Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 3: Người cô “đặc biệt” của Giáo sư Trần Văn Khê

07/03/2015 05:48 GMT+7

Trần Ngọc Diện là ai? Bà có công trạng gì mà TP.HCM có một con đường đặt tên bà ở Q.2.

Trần Ngọc Diện là ai? Bà có công trạng gì mà TP.HCM có một con đường đặt tên bà ở Q.2.
Các thành viên gánh hát “Đồng nữ” - Ảnh: T.LCác thành viên gánh hát “Đồng nữ” - Ảnh: T.L
“Cô Ba tôi tên là Trần Ngọc Diện. Ngọc Diện tức là mặt đẹp như ngọc, chớ không phải Ngọc Viện như nhiều người lầm tưởng. Do khi đi làm khai sanh, người trích lục ghi nhầm nên từ Ngọc Diện bị đổi thành Ngọc Viện. Cô ba tôi rất không vui vì sự nhầm lẫn này”. Mở đầu câu chuyện, GS Trần Văn Khê đã đính chính cho họ tên người cô ruột.
Thế hệ ngày nay biết về bà chỉ trong mấy dòng sơ lược khi đọc quyển sách Phụ nữ Nam bộ thành đồng do Bảo tàng Phụ nữ biên soạn và ấn hành năm 1989: “Đoàn hát “Đồng nữ” được tổ chức năm 1927 tại tỉnh Mỹ Tho do bà Trần Ngọc Viện (cô ba Viện)... Cô Ba từng là giám thị của một trường nữ công tại Sài Gòn, rất khéo tay trong thêu may, nấu nướng mà lại am hiểu âm nhạc dân tộc. Chủ trương của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đưa cô ba Viện ra lập đoàn hát “Đồng nữ” một mặt để làm tài chánh cho đoàn thể, mặt khác để tuyên truyền yêu nước và vận động phụ nữ tham gia cách mạng...”.
Theo GS Trần Văn Khê, đó là người phụ nữ sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ngoài tài may vá, thêu thùa, cô Ba Diện còn có tài đờn tranh, đờn tỳ bà rất hay. Sau khi lấy chồng, sinh con đầu lòng không nuôi được, chồng cũng chết vì bệnh thời gian sau đó, cô Ba trở thành giáo viên dạy nữ công gia chánh trong trường Áo tím. Ông nội mất, cậu bé Trần Văn Khê buồn rầu, bỏ ăn, ngồi khóc suốt ngày. Thương cháu, cô Ba đưa cậu bé lên Sài Gòn. Mỗi khi đi dạy, sợ cháu không ai chăm sóc cô mang đi theo. “Nhờ vậy mà tôi được mấy chị nữ sinh thay phiên nhau ẵm và chọc cho tôi “nói lẽ”. Trước kia, ông nội tôi dạy hễ ai hỏi “Em đi học sau này lớn lên làm gì?” thì tôi trả lời: “Em học để lớn lên giúp nhơn quần xã hội”. Các chị cười to thích thú và tôi cứ tiếp tục trả lời như con két. Nhưng có lẽ những lời nói ấy cũng phần nào thấm vào tiềm thức của tôi, nên đến khi khôn lớn, trong việc chọn môn học hay công việc làm, tôi luôn nghĩ đến lợi ích chung hơn là lợi ích cho riêng mình”.
Năm 1926, đám tang cụ Phan Chu Trinh đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng to lớn của phong trào yêu nước ở Sài Gòn và lục tỉnh, lôi cuốn hàng chục ngàn thanh niên, trong đó có nhiều phụ nữ. Cô Ba Diện vì tham gia đám tang mà không được tiếp tục dạy học nữa. Do giỏi nữ công gia chánh lại am hiểu âm nhạc dân tộc nên cô được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng động chí Hội giao nhiệm vụ lập gánh hát “Đồng nữ”.
GS Trần Văn Khê kể tiếp: “Cô Ba tuyển đào kép nữ trong những gia đình nông dân; vừa là bầu gánh, vừa đạo diễn, tự thiết kế và may tất cả xiêm y. Cậu Năm tôi - ông Nguyễn Tri Khương - và một người gọi là thầy Hai vừa đặt tuồng, vừa dạy võ cho các chị. Gánh hát có chị Năm Trần Thị Ơi coi về kỷ luật, chị Tư Cầm và chị Ba Nhàn lo về quần áo và ăn uống cho cả gánh, anh ba Trần Văn Hòe lo việc bảo vệ và trật tự. Gánh hát lưu diễn khoảng hơn một năm từ làng đến tỉnh, từ tỉnh đến Sài Gòn, được khán giả rất ưa thích nhưng luôn bị bọn mật thám theo dõi. Đến năm 1929, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm gánh “Đồng nữ” hoạt động. Cô Ba chia xiêm y, dụng cụ cho diễn viên và về ở nhà ba má tôi tại Vĩnh Kim”.
Dưới sự bảo bọc của cô Ba Diện, cậu bé Trần Văn Khê dần dần trưởng thành, lên Sài Gòn học Trường Trương Vĩnh Ký, rồi ra Hà Nội học ĐH Y khoa. Năm 1943 ông về Nam, tham gia phong trào Cách mạng Tháng Tám. Dòng đời đưa đẩy ông rời Tổ quốc, phiêu bạt trên khắp vùng đất trên thế giới, mang theo hồn âm nhạc dân tộc truyền bá muôn phương... Trong vô vàn kỷ vật quý giá suốt cuộc đời gần một thế kỷ của mình, ông coi bức ảnh người mẹ kính yêu đã hy sinh tuổi xuân mình cho đại cuộc và cảnh cô Ba Diện chụp cùng chị em gánh hát “Đồng nữ” như tài sản vô giá.
“Tháng 6 năm 1994 tôi về thăm cô. Cô gặp tôi rất vui và nói rằng: “Cô thèm được nghe con hòa đờn với cậu Năm một lần, coi như tế sống cô vậy!”. Để làm vui lòng cô, hai cậu cháu cùng hòa đờn tài tử những điệu như: Nam xuân thanh thản, Nam ai u buồn... Khi trở lại điệu Bắc là điệu vui để kết thúc, nhìn cô đau ốm nằm trên chiếc ghế gật gù thưởng thức nhạc, hai cậu cháu nước mắt đầm đìa... Lần hòa đờn này để lại ấn tượng suốt đời, tôi đau lòng nghĩ rằng đây có lẽ là lần cuối cùng tôi còn được đờn cho người mà mình thương quý nhất nghe. Cô Ba tôi không còn, từ đó căn nhà lá tại Vĩnh Kim nhờ mấy người chị bà con trông nom. Sau này, do bận nhiều việc nên tôi cũng chưa có dịp trở về thăm lại căn nhà đầy kỷ niệm thời thơ ấu trước khi sang Pháp...”, GS Trần Văn Khê rưng rưng.
Bất ngờ khi nghe tôi nói ở Q.2 có con đường mang tên Trần Ngọc Diện, mắt ông rực sáng. Ông muốn đến tận nơi và được đi trên con đường vinh danh tên tuổi người cô ruột của mình. Khi đứng dưới tấm biển đề tên Trần Ngọc Diện, kỳ lạ thay, tôi nhìn thấy khoảnh khắc thời thơ ấu trong ông bỗng ùa về trong dáng vẻ từng trải, lịch lãm của một con người nổi tiếng khắp thế giới, bỗng hình dung ra căn nhà lá trong vườn vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim năm nào, có cậu bé Trần Văn Khê đã nhiều lần phụng phịu khi bị cô Ba mắng yêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.