Bà Trương Thị Minh Tín – Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) cho biết: hai mẹ con bước chân lên thành phố kiếm sống cứ nghĩ đi bán vé số cũng được. Cho nên cuộc sống của tôi cơ cực lắm. Vì vậy khi xuống đường nhìn những người cơ cực, tôi hiểu rõ.
Bà Trương Thị Minh Tín – Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân là một trong những nữ lãnh đạo phường thường xuyên xuống đường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở địa bàn phường. Bà Tín từng hứa rằng nếu đến cuối năm 2017 không lập lại trật tự vỉa hè thì sẽ mời “đồng chí khác lên thay mình”.
Thật vậy, trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, bà luôn thể hiện sự tự tin về công việc lập lại trật tư đô thị mà mình đang làm và tin rằng nó sẽ thành công.
Bà Tín cho rằng từ lúc bà được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch phường đã thể hiện trách nhiệm cao nhất. Bà không muốn mình thể hiện kiểu cách vừa “ta đây” vừa ra lệnh. Bà luôn học hỏi kinh nghiệm từ cấp dưới, gần gũi với anh em. Cho nên bà tự tin anh em cấp đưới đều cùng bà đồng hành vào cuộc.
Video: Những nữ lãnh đạo xuống đường "giành lại vỉa hè" ở TP.HCM
Đoàn liên ngành do bà Trương Thị Minh Tín - Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân, TP.HCM) dẫn đầu đã xử lý rốt ráo nhiều công trình lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn phường.
Bên cạnh đó người dân cũng rất tin tưởng ở bà Tín. Vì bà cho rằng trước kia mình thường đi sâu sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, đến khi vận động người dân vẫn chung tay, ôn hoà tán thành. Cho nên bà nghĩ người dân sẽ ủng hộ hết mình.
“Trong buổi hôm đó có rất nhiều người, kể cả phóng viên và tôi nghĩ khi nói ra rồi thì ai cũng biết. Mà nói cho có thì tôi không làm. Tôi nói là tôi phải làm, đó là tính cách của tôi. Thành ra tôi rất tự tin về kế hoạch dọn dẹp vỉa hè là vậy”, bà Tín kể lại buổi phát biểu với Thành Ủy TP.HCM.
Kể từ khi phát động phong trào xuống đường ở P.Bình Trị Đông B, cứ đến 16 giờ chiều là bà Tín cùng đoàn công tác cùng nhau xuống đường. Cứ thế bà Tín đi đến tận 22 giờ đêm mới về. Đoàn thường xuyên đi qua các cung đường “nóng” như: đường số 7 và đường số 1, đường Tên Lửa, Vành Đai. Các con đường đó thường có những người bán hàng rong rất nhiều.
Giống với những đồng nghiệp nam, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND Q.10 cũng cùng các lực lượng chức năng xuống đường 'giành lại vỉa hè'. Vị nữ Phó chủ tịch quận này cũng có giải pháp cụ thể để giúp bà con buôn bán hàng rong có cơ hội an sinh.
Theo bà Tín, việc xuống đường là công việc chung, bà không thể giao cho cấp phó nào đi. Mà bà luôn đồng hành với anh em ở địa phương, có như vậy mới thành công được.
“Nếu ngồi bàn giấy chỉ đạo còn anh em ra ngoài nhiều người sẽ bất mãn, rồi thành quả đó mình tôi hưởng thì tôi không thích vậy. Tôi muốn đồng hành trong mọi cái sướng, cái khổ với anh em. Chính vì vậy tôi đạt được những thứ mình mong muốn và hy vọng chúng tôi vẫn giữ được tư thế như vậy”, bà Tín chia sẻ.
Bà là một người phụ nữ, việc xuống đường liên tục như vậy có làm bà cảm thấy mệt mỏi không?
Bà Trương Thị Minh Tín: “Đuối thì có đuối. Nhưng còn mệt mỏi vì công việc dồn dập thì không. Công việc triển khai ra mà tôi làm không được còn cảm thấy mất ngủ nữa. Hiện giờ tôi đang trong tư thế phải thực hiện nhiệm vụ này và phải làm cho được mới cảm thấy thoải mái”.
Ở một số nơi mà báo chí đã chỉ rõ có hoạt động “bảo kê” vỉa hè, thì nếu phường Bình Trị Đông B có tình trạng đó thì bà sẽ xử lý như thế nào?
