẻ về quá trình tìm kiếm thông tin về thai phụ sẽ ở về từ vùng dịch Vũ Hán trên chuyến bay.
‘‘Sau khi kết nối được với thai phụ, cô ấy đã cung cấp tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm trước đó. Dù 1 tháng qua có dịch, không đi khám thai được, nhưng thai phụ cũng cung cấp cho bác sĩ tình trạng của bạn ấy tiền sử khỏe mạnh, mang thai con so, thai hết 36 tuần, quá trình khám thai hoàn toàn bình thường’’, bác sĩ P. thông tin.
Tinh thần đồng đội áo trắng
Theo bác sĩ P., sau khi biết tình trạng sức khỏe của thai phụ, nữ bác sĩ đã tham vấn ý kiến các giáo sư, bác sĩ đầu ngành và thay đổi một chút đồ y tế mang theo, cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư chuẩn bị chu đáo nhất có thể cho chuyến đi này.
|
Một bác sĩ trẻ, chưa lập gia đình, khi tham gia một chuyến bay đặc biệt với mục đích đưa công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước, đã khiến những người thân trong gia đình bác sĩ P. ít nhiều lo lắng, nhưng cả nhà đều ủng hộ và động viên bác sĩ P. nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành.
“Lúc nhận nhiệm vụ, người duy nhất tôi không dám thông báo là bố, vì sợ bố lo lắng khi biết tôi tham gia chuyến đi này”, bác sĩ P. xúc động kể.
Đến thời điểm này, sau khi hoàn tất nhiệm vụ với chuyến bay đặc biệt trên, bác sĩ P. là một trong 3 nhân viên y tế cùng 15 phi hành đoàn của chuyến bay đang được cách ly.
Bình luận (0)