Nữ bệnh nhân ung thư 63 tuổi hiến giác mạc cứu mắt 2 nam thanh niên

26/10/2020 12:56 GMT+7

Hiện có hàng ngàn người chờ ghép giác mạc nhưng chỉ có vài người hiến giác mạc mỗi năm.

Ngày 26.10, Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM họp báo thông tin báo chí về việc ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân khó khăn từ nguồn giác mạc của bệnh nhân ung thư hiến tặng.

Nữ bệnh nhân ung thư hiến giác mạc giúp hai người đàn ông tìm lại ánh sáng

Người phụ nữ tốt bụng

Bác sĩ Trần Thanh Danh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, bà H.T.Th (63 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM bị ung thư ngực và đã đăng ký hiến giác mạc tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngày 19.10, bà Th. mất tại nhà riêng. Nhân viên ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM đến lấy 2 giác mạc từ người hiến đưa về bảo quản, đồng thời làm các xét nghiệm để đảm bảo giác mạc không bị bệnh lây nhiễm.
Song song đó, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo sàng lọc danh sách và tìm được 2 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn để ghép giác mạc.
Sáng 23.10, Bệnh viện Nguyễn Trãi đã phối hối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tiến hành ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân. Mỗi ca nghép giác mạc được tiến hành trong 45 phút.
Sau mổ ghép giác mạc, sức khỏe 2 bệnh nhân ổn định, đã tháo băng mắt. Sau 1 tháng theo dõi, 2 bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại bình thường.
Bệnh nhân được ghép giác mạc thứ nhất là anh L.Đ.K (27 tuổi, ngụ Tây Ninh). 3 năm trước, anh K. bị tai nạn lao động và bị sẹo giác mạc mắt phải, ảnh hưởng nhiều đến công việc bảo trì máy móc và sinh hoạt. Bệnh nhân đã đăng ký ghép giác mạc nhân đạo tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Bệnh nhân thứ 2 là anh P.V.C (33 tuổi, ngụ An Giang). Lúc lên 4 tuổi, anh C. đi theo gia đình làm lúa thì bị lúa bay vào mắt phải và bị sẹo, từ đó mắt phải anh không thấy gì trong 29 năm qua. Hiện bệnh nhân hiện có vợ, 2 con nhỏ và đang làm thợ hồ tại Bình Dương. Bệnh nhân cũng đã đăng ký ghép giác mạc nhân đạo tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo.
“Lúc tôi còn nhỏ, gia đình nghèo nên ba mẹ gởi cho ông nội, theo ông đi làm đồng (làm lúa) thì bị lúa bay vào mắt. 2-3 ngày sau đi khám thì mắt không thấy được”,anh kể lại.
Cả 2 bệnh nhân cho biết đã nhìn thấy rõ, đồng thời bày tỏ sự biết ơn đến bệnh nhân và gia đình người hiến giác mạc và các y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Bác sĩ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết thêm, 2 bệnh nhân được ghép là 2 bệnh nhân rất trẻ. Hy vọng sau ghép, 2 bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, lao động bình thường và giúp ích được nhiều cho xã hội. Nếu chương trình hiến giác mạc được nhân rộng thì sẽ giúp được nhiều người mù, nghèo.

2.000 người chờ ghép, vài người hiến

Ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, cho biết hiện có 2.000 bệnh nhân nghèo đăng ký xin ghép giác mạc, nhưng mỗi năm chỉ nhận 2 - 3 người hiến giác mạc, tức chỉ ghép được cho 5 - 6 người.
Cũng theo ông Long, có nhiều người hiến tự nguyện nhưng đòi giá quá cao (2.000 USD), nên rất cần người hiến tự nguyện. Cũng có nhiều người đăng ký hiến nhưng khi mất đi, gia đình lại không đồng ý...
Cũng theo ông Long, người có nhu cầu ghép giác mạc thì làm đơn gởi đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Khi có 1 người hiến giác mạc thì Hội lựa chọn người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi lần lựa chọn 5 - 6 người đến khám lại xem có ghép được hay không?
Còn theo bác sĩ Danh, những tiêu chuẩn chọn để ưu tiên ghép giác mạc là người mù 2 mắt quá khó khăn, người trẻ nặng gánh gia đình; ngoài ra do tính cấp bách của giác mạc và những người cần ghép như nhau thì những người đăng ký đầu tiên sẽ được chọn.
“Sau khi ghép xong chúng tôi bố trí đi thăm, đảm bảo sau ghép họ có thể làm việc được để nuôi sống mình. Rất vui vì những ca sau ghép đã có thể làm việc và sinh hoạt bình thường” ông Long cho biết thêm.
Hơn 10 năm qua, khoa Mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi thực hiện mổ mắt mang lại ánh sáng cho người mù nghèo với hơn 600 đục thủy tinh thể, 48-49 bệnh nhân được nghép giác mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.