Tuy nhiên, ít ai biết Dalida đã từng đến Sài Gòn và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ thuở ấy.
|
Tuần báo Kịch ảnh số 18 phát hành ngày 30.6.1962 cho biết thêm: “Dalida cao chừng 1,65 m, mặc bộ đồ xanh giản dị, đôi bông tai lớn kiểu Y Pha Nho nổi bật trên nền tóc hung đỏ bới cao. Cặp mắt màu nước biển và đôi môi son lợt đều ngời sáng”. Đáng chú ý, chuyến đi này, ngoài 4 nhạc công, còn có cả chàng họa sĩ đẹp trai Jean Sobieski mới 25 tuổi, người gốc Ba Lan nhưng sinh tại Pháp, chưa nổi tiếng gì. Cả hai cặp kè như hình với bóng. Họ có mối quan hệ thế nào? Thiên hạ tha hồ đồn đoán bởi trước đó, ngày 25.4.1961, Dalida đã ly dị chồng là Lucien Morisse.
Ngay chiều tối hôm đón Dalida quay lại Sài Gòn, ông L’Épine - đại diện khách sạn Caravelle, đã mời Ban Biên tập báo Kịch ảnh, gồm nhà báo Quốc Phong, nhà văn Mai Thảo và đạo diễn Hoàng Anh Tuấn đến khách sạn nhằm mục đích “nghệ sĩ gặp nghệ sĩ” có tính cách “trong nhà với nhau”.
Từ sân bay, Dalida cùng Sobieski về đến khách sạn Caravelle lúc 20 giờ, niềm nở mời mọi người lên phòng riêng số 606 ở lầu 6. “Bây giờ các anh đang ở trong nhà của tôi, tôi là chủ nhà, nay, các anh có thể tự tiện vì chủ nhà Dalida rất quý khách”, cô nói.
Trong lúc trò chuyện, cô cho biết dù đã chia tay Lucien Morisse, không còn là vợ chồng nhưng là “hai người bạn thân nhau nhất trên đời”. Chuyện ly dị của họ xem ra cũng “ngớ ngẩn” lắm: sau 5 năm yêu nhau, họ chính thức kết hôn tại Tòa hành chính Quận 13 Paris, nhưng chỉ sau
3 tháng, do chồng bận việc, một mình Dalida đi Côte d’Azur biểu diễn. Tại đây, cô đã gặp Sobieski trong một hộp đêm và “tiếng sét ái tình” đã nổ ra. Biết chuyện, Lucien Morisse chủ động đề nghị ly dị. Dalida “phải lòng” Sobieski cũng rất lạ đời. “Trong khi mọi người xem Dalida là nhân vật quan trọng, một minh tinh ghê gớm thì Sobieski chỉ đặt nàng vào địa vị người mà chàng yêu”, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn nhận định.
Nhà báo Quốc Phong hỏi: “Dalida cho biết bí mật thành công của cô, để tôi nói lại cho các ca sĩ VN nghe”. Dalida trả lời: “Bí quyết gồm 2 điểm: luyện giọng và gặp dịp may. Con số đem lại may mắn cho tôi là 421”. Tại sao? Cô giải thích: “Tháng 4.1956, tôi đến hát thử cho Bruno Coquatrix - Giám đốc Nhà hát tạp kỹ Olympia và ban giám khảo nghe. Lúc đó, Eddie Barclay - nhà sản xuất băng đĩa, Lucien Morisse - Giám đốc điều hành Đài Europe 1 đang nhậu nhẹt trong một quán cà phê trên đường Caumartin, gần Olympia. Bruno lôi họ đến nghe tôi hát cho vui nhưng họ không chịu. Cuối cùng, Bruno đánh cá nếu họ thua Bruno trong một ván gieo xúc xắc kiểu 421 thì phải tới nghe; bằng không, Bruno sẽ đãi thêm một chầu rượu nữa. Bruno thắng. Cả hai phải đến nghe, khi tôi ca bản L’Étranger au paradis, họ chịu liền. Thế là một “vị” chọn bài hát, còn một “vị” thâu đĩa. Nhờ những đĩa hát của Eddie Barclay mà tôi nổi tiếng”.
