Người phụ nữ 'gánh cả bầu trời'
Cuộc trò chuyện vô tình của hai mẹ con chị Tư chợt làm tôi liên tưởng đến nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao khi mà đứa con trai nhỏ muốn giữ lại chú cún con để nuôi nhưng rồi chị vẫn phải bán đi bởi đó là gói mì tôm, là hộp sữa của chồng, của con. Cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là vậy, vất vả đến khắc nghiệt và đầy rẫy những quyết định đau lòng.
Ngôi nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Tư chỉ được lợp mái cọ, khác biệt so với những căn nhà mái ngói, bê tông của xã Bình Thành, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Nhưng nó lại tương đồng mạnh mẽ với dáng vẻ của nữ chủ nhân, gầy gò, nhỏ bé và đôi phần khắc khổ. "Cuộc sống gia đình mình thật sự khó khăn. Thu nhập cả tháng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng. Mình cũng hay ốm đau nhưng không dám chữa trị. Còn phải lo tiền ăn, tiền học cho các cháu, tiền khám chữa bệnh cho chồng, ngày càng nhiều", chị Tư tâm sự.
Chồng chị, người từng là lao động chính, giờ chỉ có thể làm những việc vặt trong nhà sau một tai nạn lao động khiến anh bị giãn xương sườn. Bản thân chị cũng thường xuyên chịu nhiều cơn đau do giãn dây chằng, viêm đại tràng, viêm dạ dày và thoái hóa cột sống, cùng với huyết áp thấp… Hai đứa con tuổi ăn học cũng bị suy dinh dưỡng và chậm lớn. Điều đó cũng phải thôi khi mà họa hoằn lắm, bữa cơm gia đình mới có được quả trứng, miếng thịt. Còn lại, đa phần chỉ là rau luộc và lạc rang.
Những ngày đông lạnh cắt da, khi mà nhiều người còn ngại ra đường thì bước chân lặng lẽ của chị Tư đã miệt mài phải đi hái chè thuê trên những đồi chè. Tiền công chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg nhưng lại là một khoản thu đáng kể. Dẫu vậy, mùa chè cũng chỉ có thời, có vụ nên thu nhập từ việc hái chè cũng lúc có, lúc không. Khi không hái chè, chị nhận sửa quần áo, bằng chiếc máy may cũ kỹ thường xuyên hỏng hóc, nhưng cũng chỉ có một vài khách mỗi tháng. Không oán thán, chẳng so bì, cũng không trông chờ vào bất cứ sự hỗ trợ từ phía bên ngoài, chị Tư nhẫn nại làm việc từng ngày, để lo từng bữa cơm, viên thuốc, hộp sữa cho con, cho chồng rồi cuối cùng mới là cho bản thân mình.
"Mình mong muốn được chăn nuôi lắm vì vừa có thêm nguồn thu, lại quanh quẩn ở nhà chăm chồng con, may sửa quần áo. Nhưng đó cũng chỉ là ước mơ thôi, vì mình không có tiền", đó là mong muốn nhưng cũng là "điểm nghẽn" chị Tư và cả gia đình.
Chị Nịnh Lệ Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thành, chia sẻ: "Gia đình chị Tư thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất bấp bênh nhưng chị ấy là người kiên cường, chịu khó".
"Điểm tựa" Ước mơ xanh
Những tưởng mong muốn ấy cứ mãi là xa vời cho đến ngày chương trình Ước mơ xanh tìm đến chị với một đàn lợn giống 10 con và toàn bộ thức ăn, vật dụng cần thiết để chị có thể khởi nghiệp chăn nuôi. Chị Tư không giấu được xúc động: "Nhận được đàn lợn mà mình vui lắm. Đây là mơ ước từ lâu nhưng mình chưa bao giờ dám nghĩ nó sẽ thành hiện thực. Giờ thì mình có hy vọng để cải thiện cuộc sống gia đình".
Với chị, hành trình chăn nuôi chỉ mới bắt đầu nhưng đầy hứa hẹn và ánh lên trong mắt chị giờ đây là hy vọng, là niềm tin rằng cuộc sống ngày mai sẽ bớt khó khăn hơn. "Ước mơ xanh đã mang đến hy vọng mới, không chỉ về kinh tế mà còn giúp chị Tư có thêm động lực để tiếp tục vươn lên!", chị Nịnh Lệ Thúy cũng không giấu được xúc động khi chứng kiến ngày vui của gia đình chị Tư.
Ước mơ xanh là chương trình hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ yếu thế khởi nghiệp, qua đó tự chủ kinh tế và thay đổi cuộc sống với nguyên tắc hỗ trợ là "Trao cần câu, không trao con cá". Chương trình do Công ty F88 thực hiện từ năm 2024 và đã triển khai tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Lâm Đồng, Bến Tre và Thái Nguyên. "Mục tiêu lớn nhất của Ước mơ xanh không hẳn là trao đi cơ hội thay đổi mà mà là "mở khóa" niềm tin, quyết tâm và sức mạnh của những người yếu thế. Bởi tôi tin rằng, khi có một điểm tựa, một niềm tin, họ sẽ tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn", lãnh đạo F88 khẳng định, "Trong năm 2025 Ước mơ xanh đặt mục tiêu mỗi tháng giúp tối thiểu hai hoàn cảnh khó khăn vươn lên, làm chủ cuộc sống".
Bình luận (0)