Tháng 8.2022, chị N.T.L (39 tuổi, trú tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) theo dõi nhóm Facebook "Tuyển dụng kế toán", thấy một tài khoản đăng tin tuyển dụng nhân viên kế toán online làm công việc nhập số liệu, nên nhắn tin liên hệ.
Bị lừa gần 20 tỉ đồng một cách khó tin
Người phụ nữ cung cấp thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại) rồi được một người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của Công ty Pharmacity, hướng dẫn truy cập vào website chỉ định, dùng số điện thoại của chị L. để đăng ký tài khoản.
Sau khi đăng ký, chị L. được cấp mã số để làm nhiệm vụ. Công việc chính là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa. Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định.
Đáng nói, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đối tượng yêu cầu chị L. nạp tiền trên website. Người phụ nữ nghe theo, 2 lần nạp tiền 160.000 đồng và 3 triệu đồng, được nhận lại lần lượt 250.000 đồng và gần 4,5 triệu đồng.
Sau 2 lần chuyển tiền và rút được lãi, chị L. được thêm vào nhóm nhận nhiệm vụ cao hơn, gặp nhân viên khác hướng dẫn tiếp tục làm nhiệm vụ với số tiền lớn. Lúc này, theo yêu cầu, chị L. đã chuyển khoản 30 triệu đồng nhưng không rút được tiền ra, đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị L. tiếp tục chuyển tiền mới rút được số tiền đã chuyển.
Chỉ trong vòng 6 ngày, từ ngày 25.8 - 30.8.2022, chị L. đã sử dụng 2 tài khoản ngân hàng để 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, với tổng cộng gần 20 tỉ đồng. Lần chuyển ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất đến hơn 4 tỉ đồng.
Sau khi dốc cả gia tài mà vẫn chưa thể lấy lại vốn, người phụ nữ mới biết mình bị lừa, nên đến Công an TP.Hà Nội trình báo. Vào cuộc điều tra, công an phát hiện đứng sau các tài khoản ngân hàng mà chị L. chuyển tiền là một tổ chức chuyên rửa tiền cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, mang tên Jinbian.
Công ty chuyên rửa tiền cho tội phạm xuyên quốc gia
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Hà Nội, Công ty Jinbian là một tổ chức tội phạm chuyên rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian.
Công ty này có trụ sở tại Campuchia, chia làm 8 bộ phận. Bộ phận kỹ thuật phụ trách viết phần mềm, bảo mật hệ thống máy chủ tránh hacker truy cập. Bộ phận hành chính có nhiệm vụ tuyển dụng, trả lương nhân viên và duy trì cơ sở vật chất để công ty hoạt động. Còn các bộ phận khác làm dịch vụ rửa tiền cho nhiều đối tượng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Trong số trên, bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam, do đối tượng Tan Zhi Bao (38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý. Bộ phận này rửa tiền bằng phương thức thành lập cổng trung gian thanh toán để chuyển và nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền vi phạm pháp luật thành tiền "sạch", tức là không thể truy xuất được nguồn gốc tiền.
777pay có khoảng 79 người, chia thành 5 tổ làm việc. Mỗi nhân viên của 777pay và khách hàng đều được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập hệ thống. Theo quy ước, phí thu rửa tiền từ 1 - 3% tổng số tiền được "rửa".
Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng lừa đảo tiền của chị L. đã cấu kết, thuê bộ phận 777pay nhằm "rửa" nguồn tiền phi pháp. 777pay cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L. chuyển tiền, từ đó chiếm đoạt của nạn nhân.
Gần 20 tỉ đồng phi pháp được xóa dấu vết thế nào?
Theo phân công, tổ nhập khoản của bộ phận 777pay là những người trực tiếp gửi các số tài khoản ngân hàng để đối tượng lừa đảo cung cấp cho chị N.T.L chuyển tiền. Sau khi chị L. chuyển gần 20 tỉ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng, nhân viên tổ nhập khoản xác nhận và lên điểm trong hệ thống của 777pay.
Tiền của chị L. chuyển đến, nhân viên tổ tài vụ sẽ thực hiện luân chuyển, chia nhỏ và chuyển tiếp đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau do mình quản lý. Chuỗi hành vi này bị cáo buộc là đồng phạm lừa đảo tiền của chị L.
Trong dòng tiền chiếm đoạt của chị L., cơ quan tố tụng xác định tổ tài vụ đã chuyển gần 14 tỉ đồng để mua USDT (một đồng tiền điện tử). Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo yêu cầu rút tiền về tài khoản ngân hàng và ví điện tử do các đối tượng chỉ định. Tiền lừa đảo từ nạn nhân chính thức được "xóa dấu vết" thành công.
Kết quả điều tra đến nay xác định 21 người liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội. Nhóm này chủ yếu là người Việt Nam, làm nhân viên hoặc quản lý cấp nhóm thuộc bộ phận 777pay. 14 người bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 7 người bị truy tố tội rửa tiền.
Vẫn theo tài liệu điều tra, tên miền 77777.org được đăng ký sử dụng từ tháng 9.2008, có địa chỉ IP tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Từ năm 2008 đến nay, tên miền này thay đổi sang nhiều máy chủ với IP tại nhiều nơi gồm Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore.
Từ tháng 11.2021 đến nay, địa chỉ IP 777pay tại Hồng Kông, do Công ty Google quản lý. Thông tin người đăng ký sử dụng tên miền được đặt ở chế độ ẩn danh nên chưa thu thập được thông tin liên quan đến người đăng ký, quản trị viên.
Đối với Công ty Jinbian, cơ quan điều tra đã có văn bản tương trợ tư pháp gửi Cục Đối ngoại Bộ Công an và Viện KSND tối cao để xác minh nhưng chưa có kết quả.
Quá trình điều tra vụ án, nhiều bị can bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị truy nã. Cơ quan điều tra tách, tạm đình chỉ điều tra vụ án, khi bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý tiếp.
Giữa tháng 4, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án nêu trên. Tuy nhiên, do nhiều người vắng mặt, tòa quyết định hoãn phiên xử đến ngày 15.5 tới đây.
Bình luận (0)