Tháng 3, tháng có ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Thanh Niên khởi đăng loạt bài độc quyền của nhà văn Trầm Hương viết về những nữ danh tài ba, xinh đẹp ở xứ Nam kỳ xưa với những câu chuyện độc, lạ, lần đầu tiên được công bố.
Đường Kinh Lấp - Charner, nay là đường Nguyễn Huệ, nơi Chiêu Nam Lầu
tọa lạc ngày trước - Ảnh: T.L |
Đó là bà Nguyễn Thị Xuyên, một phụ nữ xuất thân từ chốn quê ở Cần Giuộc, Tân An (nay là Long An).
Cha của bà Xuyên là ông Nguyễn An Nghi. Thời vua Tự Đức, lúc Pháp còn cho phép dân Nam kỳ lập đồn điền, ông Nghi bỏ vợ con, một mình từ Bình Định vào Nam lập nghiệp. Ông giỏi Hán học, biết võ nghệ và giỏi nghề bốc thuốc. Khi quân Pháp chiếm Nam kỳ, ông theo nghĩa quân Trương Định. Lúc tướng quân hy sinh, nghĩa binh tan rã, ông về quê vợ thứ hai ở Cần Giuộc, sống trong tâm trạng bất đắc chí. Ông có ba người con với vợ hai là Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư.
Ông Nguyễn An Khương, thân sinh của Nguyễn An Ninh, nhà cách mạng, lãnh tụ của cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ 20 ở Nam kỳ, đã đúc kết kinh nghiệm nhiều năm làm nghề giáo, đi và nghe, để viết thành những mẩu chuyện nhỏ về các gương hiếu nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, rồi in thành cuốn Mông học thê giai. Ngoài dạy học, ông Khương và ông Cư còn chữa bệnh cho dân nghèo không lấy tiền. Lúc rỗi rãi ông Khương dịch sách, nhờ bà Xuyên sắp xếp lại rồi thuê in thành sách. Bộ sách được dịch và in đầu tiên của ông Khương là bộ Tam quốc diễn nghĩa rất được bà con mến mộ.
Vì cảm kích người thầy giáo làng tài đức, ông hội đồng Trương Dương Lợi gả con gái Trương Thị Ngự cho ông Khương. Cô Bảy Ngự tuy nhan sắc không bằng chị bằng em trong nhà nhưng nết na, giỏi giang nổi tiếng xứ Cần Giuộc. Có được cô em dâu như vậy, bà Xuyên rất hài lòng. Lúc cha mất, bà Xuyên mới 30 tuổi, nguyện không lấy chồng, ở vậy suốt đời phụng dưỡng mẹ già và lo cho hai em.
Từ tiệm may biến thành khách sạn
Năm 1899, ông Khương đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đầu mướn hai căn phố liền nhau, trên đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ) thử mở tiệm may. Tiệm ngày càng đông khách không chỉ nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của bà Xuyên và cô Bảy Ngự, mà còn nhờ vào nhan sắc mặn mà, nét nền nã, duyên dáng của bà Xuyên. Họ đặt tên tiệm may là Chiêu Nam Lầu, với ý tứ sâu xa là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người VN, nơi gặp gỡ anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc Bắc, Trung lưu lạc vào Nam trong phong trào Đông Du, Duy Tân...
Tiệm may Chiêu Nam Lầu nổi tiếng đến nỗi vua Thành Thái trước ngày bị đày sang đảo Réunion đã bí mật đến may cả chục chiếc áo dài gấm. Thấy nhiều điền chủ, thương gia từ lục tỉnh lên Sài Gòn có nhu cầu nghỉ đêm, chủ nhân Chiêu Nam Lầu cho sửa chữa các phòng tầng trên để làm khách sạn. Công việc kinh doanh khách sạn ngày càng phát đạt nhờ tài tháo vát, nội trợ của cô Bảy Ngự, mẹ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, sau này được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng.