|
Những ngày tại Sài Gòn, Dalida đã thực hiện 4 chương trình “dạ hội” chủ đề: “Tất cả cái đẹp trong cái mới”, diễn ra tại rạp Rex và khách sạn Caravelle. Trong buổi diễn đầu tiên tại rạp Rex, với giá vé là 250 đồng/chiếc, ký giả của báo Kịch ảnh đã đến thưởng thức, sau đó, có bài tường thuật trên báo Kịch ảnh số 19 ra ngày 7.7.1962: “Dalida mặc cái “robe” rất giản dị màu hoa cà, tóc để xõa và không có món trang sức nào cả. Với dàn nhạc 5 người, suốt 13 bài liền Dalida đã chiếm trọn lòng tôi, nắm lấy con tim tôi và dìu tôi đến những bến bờ rung cảm mới lạ… Khán giả vỗ tay tán thưởng, Dalida lại trở ra, cười rất tươi và gửi đến tất cả một nụ hôn gió thật duyên dáng. Không một phút trống, Dalida lại tiếp tục hát luôn 5 bài nữa, trong số có bài Parlez-moi d'amour quen biết. Dalida đã thấm mệt nhưng không vì thế mà kém phần linh động và không “hết mình” cho khán giả. Hát hết bài, Dalida chạy vào hậu đài rồi lại chạy ra cười, hôn gió gửi chúng tôi, rồi chắp tay xá, rồi cười, rồi lại hát nữa. Không nói mà thật ý nhị, thật thiện cảm. Dành bản nhạc Bambino quen biết để kết thúc, Dalida đã làm hài lòng tất cả mọi người. Ngay sau đó, đại diện Hội Hồng Thập tự lên nói lời cảm ơn, ca sĩ Thanh Lan cũng xuất hiện với bó hoa tươi thắm tặng Dalida. Tấm màn nhung buông xuống giữa lúc pháo tay nổ ran, nổ mãi không thôi. Bất ngờ, màn lại kéo lên, Dalida lại trở ra, hát thêm bài Les Gitans rất hay”.
Dù chỉ đến biểu diễn tại Sài Gòn một lần, nhưng Dalida đã chinh phục được tình cảm của công chúng, tất nhiên do tài năng, ngoài ra còn gì nữa? Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn cùng nhà văn Mai Thảo dạy cô tập phát âm tiếng Việt để có thể thưa gửi với mọi người bằng tiếng Việt đã kể lại: “Nhìn Dalida chăm chú theo dõi, đoạn tròn miệng đọc lại những tiếng có, không, cám ơn, chào mạnh giỏi… người ta thấy toát ra một khía cạnh đẹp đẽ nữa của tâm hồn Dalida. Cái khía cạnh chân thực, tha thiết và nồng nàn, cộng với một niềm vui sống tràn đầy và một bản chất hồn nhiên, cởi mở của Dalida, tạo thành bí quyết thành công rực rỡ. Điều mà người ta nhận thấy - và điều này là châu báu quý giá nhất của Dalida, còn quý giá hơn cả tiếng hát của nàng - là danh vọng không hề đổi khác con người Dalida, danh vọng không đẩy nữ danh ca quốc tế này vào một cái thứ tháp ngà kiêu hãnh, là cái mặt trái đáng ghét thường thấy ở phần lớn những nghệ sĩ được đông đảo quần chúng ái mộ. Ở điểm này, Dalida xứng đáng là Dalida, xứng đáng với cái phong thái, cái tư cách, cái thái độ phải có của một danh ca quốc tế”.
Thêm một điều lý thú cũng ít ai ngờ là bấy giờ, người Sài Gòn đã rất nhanh nhạy nhằm đáp ứng nhu cầu ái mộ của công chúng bằng dịch vụ: “Ai muốn có lưu bút kỷ niệm của Dalida trên đĩa hát hay hình ảnh, có thể tới tiệm Alpha Radio, 157 đường Tự Do, Sài Gòn từ 16 - 18 giờ ngày 3.7.1962”.
Về sự kiện, nữ danh ca Dalida - người đã từng được thành phố Paris lấy tên đặt cho một quảng trường gần nhà, đã đến Sài Gòn trong thập niên 1960, khi lướt web, tôi còn tìm thấy một vài hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đó. Với tôi, thú vị vẫn là bức cô điều khiển chiếc xe bò, ngồi cạnh một nông dân miền Nam, chụp tại Gò Vấp, Sài Gòn.
Bình luận (0)