Bà Trương Thị Minh Tín: Trước đây, nhiều cô bác đã đặt vấn đề, điện thoại đến tôi về vấn đề đã phải chung chi trên địa bàn. Tôi chỉ hỏi chung chi cho ai, nếu có thì mang bằng chứng đến gặp tôi. Chứ nói mong lung như vậy tôi sẽ không tin. Còn cô bác nào làm đơn tố cáo cán bộ công chức nào đó thì tôi sẽ báo cáo với Đảng Ủy để có hướng xử lý tới nơi tới chốn. Mấy hôm nay tôi đi xử lý vi phạm thì tôi không nghe ai phàn nàn về chung chi gì, tôi nghĩ anh em ở phường không có vấn đề này.
Ở các quận khác, khi xử lý các hộ dân vi phạm thường áp dụng việc cưỡng chế bằng cách tháo dỡ, có khi các cơ quan nhà nước cũng không nằm ngoài việc đó. Vậy ở phường Bình Trị Đông B xử lý cách nào?
Bà Trương Thị Minh Tín: Ở Phường Bình Trị Đông B có nhiều khu phố xây dựng những mái che bằng tôn khung sắt. Trong đó có 2 khu phố thì cũng tự tháo dỡ, còn trạm y tế của phường cho thuê buôn bán ở phía trước tôi cũng đã làm việc đề nghị dẹp. Khi triển khai cho dân thì theo quan điểm của tôi cơ quan nhà nước phải làm trước dân mới nghe. Khi đi thực tế, có hai nơi bật thềm cao tôi cũng vận động đập bỏ.
Chia sẻ về chuyện cá nhân, bà Tín cho biết, thời tuổi trẻ bà không có được may mắn như người khác. Cuộc sống của bà luôn gắn liền với tháng ngày cơ cực từ ngày ly hôn với người chồng của mình. Tuy nhiên, giờ con bà cũng đã lớn, có cuộc sống ổn định nhưng bà vẫn không quên được những hình ảnh khốn khó năm nào.
“Ngày xưa cũng là một chuỗi nỗi đau của tôi. Tôi yêu chồng tôi từ năm 18 tuổi khi bước vô đại học, 5 năm sau cưới rồi về nhà buôn bán. Nhưng 11 năm sau chúng tôi ly hôn, chồng tôi ôm hết tài sản đi để lại tôi và đứa con trai. Hai mẹ con bước chân lên thành phố kiếm sống cứ nghĩ đi bán vé số cũng được. Suy nghĩ làm sao để thoát khỏi cảnh đó, tôi chấp nhận mọi thứ vô điều kiện. Cho nên cuộc sống của tôi cơ cực lắm, Có những lúc tôi muốn chết đi cho xong. Nhưng tôi vượt qua được” bà Tín kể lại câu chuyện đời mình.
Do đó, bà tâm niệm rằng: mỗi khi xuống đường nhìn những người cơ cực, bà đều hiểu rõ tâm trạng của họ. Bà muốn đặt mình vào vị trí của người bán hàng rong để giải quyết. “Tôi đồng hành với họ, tôi đã trải qua rồi nên tôi chia sẻ với họ điều ấy. Đó là lý do vì sao tôi tự tin sẽ giải quyết được chuyện này”.
Những người bán hàng rong trên địa bàn phường thường có cuộc sống như thế nào?
Những người bán hàng rong này ở đâu chứ không phải trên địa bàn phường. Họ cũng không ở trọ tại phường. Chúng tôi cũng đã có tìm hiểu thì không biết họ ở đâu. Nhưng chúng tôi vẫn giữ việc bình đẳng hài hoà là sắp xếp cho họ một nơi trong chợ để bán. Những người này đều có đặc điểm là đến những vỉa hè có đất trống bán thử. Nếu không có ai đuổi thì họ cố định bán luôn.
Trước khi đi dọn dẹp hàng rong, bà có tìm hiểu hết hoàn cảnh của những người bán ở đây không?
Có chứ, chúng tôi tìm hiểu hết, nhưng họ không ở trên địa bàn của phường. Chính vì vậy hoàn cảnh của họ là ở tạm nhà trọ ở đâu đó, rồi cũng có con cái đi học. Tôi cũng có nói những gì khó khăn cứ trình bày để chúng tôi sắp xếp, hỗ trợ cho nơi bán khác nhưng họ cũng không chịu. Chứ tôi cũng không thể ép họ vô chợ bán được.
Bình luận (0)