Ngoài việc làm ăn giỏi, bà Xuyên còn hết lòng trợ giúp người em trai từ lúc hoạt động phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và Hoàng thân Cường Để, đến phong trào Duy Tân rồi Đông Kinh nghĩa thục. Những người yêu nước lui đến Chiêu Nam Lầu đều được bà Xuyên lo lắng chu đáo. Trong số bạn bè của ông Khương đến Chiêu Nam Lầu để mắt đến bà Xuyên, có một vị khách đặc biệt. Đó là Hoàng thân Cường Để. Mỗi khi bí mật về Sài Gòn là ông đến Chiêu Nam Lầu. Nhiều người trêu chọc, bà không thanh minh. Ông hoàng Cường Để cũng chỉ cười, chẳng giải thích. Một buổi trưa vắng khách, bọn Pháp bất ngờ ập đến Chiêu Nam Lầu, vây bắt Cường Để. Lúc đó, ông hoàng đang nằm ngủ trên bộ ván dưới nhà. Thấy có người ở trần nằm ngủ, mặc quần đùi, ngáy pho pho, bọn Pháp nghĩ đó là người làm công nên bỏ đi lùng sục phòng khác. Dưới nhà, bà Xuyên đánh thức ông dậy, đưa quần áo của người làm công cho ông hoàng mặc, rồi đẩy ông vào nhà bếp. Ông Cường Để ngồi rửa chén đĩa, nghe rõ mồn một trên lầu giọng ông Khương trả lời bọn Pháp: “Cường Để không đến Chiêu Nam Lầu”. Chúng xuống tầng dưới, sục vào bếp, ngó không thấy ai có dáng ông hoàng bèn bỏ đi. Đêm đó, bà Xuyên tìm người đưa ông rời khỏi Sài Gòn.
Không chỉ Hoàng thân Cường Để, mà Mangoon, ông hoàng Miến Điện bị bọn cầm quyền Anh thời ấy trục xuất ra khỏi đất nước, cũng là bạn thân của bà Xuyên. Khi sang Sài Gòn, Mangoon được bà cưu mang cho đến chết. Ngày sắp từ giã cõi đời, ông lấy trong người ra một túi nhỏ, trăng trối: “Đây là toa thuốc của hoàng gia để nấu dầu cù là. Bà hãy giữ nó, tôi mang theo để phòng thân khi đói khổ. Đa tạ bà đã giúp tôi, tôi không có gì đền đáp công ơn đó”. Bà Xuyên không ngờ, chính toa thuốc bí truyền ấy sau này đã giúp người cháu của mình là Nguyễn An Ninh một cách đắc lực trên con đường hoạt động cách mạng.
Năm 1926, Nguyễn An Ninh bị Pháp bắt, tiếp theo là đám tang chí sĩ Phan Chu Trinh, Chiêu Nam Lầu trở thành một địa điểm tập họp lực lượng quần chúng nên bị nhà cầm quyền Pháp đe dọa. Trước sự khủng bố, bà Xuyên đành bán Chiêu Nam Lầu, về Hóc Môn cất ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Nguyễn An Ninh, nhận một cô gái lai Ấn làm con nuôi. Năm 1940, trước khi xảy ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, bà Xuyên lâm bệnh nặng. Lúc đó, Nguyễn An Ninh bị đày đi Mỹ Tho, người cháu dâu đưa đàn con nheo nhóc về Mỹ Tho tìm chồng, bỏ lại vườn xoài Hóc Môn tiêu điều, hoang vắng. Đó cũng là năm địch cho đàn áp, bắt nhiều nhà hoạt động cách mạng. Nhờ người nhắn, bà Sáu (cháu dâu) kịp trở về lo đám tang cô chồng, lập phần mộ bà Xuyên nằm trong khu nghĩa trang gia đình. Sau này chính quyền Ngô Đình Diệm cho san ủi, xây dựng khu gia binh khiến nơi yên nghỉ của bà Xuyên bị thất lạc.
Bình luận (0)